Bản tin thuế tuần 1 tháng 3 năm 2024

04/03/2024 11:28:49 AM

8/3/2024




Upload file:,

Kính gửi: Các Anh, Chị Hội viên Hội Tư vấn Thuế Việt Nam

Văn phòng Hội kính gửi các anh, chị bản tin Tổng hợp văn bản mới tuần 1 tháng 3 năm 2024 như sau:

I. CÔNG VĂN

1. Công văn số 485/TCT-KK ngày 06/02/2024 về ngừng kê khai bổ sung, điều chỉnh đối với NNT theo đề nghị của cơ quan điều tra       

Tổng cục Thuế đề nghị Cục thuế các tỉnh, thành phố khi nhận được văn bản đề nghị của cơ quan an ninh/cảnh sát điều tra về việc “chặn” tờ khai của NNT/tạm ngừng không cho NNT kê khai bổ sung hoặc “chặn’’/tạm ngừng không cho NNT kê khai điều chỉnh, bổ sung, điều chỉnh giảm số thuế GTGT khấu trừ và điều chỉnh giảm chi phí đối với hóa đơn đầu vào của một số doanh nghiệp mua hàng hóa dịch vụ của các doanh nghiệp đang bị cơ quan công an điều tra về hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp thì cập nhật kịp thời vào ứng dụng quản lý thuế tập trung của ngành Thuế theo Thông báo nâng cấp ứng dụng TMS phiên bản 6.25 của Tổng cục Thuế.

Trường hợp nội dung tại văn bản yêu cầu/đề nghị của cơ quan an ninh/cảnh sát điều tra chưa đầy đủ thông tin để cập nhật vào ứng dụng hoặc mẫu biểu văn bản chưa đảm bảo theo mẫu biểu ban hành tại Thông tư 119/2021/TT-BCA ngày 08/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về mẫu biểu, giấy tờ, sổ sách về điều tra hình sự thì cơ quan Thuế trao đổi, phối hợp và có văn bản gửi cơ quan an ninh/cảnh sát điều tra đề nghị phối hợp làm rõ để có cơ sở thực hiện.

Trường hợp tại văn bản yêu cầu gửi cơ quan Thuế, cơ quan an ninh/cảnh sát điều tra chưa xác định được thời điểm hết hiệu lực tạm ngừng chấp nhận kê khai thuế bổ sung, điều chỉnh của NNT thì cơ quan Thuế trao đổi, phối hợp và có văn bản gửi cơ quan an ninh/cảnh sát điều tra đề nghị cơ quan an ninh/cảnh sát điều tra khi kết thúc yêu cầu hoặc khi kết thúc vụ việc, vụ án hình sự hoặc khi thay đổi biện pháp nghiệp vụ liên quan đến vụ án thì phối hợp thông tin cho cơ quan Thuế để có cơ sở kết thúc việc tạm ngừng khai bổ sung hồ sơ khai thuế của người nộp thuế.

Cơ quan Thuế trao đổi, phối hợp và có văn bản đề nghị cơ quan an ninh/cảnh sát điều tra sau khi có kết luận điều tra thì phối hợp chuyển thông tin vi phạm, xử lý liên quan đến lĩnh vực thuế cho cơ quan Thuế để cơ quan Thuế kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh doanh nghiệp hoặc xử lý vi phạm (nếu có).

2. Công văn số 764/TCT-DNNCN ngày 1/3/2024 xác định TNCT từ hợp đồng dịch vụ môi giới bán hàng, quảng bá sản phẩm

Khoản 1 Điều 5, Mục 2 - Thông tư số 205/2013/TT-BTC ngày 24/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện các Hiệp định đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và tài sản giữa Việt Nam với các nước và vùng lãnh thổ có hiệu lực thi hành tại Việt Nam hướng dẫn:

1. Trường hợp có sự khác nhau giữa các quy định tại Hiệp định và các quy định tại luật thuế trong nước thì sẽ áp dụng theo các quy định của Hiệp định.

- Khoản 2 Điều 15-  Hoạt động dịch vụ cá nhân độc lập của Hiệp định tránh đánh thuế hai lần Việt Nam - Ấn Độ:

“2. Thuật ngữ “dịch vụ ngành nghề” bao gồm những hoạt động khoa học, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục hay giảng dạy mang tính chất độc lập như các hoạt động độc lập của các thầy thuốc, bác sĩ phẫu thuật, luật sư, kỹ sư, kiến trúc sư, nha sĩ và kế toán viên”.

