Quảng Nam: Thu nội địa tăng, nhưng áp lực nợ thuế còn lớn

09/25/2018 08:58:09 AM




Mặc dù thu thuế nội địa của Quảng Nam có chiều hướng khả quan, song cơ quan thuế cũng đang phải đối mặt với tình trạng nợ thuế ngày càng cao. Thậm chí, cơ quan thuế đã sử dụng hết các "liều thuốc đặc trị”, nhưng kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra.
Upload file:

Khu vực dân doanh chiếm hơn 68% tổng thu

8 tháng năm 2018, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) do Cục Thuế Quảng Nam quản lý đạt 12.134 tỷ đồng, bằng 78,4% so với dự toán pháp lệnh HĐND tỉnh giao, bằng 73,3% so với dự toán phấn đấu Tổng cục Thuế giao và tăng 29% (so với cùng kỳ năm 2017).


chi cục thuế tp.hội an

Làm thủ tục hành chính thuế tại Chi cục Thuế TP.Hội An (Quảng Nam). Ảnh: NM.

 

Phân tích tổng thể “bức tranh” thu ngân sách qua 8 tháng trên địa bàn cho thấy có yếu tố lạc quan khi có đến 16/17 chỉ tiêu thu đều đạt và vượt tiến độ đề ra; như chỉ tiêu “thu tại xã tính cân đối” được cho là thu thấp nhưng cũng đã đạt gần 60% dự toán. Ấn tượng nhất là các nguồn thu chủ yếu phát sinh từ hoạt động kinh tế của doanh nghiệp (DN) có mức tăng trưởng cao.

Đặc biệt, số thu từ khu vực DN có vốn đầu tư ngoài (FDI) trong 8 tháng là 989,5 tỷ đồng, đạt 75% dự toán, tăng 90% so với cùng kỳ. Kết quả này có sự đóng góp lớn của các DN chủ lực, như: Nhà máy bia Heneiken - Quảng Nam 551,9 tỷ đồng, Công ty CP sân golf Indochina Hội An 24,5 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Sedo Vinaco 31,9 tỷ đồng và Công ty TNHH Indochina Resot 40,1 tỷ đồng.

18 chi cục thuế thuộc Cục Thuế Quảng Nam qua 8 tháng đã thực hiện thu ngân sách được 1.766 tỷ đồng, đạt 93% dự toán HĐND tỉnh giao. Có 17/18 chi cục thuế huyện, thị xã, thành phố thu đạt từ 70% dự toán pháp lệnh trở lên. 

Bên cạnh đó, khu vực kinh tế dân doanh đã bứt phá ngoạn mục, đóng góp ngân sách đến 8.305,9 tỷ đồng trong 8 tháng, chiếm hơn 68% tổng thu ngân sách nội địa, đạt 77% dự toán, tăng 34% (so với cùng kỳ 2017). Điều đó cho thấy, kinh tế tư nhân đang trở thành động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế địa phương và đóng góp chủ yếu cho ngân sách tỉnh.

Ngoài ra, Tập đoàn ô tô Chu Lai - Trường Hải, 8 tháng cũng đã đóng góp ngân sách 7.170,8 tỷ đồng, đạt 78,5 dự toán, tăng 44,3% (chỉ số thu nội địa). Theo phân tích của giới chuyên môn, mặc dù đầu năm 2018 thuế nhập khẩu đối với ô tô du lịch dưới 9 chỗ ngồi trong khối ASEAN đã về 0%, nhưng tình hình sản xuất và tiêu thụ ô tô của Trường Hải vẫn đảm bảo diễn ra bình thường và tăng dần qua từng tháng. Đơn cử trong tháng 8, hai nhà máy Mazda và Kia của Trường Hải đã nộp ngân sách 1.060 tỷ đồng, lũy kế 8 tháng nộp 6.755,2 tỷ đồng, đạt 83,2% chỉ tiêu, tăng 49,2%.

Áp lực thu nợ thuế

Kết quả thu ngân sách được cho là thành công vượt bậc, thì tình hình thu nợ thuế trong thời gian qua đánh giá ở chiều ngược lại. Theo Cục Thuế Quảng Nam, mặc dù từ đầu năm đến nay cơ quan thuế đã tập trung quyết liệt triển khai đồng bộ các biện pháp để thu hồi nợ đọng thuế, gần như đã dùng hết các “liều thuốc đặc trị” được pháp luật cho phép, nhưng kết quả cho thấy tình hình nợ thuế không giảm, thậm chí tăng lên.

Cụ thể, ở thời điểm 30/6/2018 tổng nợ thuế là 937,6 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 6% so với tổng thu, tăng 20% so với nợ thuế ở thời điểm 31/12/2017, nhưng đến 31/7/2018 con số nợ thuế đã vào khoảng 1.010 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 8,3% so tổng thu, tăng 29% so với 31/12/2017 (780,761 tỷ đồng). Đây là một thách thức không nhỏ đối với cơ quan thuế, với yêu cầu đặt ra của Tổng cục Thuế là tỷ lệ nợ thuế dưới mức 5% so với tổng thu.

Cục Thuế Quảng Nam cho biết, đơn vị đã có nhiều đề xuất với tỉnh về các biện pháp để xử lý thu hồi nợ thuế. Mới đây đơn vị đã có báo cáo nêu rõ danh tính 114 DN nợ thuế trên 1 tỷ đồng với số tiền nợ hơn 580 tỷ đồng để có sự chỉ đạo vào cuộc của tỉnh. Trước đó, Cục Thuế Quảng Nam cũng đã công khai 13 DN nợ thuế gần 52 tỷ đồng trên phương tiện thông tin đại chúng. Tổng cộng qua 8 tháng, cơ quan thuế đã thực hiện công khai 5 đợt gồm 147 DN nợ thuế “dai dẳng”, với số tiền hơn 443 tỷ đồng.

Cục Thuế Quảng Nam cũng chỉ đạo sát sao các chi cục thuế phải chủ động tham mưu với UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức họp với những DN nợ thuế, phí, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn. Tại các cuộc họp, cơ quan thuế lắng nghe những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, tình hình nợ thuế của từng DN, để từ đó đưa ra các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đơn vị, cũng như các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật để thu hồi tiền thuế nợ vào NSNN, vừa chống thất thu vừa thể hiện sự công bằng đối với các DN./.

Theo Thời báo Tài chính