TP. Hồ Chí Minh: Vi phạm pháp luật hải quan tăng hơn 22%

10/24/2018 10:30:40 AM
Theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, tính từ đầu năm đến ngày 19/9, đơn vị đã phát hiện, bắt giữ và lập biên bản 929 vụ vi phạm pháp luật hải quan, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2017.
bắt buôn lậu
Lãnh đạo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh (bìa) tuyên dương những cán bộ phát hiện và bắt giữ hàng hóa nhập lậu. Ảnh Đ.Doãn

 

Trong đó, buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng qua biên giới 11 vụ, gian lận thương mại 163 vụ, vi phạm thủ tục 661 vụ, ma túy 73 vụ, vi phạm khác 20 vụ. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm là 350,8 tỷ đồng, trong đó gian lận thương mại chiếm cao nhất với 344,8 tỷ đồng.

Riêng từ ngày 6/9 đến ngày 19/9, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã bắt giữ và lập biên bản 66 vụ vi phạm pháp luật hải quan, trị giá hàng vi phạm ước tính 3,5 tỷ đồng; trong đó có 6 vụ gian lận thương mại, 20 vụ ma túy, 40 vụ vi phạm thủ tục.

2 vụ vi phạm điển hình là vụ Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Marubishi Summit Việt Nam (Đường số 1, Khu công nghiệp Bình Chiểu, Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) vào ngày 6/9, về hành vi khai sai thuế suất hàng hóa nhập khẩu dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp, mặt hàng vi phạm là băng lông bằng sợi carbon trị giá hơn 2,1 tỷ đồng, số tiền phạt là 56,2 triệu đồng.

Kế đến là vụ Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I lập biên bản vi phạm hành chính Công ty TNHH Đắc Lập (318 Điện Biên Phủ, phường 17, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) vào ngày 10/9, về hành vi khai sai tên hàng, sai mã số hàng hóa, thuế suất dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp đối với 20 kiện lò xo lá phụ tùng xe tải dưới 15 tấn, trị giá 529,9 triệu đồng, số tiền phạt 17,3 triệu đồng.

Chia sẻ về tình hình buôn lậu, lãnh đạo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho hay, việc thông quan hàng hóa tự động đang bị nhiều đối tượng lợi dụng để phát sinh nhiều thủ đoạn mới, rủi ro cao như ma túy, sở hữu trí tuệ, hàng giả, trị giá tính thuế, thuế suất và chuyển giá, tạm nhập tái xuất, xuất xứ hàng hóa, hoàn thuế, chính sách chuyên ngành, ô nhiễm môi trường…

Do vậy, bên cạnh việc tiếp tục triển khai các kế hoạch về công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thượng mại, đấu tranh phòng chống ma tuý, chống gian lận mặt hàng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất... cơ quan hải quan còn thực hiện công tác đấu tranh phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Ban chỉ đạo 389 trung ương và địa phương./.

 

Theo Thời báo Tài chính