Tại Tọa đàm “Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và chống buôn lậu thuốc lá - những vấn đề đặt ra” ngày 19/11, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) khẳng định, tăng thuế là công cụ cần thiết để hạn chế tiêu dùng, kiểm soát sản xuất các mặt hàng như thuốc lá, và tăng thu ngân sách từ thuế. Tuy nhiên, nếu tăng thuế quá nhanh và đột ngột sẽ gây ra tác dụng ngược: không chỉ không giúp đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc hay tăng thu ngân sách, mà còn kéo theo các hệ lụy về an ninh quốc gia và môi trường kinh doanh lành mạnh khi thuốc lá lậu tràn lan và sản lượng thuốc lá hợp pháp giảm mạnh và sẽ không mang lại hiệu quả cao như mục tiêu của thuế tiêu thụ đặc biệt đề ra.
Tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, Chính phủ đưa ra 2 phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá. Phương án 1 sẽ tăng 2.000 đồng/bao ở năm đầu tiên và đạt mức tăng 10.000 đồng vào năm 2030. Phương án 2, tăng 5.000 đồng/bao ngay từ năm 2026 và tăng tịnh tiến 1.000 đồng/bao trong 5 năm kế tiếp để đạt mức 10.000 đồng/bao năm 2030.
“Có thể việc tăng thuế làm tăng giá bán, có thể hạn chế sản xuất thuốc lá tuy nhiên chưa hẳn đã đạt được mục tiêu giảm tiêu thụ mặt hàng thuốc lá, hạn chế tác hại của thuốc lá. Do thực tế việc tăng thuế cao có thể dẫn đến hàng nhập lậu tăng, người tiêu dung chuyển sang dùng thuốc lá lậu hoặc một bộ phận nhỏ chuyển cơ chế tự cung, tự cấp vừa thất thu thuế tiêu thụ đặc biệt, vừa không đảm bảo chất lượng sản phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân”, bà Cúc nói.
Về vấn đề buôn lậu, Thượng tá Lê Thiện Thành, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn Điều tra, Cục Phòng, chống Ma túy và Tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP), cho hay trong năm 2024, hoạt động buôn lậu, nhập lậu thuốc lá điếu ngoại, nguyên liệu thuốc lá không rõ nguồn gốc xuất xứ vào nước ta đang là vấn đề gây nhức nhối trong xã hội, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá hợp pháp, gây thất thu ngân sách nhà nước.
Trong bối cảnh đó, theo ông Thành, cần có lộ trình, chính sách tăng thuế hợp lý, phù hợp thực tiễn, trong đó chủ động thực hiện hài hòa mục tiêu của Chính phủ đặt ra về hạn chế tiêu dùng.
“Lộ trình tăng thuế nên giãn ra để lực lượng Bộ đội Biên phòng và các cơ quan quản lí thị trường có thêm thời gian để chuẩn bị kế hoạch và lực lượng nhằm ứng phó hiệu quả với việc buôn thuốc lá lậu tăng cao do thuế tăng”, Thượng tá Lê Thiện Thành nhấn mạnh.
Cũng theo ông, cần sớm sửa đổi Nghị định 98/2020/ND-CP để ban hành chế tài xử phạt nghiêm đối với hành vi vận chuyển, buôn bán và sử dụng thuốc lá lậu, củng cố cơ sở pháp lý trong công tác phòng chống buôn lậu, cũng như tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp hợp pháp tồn tại.
Lãnh đạo VTCA cho rằng, cần cân nhắc kỹ càng tác động tăng thuế nhanh, cao theo dự Luật đến thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng. Kiểm soát hàng nhập lậu; Hướng đến chính sách điều tiết hiệu quả, bền vững; đảm bảo hài hòa các lợi ích: bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ổn định sản xuất kinh doanh của chuỗi cung ứng sản phẩm và nguồn thu ngân sách nhà nước.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, phương án 1 của dự thảo là cách tiếp cận hợp lý hơn, giảm thiểu những tác động tiêu cực đến các chủ thể liên quan so với phương án 2. Tuy nhiên lộ trình tăng thuế nên được giãn ra một cách phù hợp hơn, không nên tăng liên tục hằng năm, nhằm giúp ngành thuốc lá hợp pháp có đủ thời gian chuyển đổi và thích nghi.
Ông Hoàng Minh Hiếu, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng đến thời điểm hiện nay, việc tăng thuế cần bảo đảm có lộ trình hợp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp thuốc lá trong nước có thời gian thích nghi và ổn định sản xuất, từ đó giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực việc làm của người lao động trong toàn chuỗi giá trị của ngành, đảm bảo an sinh xã hội; đồng thời hỗ trợ sử dụng nguồn vốn nhà nước hiệu quả đối với những doanh nghiệp sản xuất thuốc lá có vốn đầu tư nhà nước.
“Với bản chất thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng để điều chỉnh hành vi người tiêu dùng, cần có đánh giá định lượng xem xét liệu việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên mặt hàng thuốc lá có thực sự khiến giảm số lượng người hút thuốc, hay lại đẩy người tiêu dùng tìm đến các loại thuốc lá lậu, giá rẻ, chất lượng không đảm bảo,” ông Hiếu nhấn mạnh.
Theo đại biểu quốc hội Hoàng Văn Cường, thuốc lá là sản phẩm có hại cho sức khỏe và phải điều chỉnh thuế để điều chỉnh hành vi. Tuy nhiên, việc thay đổi hành vi tiêu dùng có thể theo nhiều hướng khác nhau như hông dùng nữa hoặc lại chuyển sang dùng loại khác. Bên cạnh đó, tăng thuế sẽ tăng thu ngân sách nhưng ngân sách có thể bị giảm khi khối lượng tiêu dùng, sản xuất giảm đi...
Vì vậy, ông Hoàng Văn Cường đề xuất lùi thời điểm tăng thuế đến năm 2027 để có thời gian tuyên truyền, thông tin, tác động tới nhà sản xuất, doanh nghiệp, người tiêu dùng. Cùng với đó cần có giải pháp đồng bộ tuyên truyền, chống buôn lậu...