Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh: Nhiều giải pháp tăng thu ngân sách chặng cuối năm

01/05/2021 10:32:37 AM
Dịch bệnh Covid-19 cùng một số yếu tố khách quan đang khiến nguồn thu nội địa của TP. Hồ Chí Minh suy giảm mạnh. Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều giải pháp quản lý thuế, đồng thời kiến nghị UBND TP nhiều giải pháp hỗ trợ đơn vị gia tăng nguồn thu ngân sách từ đất.

 

Số thu nội địa của TP. Hồ Chí Minh có thể tăng hơn 5 nghìn tỷ đồng trong các tháng cuối năm
Số thu nội địa của TP. Hồ Chí Minh có thể tăng hơn 5 nghìn tỷ đồng trong các tháng cuối năm nếu thực hiện tốt các giải pháp chống thất thu từ đất đai.
 

4 giải pháp trọng tâm

Theo Báo cáo của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, tổng thu nội địa lũy kế 7 tháng đầu năm được 138.727 tỷ đồng, đạt 47,7% dự toán và giảm 14,73% (so cùng kỳ năm 2019). Trong đó, thu nội địa trừ dầu được 131.713 tỷ đồng, đạt 47,27% dự toán và giảm 11,58%. Trước thực tế nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) suy giảm và nhằm đảm bảo thu NSNN năm 2020 ở mức cao nhất, đơn vị đã tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp thường xuyên của ngành như đẩy mạnh công tác tuyên truyền hỗ trợ, công tác thanh tra, kiểm tra, công tác quản lý nợ thuế... với 4 hoạt động trọng tâm.

Cụ thể, đơn vị tập trung đôn đốc kịp thời đối với các khoản thuế được gia hạn đến hạn nộp trong 5 tháng cuối năm 2020. Với diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19 như hiện nay, Cục thuế chủ trương hạn chế việc tiếp xúc, kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế (NNT), đẩy mạnh việc rà soát các doanh nghiệp (DN) trên hệ thống của cơ quan thuế nhằm phát hiện những DN có doanh số tăng nhưng số thuế nộp không tương ứng so với cùng kỳ, để kịp thời đôn đốc, nhắc nhở DN kê khai theo đúng quy định, tránh tình trạng lợi dụng tình hình dịch bệnh để chiếm dụng tiền thuế.

“Cục Thuế cũng rà soát các DN để điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo hướng: Tập trung vào các DN trọng điểm, các ngành ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid như bưu chính viễn thông, thương mại điện tử; các DN hoạt động trong lĩnh vực kinh tế số, kinh tế chia sẻ; các DN hoạt động trong lĩnh vực y tế như dược, trang thiết bị y tế... Đồng thời, tiến hành rà soát các khoản thu từ đất, trong đó tập trung rà soát các nguồn thu từ kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước; các khoản nợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; các nguồn có khả năng thu trong những tháng cuối năm… Tuy nhiên, để triển khai có hiệu quả các biện pháp trên, rất cần được sự hỗ trợ, chỉ đạo của UBND thành phố và sự phối hợp của các sở, ban, ngành trên địa bàn” - Cục trưởng Lê Duy Minh cho biết.

Tăng cường rà soát, chống thất thu trong lĩnh vực đất đai

Tại buổi làm việc mới đây của Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong với lãnh đạo các cơ quan tài chính trên địa bàn, ông Lê Duy Minh đã nêu một thực tế là địa phương còn nhiều nguồn thu liên quan đến đất nhưng cơ quan thuế chưa thể thực hiện. Từ thực tế này, người đứng đầu cơ quan thuế TP. Hồ Chí Minh đã kiến nghị Chủ tịch Nguyễn Thành Phong chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) hỗ trợ Cục thuế mau chóng thu về nguồn ngân sách trên. Thứ nhất, đó là vấn đề liên quan việc thu tiền thuê đất những khu đất chưa có quyết định và hợp đồng. UBND TP cần chỉ đạo Sở TN&MT ký hợp đồng thuê đất đối với 1.520 khu đất (gồm hồ sơ ký mới và ký lại) và chuyển thông tin đến cơ quan thuế để thực hiện thu theo đúng mục đích của các công ty đang sử dụng, bởi vấn đề này Cục thuế đã có công văn gửi Sở TN&MT từ tháng 9/2019, nhưng vẫn chưa thấy triển khai.

Vấn đề thứ 2 liên quan đến công tác xác định nghĩa vụ tài chính đối với các khu đất đã có quyết định cho thuê nhưng chưa có thông tin từ Sở TN&MT. Cục thuế kiến nghị UBND TP chỉ đạo Sở TN&MT thực hiện những nhiệm vụ theo thẩm quyền để Cục thuế có cơ sở ban hành thông báo nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với 97 khu đất (theo Công văn 8317/CT-QLĐ ngày 3/7/2020 của Cục thuế)…

“Như vậy, ngoài các khoản thu thường xuyên mà Cục thuế dự kiến thu trong 5 tháng cuối năm 2020, nếu được UBND thành phố hỗ trợ giải quyết một số kiến nghị như trên, số thu nội địa của thành phố trong thời gian còn lại của năm sẽ tăng thêm ước khoảng 5.300 tỷ đồng…” – ông Lê Duy Minh nhấn mạnh.

Đối với các khoản thu từ kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường trình Hội đồng Thẩm định giá để cơ quan thuế thu tiền thuê đất một lần (1.168,6 tỷ đồng) đối với Công ty cổ phần Khu Công nghiệp Hiệp Phước. Riêng trường hợp Công ty Sepzone – Linh Trung, Kiểm toán kiến nghị thu tiền thuê đất nhưng hiện nay chưa xác định được đối tượng nộp tiền, trong khi việc xác định là trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường.

 

Theo Thơì báo tài chính