Các tổ chức phi chính phủ kiến nghị áp thuế TTĐB theo đúng lộ trình

04/06/2016 03:34:46 PM
(TCT online) - Trước các đề xuất của Hiệp hội bia- rượu - nước giải khát (VBA) về việc lùi thời hạn áp dụng Nghị định 108/2015/NĐ-CP và Thông tư 195/2015/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Luật Thuế TTĐB (có hiệu lực từ 1/1/2016), tại Hội thảo “Chính sách thuế TTĐB và sức khỏe cộng đồng” diễn ra ngày 4/4, Liên minh phòng chống các bệnh không lây nhiễm và Hội Y tế công cộng cho rằng, kiến nghị này đang trực tiếp cản trở các cố gắng bảo vệ lợi ích sức khỏe công cộng.
 
 
 
Tại hội thảo, đại diện các tổ chức phi chính phủ cho biết, nội dung điều chỉnh giá tính thuế TTĐB tại Nghị định 108 và Thông tư 195 giúp tăng cường tính minh bạch trong xác định mối quan hệ của DN sản xuất và DN kinh doanh; giảm nguy cơ lợi dụng của các DN sản xuất tự thành lập công ty con để chuyển giá, gây thất thu NSNN. Với những thay đổi về giá tính thuế TTĐB trong Nghị định 108, dự kiến giá bán lẻ của sản phẩm thuốc lá, rượu bia sẽ tăng thêm từ 2%-7%, điều này sẽ trực tiếp làm tăng thu ngân sách và giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá và rượu bia hiện nay. Theo tính toán, mức thuế TTĐB của thuốc lá điếu tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB 2014 (tăng từ 65% lên 70% từ 1/1/2016 và từ 70% lên 75% từ 1/1/2019) chỉ làm cho giá bán lẻ tăng khoảng 2,9% tại thời điểm tăng thuế vào năm 2016 và 2,8% vào năm 2019; và chỉ ở mức dưới 1%  trung bình cho cả giai đoạn 2015 - 2020 (sau khi đã trừ yếu tố lạm phát). Trong khi đó, mức tăng trưởng GDP bình quân trong giai đoạn hiện nay của Việt Nam ước 5%/năm. Điều đó cho thấy, trong những năm tới, giá (thực) của thuốc lá và rượu bia sẽ tiếp tục rẻ đi ảnh hưởng không tốt tới ngân sách và các mục tiêu y tế công cộng ở Việt Nam vì không có tác động làm giảm xu hướng gia tăng tiêu dùng.
 
Theo TS Lê Đăng Doanh- chuyên gia kinh tế, trong khi việc sử dụng thuốc lá và lạm dụng rượu bia đã và đang đem lại rất nhiều hệ lụy xấu cho sức khỏe và xã hội, thì ở Việt Nam giá các sản phẩm gây hại lại rất rẻ. Do đó, việc tăng thuế với rượu bia và thuốc lá là cần thiết để tăng giá thành của các sản phẩm cần được hạn chế tiêu dùng, góp phần giảm gánh nặng bệnh tật liên quan và tăng thu NSNN.
 
Đồng quan điểm, TS Đỗ Thị Thìn, nguyên Trưởng ban thuế TNCN (Tổng cục Thuế) phân tích, thuế TTĐB có vai trò quan trọng trong việc định hướng sản xuất, hạn chế tiêu dùng các sản phẩm có hại đối với sức khỏe cộng đồng. Tại Việt Nam, chính sách của Nhà nước đối với việc hạn chế tiêu dùng những mặt hàng có ảnh hưởng đến sức khỏe con người được quy định tại khoản 2, Điều 4 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và tại Quyết định số 244/QĐ-TTg về chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020. Việc điều chỉnh tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá, rượu, bia là công cụ hữu hiệu và cần thiết bên cạnh các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm định hướng sản xuất, tiêu dùng giúp giảm nguy cơ bệnh tật, tai nạn giao thông và các tệ nạn xã hội khác. 
 
Mặc dù vậy, tại hội thảo một vấn đề khác được đặt ra cần được giải quyết thấu đáo về cơ sở pháp lý. Theo đó, yêu cầu phải xem xét sự đồng bộ giữa Nghị định 108 và Thông tư 195 với Luật Thuế TTĐB và các cam kết quốc tế. Phân tích về khía cạnh này, GS,TS Lê Hồng Hạnh - chuyên gia luật cho rằng, hai văn bản này không đưa ra đối tượng chịu thuế và mức thuế mới nên không trái với Luật Thuế TTĐB. Nghị định 108 và Thông tư 195 không chỉ áp dụng riêng cho các DN Việt Nam mà cả các DN nước ngoài nên không vi phạm nguyên tắc phân biệt đối xử theo cam kết tự do thương mại quốc tế. Về tính minh bạch, Nghị định ban hành vào cuối năm 2015 và công bố bắt đầu thực hiện từ 1/1/2016 là hoàn toàn đáp ứng yêu cầu thực tế.
 
Bên cạnh việc cung cấp các cơ sở khoa học và thực tiễn về những tác động tích cực của thuế TTĐB đối với các sản phẩm bia, rượu và thuốc lá, ngày 4/4 các tổ chức phi chính phủ cũng đã gửi thư kiến nghị đến Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ đối với Chính phủ trong việc điều chỉnh giá tính thuế TTĐB đối với thuốc lá, rượu bia tại Nghị định 108 và Thông tư 105. Đồng thời kiến nghị tiếp tục nghiên cứu sớm tăng thuế thuốc lá, rượu bia để phù hợp với khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới và Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới mà Việt Nam cam kết.

 

Theo Tapchithue