Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhỏ và vừa: Giúp doanh nghiệp thêm nguồn lực đầu tư vào sản xuất

05/02/2019 08:33:41 AM
Theo Luật sư Choi Ji Ung - Giám đốc Công ty TNHH Luật ASEAN Law Firm, với việc được ưu đãi từ 3% - 5% so với mức thuế suất phổ thông, các DN nhỏ và vừa (DNNVV), đặc biệt là các DN siêu nhỏ sẽ được gỡ bỏ một gánh nặng tài chính đáng kể, có thêm nguồn lực để đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
Với việc được ưu đãi từ 3% - 5% so với mức thuế suất phổ thông, các DNNVV
Với việc được ưu đãi từ 3% - 5% so với mức thuế suất phổ thông, các DNNVV đặc biệt là các DN siêu nhỏ sẽ có thêm nguồn lực để đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

 

PV: Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách thuế thu nhập DN (TNDN) hỗ trợ phát triển DNNVV. Theo đó, dự kiến giảm thuế TNDN xuống còn 15 - 17% cho các DN được coi là nhỏ và siêu nhỏ so với mức thuế bình quân 20% hiện nay. Ông có bình luận gì về vấn đề này?

LS. Choi Ji Ung: Trước tiên, tôi cần khẳng định việc ra đời của Luật Hỗ trợ DNNVV 2017 - khung pháp lý chính thức cho các chính sách hỗ trợ DNNVV, là một bước tiến rất quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng DNNVV. Ngay từ khi luật mới ra đời, cộng đồng DN đã rất quan tâm và chờ đợi những hướng dẫn, chính sách và hỗ trợ cụ thể từ Nhà nước. 

Qua quá trình làm việc tại Việt Nam, tôi vô cùng ấn tượng với những nỗ lực từ Chính phủ Việt Nam nhằm giảm gánh nặng thuế cho DN. Mức thuế suất thuế TNDN phổ thông hiện tại 20% là kết quả của một lộ trình cắt giảm thuế suất từ 25% về 22% và cuối cùng là 20% từ năm 2016. Lộ trình cắt giảm này chắc hẳn đã đặt ra cho Chính phủ Việt Nam những bài toán cân đối ngân sách khó khăn trong bối cảnh các nguồn thu ngân sách đang được cắt giảm và Việt Nam đang thực thi các lộ trình giảm thuế theo các hiệp định thương mại tự do.

 LS. Choi Ji Ung
LS. Choi Ji Ung

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam vẫn có những cố gắng tuyệt vời khi đưa ra mức thuế suất 15 - 17% cho các DNNVV như tinh thần của dự thảo nghị quyết trên. Tôi thật sự đánh giá cao những nỗ lực đó vì việc giảm thuế suất cho DNNVV sẽ có tác động lớn đến ngân sách nhà nước (NSNN), do hiện nay hầu hết các DN đều là DNNVV. Tôi cho rằng đây là một chính sách đúng đắn, đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng DN và thể hiện sự nỗ lực lớn trong việc cân đối ngân sách của Chính phủ.

PV: Bộ Tài chính đề xuất miễn thuế TNDN trong 2 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với DN thành lập mới từ hộ cá nhân kinh doanh. Ngoài ra, Bộ Tài chính đề xuất áp dụng thuế suất 15% đối với DN có tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bình quân/năm không quá 10 người; thuế suất 17% đối với DN có tổng doanh thu năm từ 3 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia BHXH bình quân năm không quá 100 người. Ông nhận định thế nào về mức thuế suất này? 

LS. Choi Ji Ung: Như đã nêu ở trên, kể từ khi Luật Hỗ trợ DNNVV ra đời, cộng đồng DN luôn trông chờ việc cụ thể hóa mức thuế suất ưu đãi. Tôi cũng được biết, mức thuế suất ưu đãi 15% - 17% nêu trên đã được Bộ Tài chính nghiên cứu, lấy ý kiến về tác động của chính sách trong một thời gian dài, qua nhiều kênh thông tin. Nhìn chung, theo quan sát của tôi, hầu hết các DN đều thấy mức thuế ưu đãi trên là hợp lý, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. 

Với việc được ưu đãi từ 3% - 5% so với mức thuế suất phổ thông, các DNNVV, đặc biệt là các DN siêu nhỏ sẽ được gỡ bỏ một gánh nặng tài chính đáng kể, có thêm nguồn lực để đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, hiện nay kinh tế hộ kinh doanh cá thể đang chiếm một tỷ suất lớn trong nền kinh tế Việt Nam. Việc ưu đãi thuế suất và các chính sách khuyến khích chuyển đổi sang mô hình DN khác (chế độ kế toán, đăng ký kinh doanh) sẽ gỡ bỏ rào cản ngại chuyển đổi, tạo ra các DNNVV hoạt động chuyên nghiệp hơn, quy củ hơn và có địa vị pháp lý chính thức, qua đó nâng cao tính minh bạch của nền kinh tế. 

Tôi cho rằng, với việc áp dụng thuế suất ưu đãi cho các DNNVV kết hợp với chính sách khuyến khích các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV 2017, mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020 của Chính phủ là hoàn toàn khả thi.

PV: Ông có cho rằng, trong bối cảnh kinh tế - xã hội và thu ngân sách hiện nay thì việc giảm thuế này trước mắt sẽ khiến nguồn thu giảm sút, nhưng về lâu dài sẽ đem lại nguồn thu đều đặn hơn vào ngân sách?

LS. Choi Ji Ung: Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định này. Về tác động trước mắt lên NSNN, việc ưu đãi thuế suất cho DNNVV tất nhiên sẽ khiến NSNN gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, về dài hạn, khi nền kinh tế có một cộng đồng DNNVV đông đảo, hoạt động quy củ sẽ nâng cao nguồn thu cho NSNN. 

Chẳng hạn, nguồn thu ngân sách có thể được nâng lên nhờ việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể (khó kiểm soát và thu thuế chính xác) sang DNNVV (thu và kiểm soát thuế rõ ràng), số lượng DNNVV được thành lập nhiều hơn, các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị được hình thành tạo nhiều công việc kinh doanh và hoạt động phát sinh thuế. Đương nhiên, khi hoạt động kinh doanh phát triển, quy mô DN tăng trưởng đồng nghĩa với nguồn thu thuế tăng trưởng theo.

PV: Theo ông, cần chú ý điều gì khi thực hiện chính sách này để việc hỗ trợ đúng, trúng đối tượng, tránh tình trạng ưu đãi dàn trải, làm giảm hiệu quả của chính sách khuyến khích, hỗ trợ?

LS. Choi Ji Ung: Để tránh tình trạng ưu đãi dàn trải, kém hiệu quả, tôi thiết nghĩ, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu kỹ các thủ tục hưởng ưu đãi và hậu kiểm của việc hưởng ưu đãi để kiểm soát chặt chẽ, đúng đối tượng. Thêm vào đó, các chính sách ưu đãi cũng cần đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể về đối tượng ưu đãi.  

Tôi rất kỳ vọng và tin tưởng Chính phủ Việt Nam sẽ đưa ra những quy định sát thực tế để tối ưu hóa chính sách ưu đãi, nhất là khi những ưu đãi này đã được nghiên cứu và đánh giá tác động qua một thời gian tương đối dài.

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Theo Thời báo Tài chính