Quản lý thuế với game online và thương mại điện tử: Cần quản lý chặt việc đăng ký tên miền và thanh toán điện tử

05/31/2019 09:19:52 AM
Quản lý thuế đối với game online và thương mại điện tử đang là thách thức đối với cơ quan quản lý thuế hiện nay. Để có giải pháp quản lý thuế hiệu quả, nhóm chuyên gia đến từ Tổng cục Thuế đã tiến hành nghiên cứu và đề xuất giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động này.

Doanh thu của ngành công nghiệp số tăng 45%/năm

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, TS. Nguyễn Hoàng, thành viên nhóm nghiên cứu về thực trạng, cũng như giải pháp quản lý thuế đối với game online và thương mại điện tử xuyên biên giới cho biết, game là một lĩnh vực kinh doanh số - trò chơi điện tử đang được xem là mô hình giải trí hàng đầu trên thế giới hiện nay.

Theo TS. Nguyễn Hoàng, những con số thống kê cho thấy, doanh thu từ game nói riêng và ngành công nghiệp số nói chung đã chứng minh, game là một lĩnh vực phát triển mạnh và đem lại lợi nhuận cao đối với nhiều nước trên thế giới.

“Trong một nghiên cứu của Digi-Capital - hãng chuyên đầu tư phát triển game hàng đầu thế giới đã cho thấy, tổng doanh thu của ngành công nghiệp game toàn cầu đạt khoảng 83 tỷ USD năm 2016. Con số này là 108 tỷ USD năm 2017 và 110 tỷ USD năm 2018. Game mobile hiện đang giữ vị trí hàng đầu” - TS. Nguyễn Hoàng nói.

 

thương mại điện tử

Sự phát triển của thương mại điện tử và game online đòi hỏi cơ quan quản lý thuế phải có giải pháp quản lý hữu hiệu. Ảnh: NM.

 

Nhóm nghiên cứu cũng cho thấy, tại Việt Nam, trong những năm gần đây ngành công nghiệp game nói riêng và công nghiệp số nói chung đã phát triển với tốc độ rất nhanh. Thống kê cho thấy, số lượng các doanh nghiệp phát hành game tại Việt Nam tuy chưa nhiều, nhưng với doanh số lớn và tăng trưởng nhanh, điều này đã góp phần quan trọng vào sự phát triển doanh thu của ngành công nghiệp nội dung số với mức tăng trung bình khoảng 45%/năm, với doanh thu năm 2008 đạt 440 triệu USD (theo Bộ Thông tin và Truyền thông).

Thống kê của Công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường Game Newzoo tại Việt Nam cho thấy, năm 2014 Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á, thứ 6 châu Á về doanh thu với gần 166 triệu USD. Năm 2015, doanh thu đạt khoảng 6.000 tỷ đồng.

Cũng theo báo cáo của Newzoo, tính đến 4/2017, Việt Nam đứng thứ 28 trên 100 quốc gia có doanh thu về game cao nhất, với tổng doanh thu vào khoảng 365 triệu USD, tức 8,2 nghìn tỷ VND với 32,8 triệu người chơi. Con số này bao gồm tất cả các mảng game dựa trên số người sử dụng Internet là 57,3 triệu người và tổng dân số là 95,4 triệu dân.

Về lĩnh vực kinh doanh khác trong nền kinh tế số, nhóm nghiên cứu cho biết, gần đây đã xuất hiện các hình thức kinh doanh mới như: dịch vụ vận tải công nghệ do Uber, Grap… cung cấp. Ngoài ra còn có các hình thức kinh doanh khác như của: Google, Facebook, Apple, Netflix, Amazon, Lazada… đang rất phát triển trên thế giới, cũng như Việt Nam. Điều này đặt ra vấn đề quản lý thuế cũng như các vấn đề khác liên quan.

Khó khăn trong quản lý thuế

Trước sự phát triển của hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ thông tin đã thu hút sự quan tâm của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), cũng như cơ quan thuế các nước. Từ năm 1998, tại Hội nghị Ottawa, OECD đã có những nghiên cứu tác động của thương mại điện tử (e-commerce/eC) đối với công tác quản lý thuế, hỗ trợ các cơ quan thuế định hướng về chính sách thuế và quản lý thuế đối với thương mại điện tử.

Thời gian gần đây, OECD đã xây dựng Chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) với 15 chương trình hành động liên quan đến các vấn đề về thuế, trong đó bao gồm chương trình hành động về quản lý thuế đối với các hoạt động trong nền kinh tế số nhằm ngăn ngừa việc trốn, tránh thuế.

Tại Việt Nam, sự phát triển của các mô hình kinh doanh nói chung và đặc biệt là sự tăng trưởng của nền kinh tế số ngày nay, đã dẫn đến các công ty không cư trú tại Việt Nam nhưng có hoạt động tại thị trường Việt Nam với nhiều cách khác nhau.

“Một doanh nghiệp không cư trú có thể dễ dàng bán hàng tại một quốc gia, thị trường mà không cần phải duy trì một hiện diện vật lý. Điều này đã làm cho các mô hình kinh doanh truyền thống trong nền kinh tế thị trường trở nên lỗi thời, mà thực tế chính sách hiện hành đang tính thuế dựa trên sự hiện diện một cơ sở, ở địa chỉ cụ thể. Điều này làm nảy sinh những thách thức trong việc quản lý thuế” - TS. Nguyễn Hoàng nói.

Nhóm nghiên cứu cũng đã chỉ ra một số thách thức cụ thể trong quản lý thuế, như: Thương mại điện tử được thực hiện thông qua các phương tiện số, do đó rất khó khăn trong việc xác định đúng doanh thu, chi phí, đặc biệt là các doanh nghiệp áp dụng số hóa hoàn toàn (từ việc bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ và thanh toán).

Một khó khăn khác mà nhóm nghiên cứu chỉ ra, đó là Việt Nam hiện vẫn đang áp dụng kết hợp cả nguyên tắc đánh thuế tại nơi cư trú và nơi phát sinh thu nhập. Tuy nhiên, trong thời đại số, với việc sử dụng dữ liệu, thậm chí là siêu dữ liệu được xử lý tập trung, các văn phòng, máy chủ được đặt trải dài khắp thế giới mà không nằm tại quốc gia, thị trường cụ thể nào, thì việc xác định nguồn phát sinh cho mục đích thuế cũng rất khó khăn.

Trước thực trạng trên đây, nhóm nghiên cứu đề xuất cần phải hoàn thiện hệ thống chính sách thuế cho phù hợp. Cụ thể là cần bổ sung quy định về thông tin của doanh nghiệp, người nộp thuế để quản lý các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử, bao gồm các thông tin: Thông tin định danh, tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế, tình hình tài chính…

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng cần tăng cường phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có liên quan như: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước… để trao đổi, thu thập, nắm bắt thông tin của các đơn vị có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Cùng với đó, cần kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký tên miền, thuê máy chủ, thuê đường truyền dẫn, thanh toán tiền cung ứng dịch vụ theo phương thức thanh toán trực tuyến linh hoạt như: ví điện tử, thẻ visa, qua dịch vụ trung gian và thanh toán qua ngân hàng…/.

Theo Thời báo Tài chính