Khai khống thu nhập nhằm gian lận thuế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Nguồn: Luật Quản lý thuế Đồ họa: Văn Chung

Làm gì khi phát hiện bị “mượn” mã số thuế?

Vừa qua, cơ quan thuế nhận được phản ánh của người nộp thuế (NNT) về trường hợp bị doanh nghiệp (DN) sử dụng thông tin của cá nhân (tên, mã số thuế, số căn cước công dân) để kê khai, tính chi phí tiền lương, tiền công, khi xác định nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi không phát sinh trả thu nhập trên thực tế cho cá nhân đó. Trước thực tế trên, Tổng cục Thuế vừa gửi công văn chỉ đạo các cục thuế ngăn chặn, xử lý doanh nghiệp sử dụng thông tin cá nhân khai khống, tính chi phí tiền lương, tiền công nhằm mục đích trốn thuế và/hoặc giảm nghĩa vụ thuế phải nộp... Cùng với đó, Tổng cục Thuế khuyến nghị, khi phát hiện bị “mượn” mã số thuế, NNT cần thông báo ngay với cơ quan thuế quản lý địa bàn xử lý theo quy định.

Khai khống thu nhập nhằm gian lận thuế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Không sử dụng thông tin cá nhân khai khống chi phí tiền công

Cần tuân thủ pháp luật, không sử dụng thông tin cá nhân để khai khống chi phí tiền công, tiền lương, tránh đối mặt với các chế tài hành chính, hình sự. Trong trường hợp vi phạm, cần nhanh chóng khắc phục hậu quả. Ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín.

Qua rà soát, cơ quan thuế nhận thấy, hành vi kê khai khống chi phí tiền lương của các DN thường xảy ra trong các ngành nghề sử dụng nhiều lao động, như: xây dựng cơ bản, tư vấn thiết kế, nhà hàng ăn uống, khách sạn, du lịch, sản xuất, gia công, chế biến. DN thường lấy thông tin của các cá nhân như chứng minh nhân dân, căn cước công dân, mã số thuế cá nhân..., để làm giả chứng từ: hợp đồng lao động, hợp đồng thuê khoán, lập khống bảng chấm công, lập khống bảng thanh toán tiền lương, chứng từ chi lương..., hạch toán khống chi phí, làm giảm lợi nhuận khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Đây là hành vi vi phạm pháp luật thuế, nhằm mục đích gian lận, giảm số tiền thuế phải nộp ngân sách nhà nước của DN, gây ảnh hưởng đến NNT là cá nhân, khi bị DN tự ý sử dụng thông tin cá nhân, khai khống thu nhập làm tăng thu nhập “ảo”, khi tính thuế thu nhập cá nhân của người lao động.

Để kiểm soát nguồn thu nhập của bản thân, tránh tình trạng bị kê khống thu nhập, ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cho biết, hiện ngành Thuế đã triển khai và áp dụng hệ quản lý thuế điện tử khá bài bản và hiện đại. Theo đó, NNT có thể truy cập và kiểm tra thông tin nghĩa vụ thuế tại trang thông tin điện tử của ngành Thuế theo địa chỉ: https://thuedientu.gdt.gov.vn/ hoặc tra cứu trên hệ thống ứng dụng eTax Mobile.

Các ứng dụng được Tổng cục Thuế cung cấp tại các địa chỉ: https://www.gdt.gov.vn; Cổng dịch vụ thuế điện tử tại địa chỉ: https://thuedientu.gdt.gov.vn; Ứng dụng eTax Mobile được cung cấp qua Google Play (đối với thiết bị sử dụng hệ điều hành Adroid), Apple Store (đối với thiết bị sử dụng hệ điều hành ISO).

