Áp thuế GTGT 5% với phân bón: Doanh nghiệp và người dân đều được hưởng lợi

01/05/2021 10:32:43 AM




Sản xuất phân bón là một trong những ngành phục vụ trực tiếp nông nghiệp, nông dân. Do vậy, việc Chính phủ đồng ý với đề xuất áp dụng 5% thuế giá trị gia tăng với phân bón, góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất phân bón giảm giá thành sản phẩm, người nông dân cũng có lợi.
Upload file:

 

phân bón
Việc áp thuế GTGT giúp doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước có cơ hội phát triển sản xuất kinh doanh. Ảnh: TL.
 

Doanh nghiệp sẽ được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào

Ngày 28/10/2020, Chính phủ đã có Nghị quyết số 159/NQ-CP đồng ý với đề xuất của  Bộ Tài chính và giao Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký văn bản trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội khóa XIV xem xét, ban hành chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT) mới đối với mặt hàng phân bón trong kỳ họp thứ 10.

Những chính sách thuế GTGT mới được đề xuất đối với nhóm ngành phân bón bao gồm: phân bón được chuyển từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang nhóm hàng hóa chịu thuế GTGT; thuế suất thuế GTGT đối với phân bón là 5%.

Với việc ban hành chính sách này, phân bón từ nhóm đối tượng không chịu thuế GTGT sang nhóm hàng hóa chịu thuế GTGT là thuế GTGT đầu vào của máy móc, nguyên, nhiên vật liệu, dịch vụ đầu vào dùng trong sản xuất mặt hàng phân bón sẽ được áp dụng chính sách khấu trừ toàn bộ.

Đồng thời, thuế GTGT của các dự án đầu tư mới mặt hàng phân bón, đang trong giai đoạn đầu tư có số thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào sử dụng cho đầu tư mà chưa được khấu trừ và có số thuế còn lại từ 300 triệu đồng trở lên thì được áp dụng chính sách hoàn thuế.

Quốc hội sẽ xem xét, thông qua chính sách mới đối với mặt hàng phân bón tại kỳ họp thứ 10 và dự kiến áp dụng kể từ ngày 1/1/2021.

Cơ hội để giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh

Theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế số 71/2014/QH13, mặt hàng phân bón được xếp vào nhóm đối tượng không chịu thuế GTGT. Tương ứng với đó, thuế GTGT đầu vào của máy móc, nguyên, nhiên vật liệu, dịch vụ đầu vào dùng trong sản xuất tại các cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón không được khấu trừ và hoàn thuế, mà được phân bổ vào giá thành sản phẩm.

Nhiều ý kiến cho rằng, đây là nguyên nhân dẫn đến tăng giá thành sản xuất phân bón và giá bán sản phẩm của phân bón cũng kém cạnh tranh hơn so với phân bón nhập khẩu từ năm 2015 (thời điểm Luật số 71/2014/QH13 có hiệu lực) đến nay.

Với chính sách thuế GTGT được đề xuất điều chỉnh, giá vốn của mặt hàng phân bón chắc chắn sẽ giảm. Bởi lẽ, thuế GTGT đầu vào của sản xuất phân bón như nguyên vật liệu (than, khí tự nhiên, lưu huỳnh, quặng apatit, chất phụ gia…), dịch vụ (điện, nước, vận chuyển, kho bãi…) sẽ giảm; chi phí khấu hao của máy móc dùng để sản xuất phân bón giảm.

Giá vốn của mặt hàng phân bón không những góp phần tăng tính cạnh tranh về giá so với phân bón nhập khẩu (trước không chịu thuế, nay phải tính thêm 5% thuế GTGT khi nhập khẩu) mà còn cải thiện biên lợi nhuận của các cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón theo hướng tích cực. Tất nhiên, mức cải thiện biên lợi nhuận ở từng cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón sẽ không giống nhau, do chủng loại mặt hàng phân bón (như phân Ure, phân NPK, phân lân…) được sản xuất khác nhau.

Theo đánh giá của các chuyên gia, cơ sở sản xuất nhóm phân Ure, phân lân sẽ được hưởng lợi lớn nhất. Cơ sở sản xuất nhóm phân NPK sẽ không được hưởng lợi nhiều, do thuế GTGT của nguyên liệu đầu vào và thuế GTGT của hàng hóa đầu ra bằng nhau. Ngoài ra, do cơ cấu chi phí và thuế, phí kết chuyển vào sản phẩm đầu ra nên mức hưởng lợi của mỗi doanh nghiệp cũng không giống nhau.

Sau khi chuyển sang áp dụng thuế suất thuế GTGT 5%, thuế GTGT đầu ra của phân bón sản xuất, tiêu dùng trong nước của các cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón sẽ được khấu trừ với số thuế GTGT đầu vào.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán FPT, cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón, nhất là các doanh nghiệp sản xuất phân bón đang niêm yết trên thị trường chứng khoán sẽ không phát sinh số thuế phải nộp do thuế suất thuế GTGT đầu vào lớn hơn hoặc bằng thuế suất thuế GTGT đầu ra.

Trường hợp thuế GTGT đầu vào được kết chuyển toàn bộ vào hàng hóa và hàng hóa được bán ra thị trường, dòng tiền của cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón sẽ tiết kiệm được đúng bằng phần thuế GTGT đầu vào được khấu trừ.

Hay như chia sẻ của Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (HOSE: DCM), trong cơ cấu giá thành của DCM, thuế GTGT không được khấu trừ ước tính 300 - 400 tỷ đồng/năm. Nếu áp lại mức thuế GTGT đầu ra là 5%, DCM sẽ tiết giảm chi phí được khoảng 160 tỷ đồng/năm.

Trong trường hợp doanh nghiệp có đầu tư dự án mới sản xuất phân bón, thì trước khi đi vào hoạt động, dự án sẽ còn được hoàn thuế GTGT nếu số thuế GTGT chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên.

Tóm lại, nếu chính sách thuế GTGT được Quốc hội thông qua và áp dụng kể từ ngày 1/1/2021, doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sẽ nhiều dư địa để giảm giá vốn đối với mặt hàng phân bón, thêm khả năng cạnh tranh đối với phân bón nhập khẩu, cải thiện đáng kể kết quả kinh doanh, tạo đột phá về tăng trưởng lợi nhuận, qua đó có thêm nguồn lực để vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19, do biến đổi khí hậu gây ra.

Có thể nói, với việc áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 5% không chỉ tạo cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh, mà người nông dân Việt Nam sẽ có thêm điều kiện sử dụng các sản phẩm phân bón với giá thành hợp lý do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất cho mùa màng thêm bội thu.

Lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ tăng lên khi áp thuế 5% thuế GTGT

                                                   

Công ty

Giá vốn hàng bán

Biên lợi nhuận gộp

Giá vốn hàng bán điều chỉnh

Biên lợi nhuận gộp điều chỉnh

Thay đổi biên lợi nhuận

Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM)

7.071

23,5%

6.585

28,7%

5,3%

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau

(DCM)

6.459

18,8%

6.118

23,1%

4,3%

Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền(BFC)

5.216

13,4%

5.209

13,5%

0,1%

Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (LAS)

2.437

17.7%

2.370

20%

2,3%

Công ty Cổ phần Phân bón Miền Nam (SFG)

1.658

7,9%

1.636

9,1%

1,3%

Công ty cổ phần Phân lân nung chảy Văn Điển

(VAF)

718

23,4%

690

26,3%

2,9%

 

Theo Thời báo Tài chính