- Điều 28, Thông tư số 205/2013/TT-BTC ngày 24/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn:

“Theo quy định tại Hiệp định, thu nhập từ hoạt động dịch vụ cá nhân độc lập là thu nhập do một cá nhân là đối tượng cư trú của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam thu được từ hoạt động độc lập để cung ứng các dịch vụ ngành nghề như dịch vụ khoa học, văn học, nghệ thuật, giáo dục hoặc giảng dạy, cụ thể là hoạt động hành nghề độc lập của các bác sĩ, luật sư, kỹ sư, kiến trúc sư, nha sĩ, kế toán và kiểm toán viên. ”

- Điều 31 Thông tư số 205/2013/TT-BTC ngày 24/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn:

“Nếu cá nhân nêu tại Khoản 1 đồng thời thỏa mãn cả 3 điều kiện sau đây, tiền công thu được từ công việc thực hiện tại Việt Nam sẽ được miễn thuế thu nhập tại Việt Nam:

a) Cá nhân đó có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày trong giai đoạn 12 tháng bắt đầu hoặc kết thúc trong năm tính thuế, và

b) Chủ lao động không phải là đối tượng cư trú của Việt Nam bắt kế tiền công đó được trả trực tiếp bởi chủ lao động hoặc thông qua một đối tượng đại điện cho chủ lao động; và

e) Tiền công đó không do một cơ sở thường trú mà chủ lao động có tại Việt Nam chịu và phải trả.

3. Khái niệm chủ lao động nêu tại Điểm 2.b) dùng để chỉ đối tượng sử dụng lao động thực sự. Thông thường, một đối tượng được coi là chủ lao động thực sự nếu có các quyền và nghĩa vụ sau:

a) Đối tượng đó có quyền đối với sản phẩm và dịch vụ do người lao động tạo ra và chịu trách nhiệm cũng như rủi ro đối với lao động đó;

b) Đối tượng đó đưa ra hướng dẫn và cung cấp phương tiện lao động cho người lao động,

c) Đối tượng đó có quyền kiểm soát và chịu trách nhiệm về địa điểm lao động.”

Căn cứ quy định nêu tại công văn, trường hợp nếu “Ông Kambhampati Balaji là cá nhân không cư trú, phát sinh thu nhập ký hợp đồng dịch vụ môi giới bán hàng, quảng bá sản phẩm với Công ty TNHH Cà Phê Ngon thì:

- Nếu thu nhập của Ông Kambhampati Balaji được xác định là thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập trong những lĩnh vực, ngành nghề được cấp giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật thì thu nhập của Ông Kambhampati Balaji là thu nhập từ kinh doanh;

- Nếu thu nhập của ông Kambhampati Balaji được xác định là khoản tiền hoa hồng đại lý bán hàng hóa, tiền hoa hồng môi giới thì thu nhập của Ông là thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công;

- Trường hợp có sự khác nhau giữa các quy định tại Hiệp định và các quy định tại luật thuế trong nước thì sẽ áp dụng theo các quy định của Hiệp định.

Đề nghị Công ty Cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc xác định thu nhập từ hợp đồng dịch vụ môi giới bán hàng, quảng bá sản phẩm của Ông Kambhampati Balaji và liên hệ với Cục Thuế tỉnh Đăk Lăk để được hướng dẫn thực hiện theo quy định của Pháp luật.

3. Công văn số 801/TCT-CS ngày 5/3/2024 về thuế GTGT

Đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, giá trọn gói bao gồm các chi phí ăn, nghỉ, thăm quan và một số khoản chi ở nước ngoài khác (nếu có chứng từ hợp pháp) thì các khoản thu của khách hàng để chi cho các khoản trên được tính giảm trừ trong giá (doanh thu) tính thuế GTGT. Thuế GTGT đầu vào phục vụ hoạt động du lịch trọn gói theo trường hợp này được kê khai, khấu trừ toàn bộ theo quy định.