Xử lý nghiêm trường hợp vi phạm

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng DN sử dụng thông tin của cá nhân trong khi người lao động không làm việc thực tế tại DN, ông Nguyễn Văn Được cho rằng, do ý thức tuân thủ pháp luật của DN còn nhiều hạn chế, chưa ước lượng được tính nghiêm trọng và các hệ quả pháp lý của hành vi sử dụng thông tin cá nhân trái pháp luật để khai khống chi phí lương nhằm mục đích trốn thuế. Bên cạnh đó, việc quản lý các thông tin cá nhân chưa được NNT quan tâm dẫn đến tình trạng bị lợi dụng…

Góp ý thêm giải pháp để ngăn chặn hiện tượng DN sử dụng thông tin của cá nhân trái pháp luật, ông Nguyễn Văn Được cho rằng, về phía cơ quan thuế, cần tăng cường công tác tuyên truyền để NNT hiểu và nâng cao nhận thức trong bảo vệ thông tin cá nhân. Cơ quan thuế tăng cường hơn nữa công tác hỗ trợ, hướng cho NNT khai thác, sử dụng hiệu quả các ứng dụng eTax Mobile để tự tra cứu kiểm tra, giám sát, phát hiện và tố cáo các hành vi gian lận khai khống thu nhập.

Đồng thời cơ quan thuế cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật khi có đơn tố giác hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhằm tăng tính răn đe; tăng cường công tác trao đổi thông tin và phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội để sớm phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm.

Đối với DN, ông Nguyễn Văn Được cho rằng, cần tuân thủ pháp luật, không sử dụng thông tin cá nhân để khai khống chi phí tiền công, tiền lương tránh đối mặt với các chế tài hành chính, hình sự. Trong trường hợp vi phạm, cần nhanh chóng khắc phục hậu quả như kê khai điều chỉnh, thực hiện giải giải trình, thực hiện các nghĩa vụ thuế với nhà nước để khắc phục hậu quả; đồng thời chủ động xin lỗi, bồi thường, bồi hoàn cho cá nhân nếu có theo quy định.

Còn về phía NNT (cá nhân), cá nhân nên cài đặt, sử dụng các phần mềm chính thống của cơ quan thuế như eTax Mobile để thực hiện tra cứu, giám sát phát hiện và tố cáo các hành vi vi phạm khi bị khai khống thu nhập tới cơ quan thuế hoặc cơ quan có thẩm quyền; yêu cầu đơn vị vi phạm thực hiện kê khai điều chỉnh và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu có. Đặc biệt, cần quản lý sử dụng thông tin cá nhân có trách nhiệm đảm bảo an toàn hạn chế tiết lộ thông tin cho các bên khi không cần thiết.

Chế tài xử lý trường hợp khai khống chi phí để trốn thuế

Ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín cho biết, DN sử dụng thông tin cá nhân trái phép để kê khai khống chi phí tiền lương để tăng chi phí được trừ nhằm mục đích giảm nghĩa vụ thuế là hành vi trốn thuế quy định tại khoản 5 Điều 143 Luật Quản lý thuế.

Khi đó tùy theo mức độ vi phạm mà DN phải chịu các chế tài hành chính hoặc hình sự, cụ thể: NNT bị truy thu toàn bộ số thuế trốn đồng thời bị xử phạt từ 1 - 3 lần tính trên số thuế trốn.

Đối với pháp nhân thương mại là DN có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có số thuế trốn từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng trước đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội trốn thuế và một số tội phạm khác nhưng chưa được xóa án tích, thì bị phạt tiền từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng theo điểm a khoản 3 Điều 200 Bộ Luật hình sự 2015.

Đồng thời, cá nhân có liên quan như giám đốc, kế toán trưởng…, vẫn có thể bị khởi tố với vai trò đồng phạm hoặc giúp sức.

Pháp nhân thương mại là DN có thể bị phạt tiền với mức cao nhất từ 3 tỷ đến 10 tỷ đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm khi trốn thuế từ 1 tỷ đồng trở lên theo điểm c khoản 5 Điều 200 Bộ Luật hình sự 2015./.