Đại lý thuế cần được 'cởi trói'

09/21/2018 09:13:07 AM
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, việc bổ sung phạm vi hoạt động của đại lý thuế được cung cấp dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp (DN) nhỏ và siêu nhỏ là yêu cầu khách quan, cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Quy định này là sự “cởi trói” đối với các đại lý thuế.

PV: Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có bổ sung đại lý thuế ngoài làm tư vấn về thuế, còn được làm dịch vụ kế toán cho DN nhỏ và siêu nhỏ. Là Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, xin bà cho biết sự cần thiết của việc mở rộng phạm vi hoạt động của đại lý thuế?
 

 Bà cúc
 
 Bà Nguyễn Thị Cúc

- Bà Nguyễn Thị Cúc: Việc bổ sung phạm vi hoạt động cho đại lý thuế là một yêu cầu thực tiễn của các DN. Vì hiện nay, khi nói đến đại lý thuế, mọi người sẽ hiểu là đơn vị làm chức năng liên quan đến thủ tục về thuế, từ kê khai thuế, tính thuế, nộp thuế, quyết toán thuế… Tất cả các thủ tục đó muốn tính được thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) thì phải xác định được doanh thu, chi phí được trừ, nghiệp vụ này đương nhiên liên quan đến kế toán của DN. Tuy nhiên vì luật không cho phép, nên đại lý thuế vẫn làm kế toán, nhưng khi ký trên hồ sơ khai thuế thì DN lại phải tự ký.

Những trường hợp DN không nhờ đại lý thuế làm dịch vụ, thì họ buộc phải thuê hai đơn vị làm dịch vụ độc lập, một bên làm dịch vụ kế toán và một bên làm dịch vụ về thuế. Điều này làm tăng chi phí của DN. Thực tế cho thấy, với DN nhỏ và siêu nhỏ, họ phải tiết kiệm chi phí ở mức tối đa; nếu có thuê dịch vụ cũng phải thuận tiện và tiết kiệm. Yêu cầu này, các đại lý thuế có thể đáp ứng được.

Bên cạnh đó, Thông tư 151/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính cho phép đại lý thuế được thực hiện các thủ tục quyết toán thuế khi DN giải thể, chấm dứt hoạt động… Nghị định 20/2017/NĐ-CP cũng cho phép đại lý thuế được làm các mẫu tờ khai về khai giao dịch liên kết. Rõ ràng, đại lý thuế hoàn toàn có đủ khả năng, trình độ để làm kế toán.

Hiện nay số lượng DN nhỏ và siêu nhỏ có chế độ hạch toán kế toán không phức tạp như các DN thông thường. Trong Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa cũng đã quy định, Bộ Tài chính quy định chế độ kế toán phù hợp với DN nhỏ. Hiện nay Bộ Tài chính đang nghiên cứu chế độ kế toán riêng. Theo đó, chỉ có khoảng 7 tài khoản hệ thống kế toán cho DN siêu nhỏ. Rõ ràng, để đảm bảo đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN thì việc bổ sung phạm vi hoạt động của đại lý thuế được làm dịch vụ kế toán là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, cũng như sự đòi hỏi của DN nhỏ và siêu nhỏ.

PV: Có ý kiến cho rằng, việc tăng thêm phạm vi hoạt động cho đại lý thuế được làm dịch vụ kế toán là chồng chéo với các công ty hoạt động trong lĩnh vực kế toán kiểm toán. Ý kiến của bà về vấn đề này thế nào?

- Bà Nguyễn Thị Cúc: Tôi phải khẳng định rằng không có sự chồng chéo. Vì hiện nay các công ty kiểm toán độc lập, chức năng của họ là làm kiểm toán, gần như không làm dịch vụ kế toán cho DN nhỏ và siêu nhỏ. Chỉ có các công ty dịch vụ kế toán mới thực hiện dịch vụ này. Hơn nữa, theo số liệu quản lý thuế của ngành Thuế, hiện nay có gần 650.000 DN đang hoạt động, trong đó DN nhỏ và siêu nhỏ là gần 520.000 DN. Các công ty làm dịch vụ kế toán đủ điều kiện hành nghề đến thời điểm này là 125 DN và chỉ nằm ở một số tỉnh, thành phố lớn.

Nếu chúng ta không mở rộng phạm vi hoạt động cho các đại lý thuế được làm dịch vụ kế toán, thì có thể tạo nên thế độc quyền. Theo cơ chế thị trường, các DN có quyền lựa chọn các công ty làm dịch vụ kế toán, kiểm toán, các đại lý thuế. Nếu đơn vị nào làm tốt, có uy tín thì người nộp thuế có quyền lựa chọn. Vì thế, chúng ta phải có cơ chế làm sao để các đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn thuế, dịch vụ kế toán phục vụ DN, nhất là DN nhỏ và siêu nhỏ một cách tốt nhất.

Về ý kiến cho rằng, việc thi chứng chỉ hành nghề kế toán hiện nay khó hơn thi chứng chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn thuế, tôi nghĩ rằng ý kiến này là chưa xác đáng. Tất cả những người đủ điều kiện thi chứng chỉ hành nghề tư vấn thuế đều có trình độ đại học. Việc làm dịch vụ kế toán đối với DN nhỏ và siêu nhỏ như tôi nói ban đầu cũng rất dễ dàng, không hề khó đối với người làm công tác tư vấn thuế. Hiện nay, trên toàn quốc đã có hơn 450 đại lý thuế. So với 125 công ty làm dịch vụ kế toán là nhiều, nhưng chỉ mới dừng lại ở 40 tỉnh, thành phố trên cả nước, vì thế yêu cầu phải phát triển thêm đại lý thuế để phục vụ DN theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế, cũng như xã hội hóa công tác tư vấn thuế cho DN là hết sức cần thiết.

PV: Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) có đề cập đến nguyên tắc “bản chất quyết định hình thức”. Việc cho phép đại lý thuế được làm dịch vụ kế toán là nhằm hỗ trợ cho DN nhỏ và siêu nhỏ. Nói cách khác, bản chất của vấn đề là muốn tạo cơ chế hỗ trợ DN nhỏ và siêu nhỏ một cách tốt nhất?

- Bà Nguyễn Thị Cúc: Về bản chất, hiện nay đại lý thuế vẫn làm dịch vụ kế toán. Vì nếu không làm kế toán thì làm sao biết được doanh thu, chi phí tiền lương, tiền công, khấu hao tài sản cố định… của DN để tính thuế TNDN. Mặc dù thực tế là như vậy, nhưng về mặt pháp lý thì đại lý thuế chưa được làm dịch vụ kế toán. Rõ ràng là trái ngược lại với thực tế đang diễn ra hiện nay.

Bên cạnh đó, theo nghiên cứu một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản cho thấy, các nước này đều cho phép đại lý thuế được làm dịch vụ kế toán. Rõ ràng là phải có nghiệp vụ kế toán thì mới tính được thuế. Thông lệ quốc tế đã có, vậy tại sao chúng ta không cho phép đại lý thuế làm dịch vụ kế toán, nhất là trong bối cảnh khuyến khích hộ kinh doanh lên DN như hiện nay? Có như vậy, việc phục vụ cộng đồng DN, nhất là DN nhỏ và siêu nhỏ sẽ tốt hơn.

PV: Xin cảm ơn bà!

Theo Thời báo Tài chính