4. Công văn số 823/TCT-KK ngày 5/3/2024 xử lý số tiền thuế nộp của NNT

(1) Về việc hướng dẫn xử lý số tiền thuế nộp của người nộp thuế Huỳnh Nhứt Thanh

Trường hợp, ông Thanh đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo thông báo của cơ quan thuế nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản hủy bỏ phiếu chuyển thông tin xác định nghĩa vụ tài chính dẫn đến số tiền nghĩa vụ tài chính đã nộp ngân sách Nhà nước của ông Thanh là nộp thừa thì việc xử lý điều chỉnh chứng từ nộp tiền ghi MST “0106680443” tại hệ thống ứng dụng TMS thực hiện theo hướng dẫn tại điểm 2.1.a và 2.1.c Mục 2 công văn số 4798/TCT-KK ngày 30/11/2018 của Tổng cục Thuế hướng dẫn về quy tắc nghiệp vụ hạch toán, tổng hợp lên số thuế, báo cáo kế toán thu nội địa. Sau khi thực hiện điều chỉnh chứng từ, cơ quan thuế thực hiện các thủ tục giải quyết hồ sơ đề nghị hoàn thuế của người nộp thuế theo quy định.

(2) Về xem xét trách nhiệm của công chức, đơn vị có liên quan trong việc xử lý hồ sơ:

Nội dung vướng mắc trong việc chưa xác định được số tiền sử dụng đất đã nộp của ông Huỳnh Nhứt Thanh là do Cục Thuế tỉnh Đồng Nai chưa kịp thời cập nhật thông tin hồ sơ của Ông Thanh vào ứng dụng LPTB-NĐ theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế tại Công văn số 734/TCT-CNTT ngày 19/02/2020 và không thực hiện theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế tại Công văn số 4798/TCT-KK ngày 30/11/2018.

 

 

II. QUYẾT ĐỊNH

Nội dung đề cập tại Quyết định 316/QĐ-BTC ngày 26/02/2024 của Bộ Tài chính về thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh điều chỉnh năm 2024 và Chương trình xây dựng văn bản hướng dẫn luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Thời gian trình Quốc hội thông qua dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)

Theo đó, Bộ Tài chính phân công các đơn vị chủ trì soạn thảo và tham gia soạn thảo các luật, pháp lệnh thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh điều chỉnh năm 2024 tại Phụ lục 1, Phụ lục 2 kèm theo.

Đơn cử, đối với dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) giao Cục QLGS CST là đơn vị chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thuế, Vụ Pháp chế và đơn vị liên quan:

- Chậm nhất trước ngày 15/02/2024 trình Bộ Tài chính;

- Chậm nhất trước ngày 29/02/2024 trình Chính phủ;

- Tháng 03/2024: Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để:

+ Cho ý kiến trước khi trình Quốc hội;

+ Cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý;

+ Tiếp tục cho ý kiến về một số vấn đề lớn (nếu có)

- Tháng 5/2024: Trình Quốc hội cho ý kiến;

- Tháng 10/2024: Trình Quốc hội thông qua dự án Luật.

Trách nhiệm thủ trưởng các đơn vị được giao chủ trì soạn thảo các luật, văn bản QPPL.

Theo Quyết định 316/QĐ-BTC năm 2024, Thủ trưởng các đơn vị được giao chủ trì soạn thảo các luật, văn bản quy định chi tiết thi hành luật có trách nhiệm:

Tuân thủ trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại:

- Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

- Quy chế xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật tài chính ban hành kèm theo Quyết định 72 /QĐ-BTC ngày 20/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

- Công văn 131 /PC-TH ngày 15/7/2019 và công văn 65 /PC-TH ngày 06/9/2021 của Vụ Pháp chế hướng dẫn triển khai công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Đặc biệt là đối với các văn bản thuộc nhóm xây dựng nội dung chính sách và lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải tập trung nguồn lực, chủ động trong tổ chức triển khai các công việc thuộc quy trình, tránh để xảy ra tình trạng chậm tiến độ.

Trong quá trình thực hiện, nếu các văn bản được dẫn chiếu tại Quyết định này sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng các văn bản mới thì áp dụng theo các văn bản mới.

Thủ trưởng các đơn vị được giao phải thực hiện đúng tiến độ xây dựng, trình ban hành và bảo đảm chất lượng văn bản được giao soạn thảo.

Chậm nhất vào ngày 20 hàng tháng hoặc theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền, đơn vị được giao chủ trì soạn thảo báo cáo tình hình soạn thảo các văn bản gửi Vụ Pháp chế để tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ.