Những ngày gần đây, sàn thương mại điện tử Temu của Trung Quốc đang “oanh tạc” thị trường Việt Nam với những sản phẩm giá rẻ, giảm giá mạnh và triển khai chương trình tiếp thị liên kết (Affiliate marketing) - giới thiệu người dùng để nhận được hoa hồng…
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, không chỉ Temu mà các các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Shein, 1688… đã tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng vẫn chưa tiến hành đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) cho biết, theo quy định, tất cả những sàn thương mại điện tử nước ngoài hoạt động tại Việt Nam phải đăng ký hoạt động và được cấp phép bởi Bộ Công Thương. Nếu họ chưa được cấp phép hoạt động nhưng đã phát sinh doanh thu của hoạt động kinh doanh thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế: kê khai và nộp thuế tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Theo đó, người nộp thuế bao gồm cả tổ chức, cá nhân, hộ cá nhân kinh doanh có trách nhiệm tự khai, tự tính, tự nộp và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về số liệu kê khai nộp thuế.
“Tôi được biết, Temu đã đăng ký trên Cổng Thông tin điện tử của Tổng cục Thuế từ tháng 9 năm 2024 tuy nhiên quy định nhà cung cấp nước ngoài sẽ nộp thuế theo quý. Như vậy cuối tháng 10 họ mới tiến hành nộp thuế. Theo đó, họ có sản xuất kinh doanh, có doanh thu đã đăng ký thuế nhưng chưa đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương là vi phạm.
Còn về nghĩa vụ thuế, nếu như có trường hợp những năm trước họ đã hoạt động kinh doanh có doanh thu tại Việt Nam nhưng chưa nộp thuế thì cơ quan thuế căn cứ vào luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn để thực hiện thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế kèm tiền phạt theo quy định của pháp luật”, bà Nguyễn Thị Cúc nêu rõ.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch VTCA, việc quản lý các sàn thương mại điện tử cũng đang gặp nhiều khó khăn đặc biệt là những sàn từ nước ngoài. Đó là việc các sàn yêu cầu thanh toán đặt hàng bằng thẻ tín dụng cá nhân, thu tiền trước khi nhận hàng, chia nhỏ các đơn hàng... Ngay khi đặt hàng, các sàn thương mại điện tử trích tiền ngay và sau đó nhận hàng. Do đó, vấn đề kiểm soát doanh thu để thu thuế gặp khó khăn.
Theo quy định của Luật quản lý thuế, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các ngân hàng khác có trách nhiệm chia sẻ dữ liệu, cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trong lĩnh vực thuế, số liệu giao dịch thương mại điện tử. Hiện nay, với sàn thương mại điện tử trong nước cơ quan thuế đang đề nghị sàn thương mại điện tử nộp thay cá nhân kinh doanh trên sàn. Đối với sàn thương mại điện tử nước ngoài việc thu thuế còn gặp khó khăn.
Cùng với đó, theo Chủ tịch VTCA, hiện nay nhiều sàn thương mại điện tử nước ngoài dựa vào quy định hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ không thu thuế VAT, thuế nhập khẩu theo Công ước Kyoto về hài hòa và đơn giản thủ tục hải quan. Việt Nam có Quyết định 78 năm 2019 của Chính phủ quy định giá trị hàng hóa chuyển phát nhanh dưới 1 triệu được miễn thuế. Như vậy, hàng hóa giá trị nhỏ trên các sàn thương mại điện tử chuyển phát nhanh vào Việt Nam sẽ tránh thuế, đây cũng là rủi ro.
Để quản lý các sàn thương mại điện tử nước ngoài, Chủ tịch VTCA đề nghị Bộ Công Thương cần có giải pháp mạnh mẽ xử lý những sàn hoạt động tại Việt Nam nhưng chưa được cấp phép.
Bộ Thông tin và Truyền thông có biện pháp ngăn chặn sàn thương mại điện tử hoạt động không đúng quy định. Một số quốc gia trên thế giới như Mỹ và châu Âu sử dụng biện pháp cấm sàn thương mại điện tử hoạt động ở nước họ. Tại Indonesi cấm không cho Temu hoạt động.
Đối với cơ quan thuế cần phối hợp với Bộ Công Thương nắm thông tin sàn thương mại điện tử đang hoạt động; cơ quan thuế cần phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông có thể đề nghị ngăn chặn những sàn thương mại điện tử vi phạm.
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng cần nghiên cứu Quyết định 78 miễn thuế VAT, thuế nhập khẩu với hàng hóa chuyển phát nhanh giá trị nhỏ vì Quyết định 78 tại thời điểm 2010 là phù hợp nhưng đến nay khi hoạt động chuyển phát nhanh thông dụng, việc đó trở thành lỗi thời cần sửa đổi để tránh thuế, trốn thuế.
Ngoài ra, cần sửa đổi quy định “cơ sở thường trú” trong hoạt động thương mại điện tử. Những sàn thương mại điện tử nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam cần có phương thức quản lý thuế phù hợp hơn.
“Chúng ta cần phải có những biện pháp quản lý thuế phù hợp hơn đối với các cá nhân, hộ kinh doanh tại sàn thương mại điện tử nước ngoài cũng như các sàn. Những đơn vị nào hoạt động không đúng quy định có thể có những biện pháp mạnh mẽ, để đảm bảo kinh doanh bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài”, bà Nguyễn Thị Cúc kiến nghị.