Để cải thiện mức độ thuận lợi về thuế: Cần có sự vào cuộc của ngành bảo hiểm

06/13/2014 10:06:54 AM
Vừa qua, Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2014, theo đó mức độ thuận lợi về thuế của Việt Nam đứng ở mức 149/189 nền kinh tế thế giới (giảm 4 bậc so với năm 2013) và đứng cuối trong bảng xếp hạng so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên theo Tổng cục Thuế, dữ liệu để IFC và WB tính cách đây đã 2 năm nên báo cáo chưa phản ánh kịp thời về thời gian nộp thuế cũng như tiến trình cải cách thuế ở Việt Nam.

 

Khác biệt về khái niệm và thời gian nên số giờ nộp thuế cao
 
Theo Phó vụ trưởng-Phó ban cải cách và hiện đại hóa Tổng cục Thuế bà Hoàng Thị Lan Anh: Báo cáo môi trường kinh doanh được thực hiện hàng năm nhằm đánh giá mức độ thuận lợi cho hoạt động kinh doanh tại các quốc gia và vùng lãnh thổ trên phạm vi toàn cầu trong 10 lĩnh vực như: thành lập DN, bảo vệ nhà đầu tư, nộp thuế... Theo cách đánh giá của báo cáo thì chỉ tiêu nộp thuế không phải theo khái niệm thuế thông thường (các khoản thu của Chính phủ và không hoàn lại) mà còn bao gồm cả các khoản đóng góp bắt buộc khác mà DN phải thực hiện như: các khoản phí, lệ phí và các khoản bảo hiểm mà chủ sử dụng lao động phải nộp (bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp).
 
 
Báo cáo môi trường kinh doanh đo lường và đánh giá mức độ thuận lợi về thuế theo ba nội dung được chấm điểm có mức độ quan trọng như nhau đó là: số lần nộp thuế; thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế; tổng mức thuế suất. Theo dữ liệu tính toán của Ngân hàng Thế giới, gánh nặng tuân thủ về thuế của Việt Nam, nhất là chi phí về thời gian thực hiện TTHC thuế liên tục nhiều năm đều ở nhóm các nước cao nhất thế giới (năm 2010 là 1050 giờ, năm 2014 là 872 giờ), tuy nhiên chi phí nộp thuế thông thường đã giảm dần. Năm 2009-2010 là 650 giờ, đến năm 2011-2012 còn 569 giờ và đến năm 2013 – 2014 còn 537 giờ. Trong khi đó, chi phí DN thực hiện các thủ tục đóng các khoản bảo hiểm xã hội chiếm tỷ trọng không nhỏ trong tổng số thời gian chung được tính vào chi phí thuế (số liệu năm 2014 là 335/872 giờ, chiếm tỷ trọng 38,42%).
 
Thêm vào đó, dữ liệu để tính toán thường chênh lệch 2 năm (dữ liệu của năm 2012 được dùng để đánh giá, tính toán các chỉ số trong năm 2014), do vậy rất nhiều các cải cách về chính sách thuế đã thực hiện trong thời gian vừa qua chưa được đánh giá và ghi nhận. Điển hình là việc giảm tần suất kê khai thuế GTGT của DN nhỏ và vừa từ 12 lần/năm xuống còn 4 lần/năm, dẫn tới tổng số lần trong chỉ tiêu nộp thuế sẽ giảm còn 24 lần thay vì 32 lần như hiện nay; Áp dụng ngưỡng đăng ký thuế GTGT; giảm thuế suất thuế TNDN từ 25% xuống còn 22% áp dụng từ 1/1/2014; đơn giản hóa mẫu biểu tờ khai: rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục gia hạn nộp hồ sơ khai thuế từ 5 ngày xuống 3 ngày làm việc, thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế đã được rút ngắn đối với trường hợp kiểm tra trước, hoàn thuế sau từ 60 ngày xuống còn 40 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ và hoàn thuế trước kiểm tra sau từ ngày 15 ngày xuống còn 06 ngày làm việc. Cùng với việc giảm tần suất và thuế suất, ngành thuế đã triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin như kê khai thuế qua mạng, nộp thuế qua ngân hàng, nộp thuế điện tử. Đến nay đã có 366.000 DN, chiếm 80% tổng số số DN đang hoạt động đã thực kê khai thuế qua mạng, qua đó đã giảm đáng kể thời gian và chi phí cho DN.
 
Cần sự vào cuộc của ngành bảo hiểm
 
Bà Hoàng Thị Lan Anh cho biết thêm, mức 872 giờ để nộp thuế đã được duy trì trong hai năm gần đây. Với những chương trình cải cách về chính sách và quản lý mà ngành thuế đã triển khai nếu không có sự vào cuộc, sự phối hợp của ngành bảo hiểm thì mục tiêu hoàn thành thủ tục nộp thuế đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN như Chính phủ đề ra là một thách thức lớn. Chính vì vậy, Tổng cục Thuế đã đề xuất Bộ Tài chính trình Chính phủ có văn bản chỉ đạo Bộ Lao động thương binh và xã hội và cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoàn thiện thể chế chính sách và đơn giản hóa TTHC để giảm thời gian nộp bảo hiểm xã hội đạt mức trung bình của các nước ASEAN (49,5 giờ), góp phần nâng cao xếp hạng mức độ thuận lợi về thuế của Việt Nam so với các nước trong khu vực.
 
Về phía ngành thuế, sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai nhanh dự án kê khai thuế điện tử, phấn đấu đến hết năm 2015 có trên 90% các DN đang hoạt động tham gia thực hiện, đồng thời tiếp tục mở rộng hình thức nộp thuế điện tử với nhiều ngân hàng thương mại và triển khai ở nhiều địa phương, góp phần rút ngắn thời gian cho người nộp thuế. Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó tập trung xây dựng quy trình kiểm soát thủ tục tại Tổng cục Thuế; thực hiện công khai, niêm yết các TTHC thuế, đồng thời đẩy mạnh công tác nghiên cứu hoàn thiện thể chế chính sách để rút ngắn thời gian, chi phí tuân thủ pháp luật thuế./.
Theo Tạp chí Thuế