Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi): Bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử

08/29/2018 03:33:15 PM
Để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, tại dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Ban soạn thảo đã đưa hẳn một chương quy định về hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử.
Hóa đơn điện tử sẽ thay thế hóa đơn giấy đang áp dụng hiện nay. Ảnh: N.M
Hóa đơn điện tử sẽ thay thế hóa đơn giấy đang áp dụng hiện nay. Ảnh: N.M

 

Đây được cho là một trong những nội dung nổi bật của Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế lấy ý kiến rộng rãi để trình Chính phủ, trình Quốc hội trong kỳ họp tới.

Điện tử hóa công tác quản lý thuế

Ông Cao Anh Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổ trưởng Tổ soạn thảo dự luật cho biết, với mục tiêu bảo vệ, nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế, nâng cao năng lực của cơ quan thuế, Ban soạn thảo luật đã bổ sung quy định về áp dụng hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử vào dự thảo luật. Theo đó, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế, hoặc hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu mà cơ quan thuế quy định. Khi lập hóa đơn điện tử phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Dự thảo luật cũng quy định việc đăng ký, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử trong giao dịch bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử, kế toán, thuế và quy định của pháp luật thuế, pháp luật kế toán. Dữ liệu hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ là cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử để phục vụ công tác quản lý thuế và cung cấp thông tin hóa đơn điện tử cho các tổ chức, cá nhân có liên quan. Việc cấp mã xác thực của cơ quan thuế trên hóa đơn điện tử dựa trên thông tin của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, hoặc tổ chức khác và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin trên hóa đơn.

Luật sư Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Công ty Luật TNHH Labor Law cho rằng, việc đưa hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử vào trong luật, đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế có thể chủ động khởi tạo hóa đơn điện tử, không phải mua hóa đơn giấy. Hơn nữa, việc sử dụng hóa đơn điện tử đã đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa của ngành Thuế, phù hợp với sự phát triển của thời đại công nghệ thông tin đang bùng nổ hiện nay.

“Qua nghiên cứu tôi thấy rằng, ngoài sự cần thiết phải đưa vào luật những quy định về hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử, thì các quy định của luật là khá chặt chẽ. Đảm bảo cơ quan thuế có thể quản lý, giám sát tình hình sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp, hạn chế việc mua bán hóa đơn bất hợp pháp như hiện nay”, luật sư Lê Thị Hồng Vân nói.

Giảm chi phí cho doanh nghiệp

Ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế), thành viên tổ soạn thảo luật cho biết, sự cần thiết phải đưa quy định về hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử vào trong luật là vì quy định hiện hành về in, phát hành, sử dụng hóa đơn được xây dựng cơ bản để áp dụng quản lý đối với hóa đơn giấy. Mặc dù đã có quy định về hóa đơn điện tử, nhưng chưa bắt buộc áp dụng rộng rãi, mà vẫn cho phép doanh nghiệp được sử dụng đồng thời nhiều hình thức hóa đơn, nên đa số các doanh nghiệp vẫn lựa chọn sử dụng hóa đơn giấy. Chỉ một số ít doanh nghiệp lựa chọn áp dụng hóa đơn điện tử.

“Việc áp dụng hóa đơn điện tử, đặc biệt là hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế trong thời gian qua cho thấy, việc áp dụng hóa đơn điện tử giúp giảm thời gian làm thủ tục hành chính của doanh nghiệp và cơ quan thuế, giảm chi phí cho doanh nghiệp, khắc phục tình trạng làm giả hóa đơn, khắc phục gian lận về hóa đơn, giảm chi phí và mang lại nhiều lợi ích cho toàn xã hội”, ông Huy cho biết.

Cũng theo Ban soạn thảo luật, qua thực tế cho thấy, quy định hiện hành về hóa đơn đã không còn phù hợp với bối cảnh triển khai thủ tục hành chính điện tử. Vì vậy, cần phải hoàn thiện hơn nữa quy định về hóa đơn, chứng từ theo hướng điện tử hóa, quy định rõ các doanh nghiệp phải sử dụng hóa đơn điện tử trong giao dịch bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; góp phần ứng dụng quản lý thuế hiện đại, xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn để góp phần xây dựng cơ quan thuế điện tử.

Việc luật hóa hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử cũng đáp ứng được yêu cầu Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phù hợp với Chỉ thị số 26/TTg của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp.

 

Theo Thời báo Tài chính