Nâng cấp Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn lên cấp cục là yêu cầu khách quan

01/05/2021 10:32:46 AM
Tại Hội thảo “Quản lý thuế doanh nghiệp lớn tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp”, nhiều ý kiến cho rằng, để quản lý hiệu quả khối các doanh nghiệp lớn, cần phải nâng cấp Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn thành Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn thuộc Tổng cục Thuế.

 

dệt may
Các tập đoàn, tổng công ty có bộ máy khá phức tạp, nên đòi hỏi phải có cơ quan chuyên môn quản lý thuế đối với các doanh nghiệp lớn này. Ảnh: Nhật Minh.
 

Báo cáo tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn được thành lập từ năm 2010, sau khi thành lập vụ quản lý 405 doanh nghiệp, trong đó có 35 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, 4 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, 17 lô mỏ dầu khí. Các doanh nghiệp này đóng góp khoảng 22-27% số thu ngân sách nhà nước.

Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn có chức năng hướng dẫn, giải đáp chính sách thuế cho các doanh nghiệp lớn; thống kê, báo cáo số thu ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp lớn; phối hợp thực hiện nhiệm vụ kê khai, thanh tra kiểm tra thuế.

Do sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp, nên từ cuối năm 2018 đến nay đã có 561 doanh nghiệp lớn, trong đó ngoài các tập đoàn, tổng công ty nhà nước còn có các hợp đồng dầu khí, các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng… Tổng số tiền thuế mà các doanh nghiệp lớn nộp ngân sách nhà nước chiếm khoảng 40% tổng thu ngân sách nhà nước.

Cũng theo ông Phụng, sau 10 năm thành lập, Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn đã tham mưu với Tổng cục Thuế nhiều cơ chế chính sách liên quan, cũng như đôn đốc các doanh nghiệp này khai, nộp thuế đầy đủ, đúng quy định.

Mặc dù vậy cũng theo ông Phụng, với vị trí, cơ cấu bộ máy tổ chức cấp vụ hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý thuế đối với các doanh nghiệp lớn. “Vị trí, vai trò, thẩm quyền và tổ chức bộ máy của Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn chưa tương xứng; công tác quản lý thuế theo từng ngành, lĩnh vực chưa toàn diện, liên thông, liên tục; cơ sở dữ liệu quản lý thuế doanh nghiệp lớn chưa đầy đủ, kịp thời và đồng bộ…” - ông Phụng nói.

Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Phụng cho biết, mô hình tổ chức cấp vụ với chức năng chủ yếu là hỗ trợ, tham mưu; trong khi số lượng doanh nghiệp và quy mô thu ngân sách nhà nước được giao lớn, dẫn đến hiệu quả công tác chưa cao, thời gian xử lý kéo dài và tồn tại những hạn chế như đã nêu. “Trước tình hình thực tế trên đây, Tổng cục Thuế đang lấy ý kiến các bộ, ngành về Đề án tổ chức lại Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn thành Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn thuộc Tổng cục Thuế” - ông Phụng nói.

Cần nâng cấp từ cấp vụ lên cấp cục thuộc Tổng cục Thuế

Đê cập đến đề xuất này, TS. Nguyễn Đình Cung - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, trong nền kinh tế luôn có 3 cấp doanh nghiệp: Doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và doanh nghiệp nhỏ. Mỗi loại doanh nghiệp đều có vai trò, vị trí nhất định, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Xét về quản lý nhà nước thì vấn đề hiệu lực, hiệu quả phải đặt lên hàng đầu. Hiện nay các tổ chức kinh tế lớn đóng góp phần lớn nguồn thu vào ngân sách nhà nước. Các tổ chức này có cơ cấu bộ máy phức tạp, đa ngành nghề, doanh thu phức tạp… dẫn đến nguy cơ tránh thuế, né thuế rất lớn.

“Xuất phát từ tính phức tạp của các tổ chức kinh tế lớn, nên để quản lý thuế đối với nhóm doanh nghiệp này hiệu quả, chúng ta phải tập trung quản lý thuế đối với nhóm doanh nghiệp này nhiều hơn, vì có thể chỉ cần một nguồn lực ít, thu ngân sách đảm bảo được. Chính vì vậy, việc thành lập Cục Quản lý thuế đối với doanh nghiệp lớn là hết sức cần thiết” - TS. Nguyễn Đình Cung nói.

Đồng quan điểm với TS. Nguyễn Đình Cung, ông Nguyễn Việt Anh - Chuyên gia cao cấp về thuế, Chủ nhiệm dự án RARS của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, doanh nghiệp lớn có vai trò quan trọng trong thu ngân sách, sự phức tạp của công tác quản lý thuế gắn với nhóm đối tượng này nên từ nhiều năm nay, đại đa số các cơ quan thuế trên thế giới đã xây dựng các đơn vị quản lý thuế có đầy đủ chức năng tại trụ sở chính để trực tiếp quản lý thuế đối với các doanh nghiệp này.

Chuyên gia Nguyễn Việt Anh cũng cho biết, đại đa số các doanh nghiệp lớn có mô hình sở hữu phức tạp, có hoạt động kinh doanh đa dạng trên nhiều địa bàn và trên cả phạm vi quốc tế.

“Bản thân các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn khi lập kế hoạch kinh doanh, bao gồm kế hoạch thuế thì đều đi từ góc độ tập đoàn nhằm tối ưu hóa lợi ích, trong đó có nghĩa vụ thuế phải nộp. Trong khi đó, hiện nay cơ quan thuế đang quản lý theo địa bàn của từng doanh nghiệp, từng mã số thuế riêng lẻ, như vậy góc nhìn của cơ quan thuế bị hẹp đi rất nhiều. Cùng với việc hình thành Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, cơ quan thuế cũng cần có sự thay đổi phù hợp và quản lý doanh nghiệp lớn trong một tổng thể” - ông Việt Anh nói.

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển lớn mạnh, xuất hiện nhiều các doanh nghiệp quy mô lớn không chỉ là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, các doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư nước ngoài mà còn cả các tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước.

“Việc phát triển ngày càng lớn mạnh của các doanh nghiệp lớn đòi hỏi công tác quản lý thuế cũng phải được nâng cao, cơ chế hỗ trợ nhanh, điều phối kịp thời. Có thể nói, yêu cầu tất yếu, khách quan hiện nay cần thiết phải có một tổ chức chuyên sâu, đủ mạnh để quản lý, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp lớn thực hiện tốt nghĩa vụ thuế” - ông Phòng nói./.

 

Theo Thời báo Tài chính