Hà Nội: Sẽ sắp xếp, sáp nhập 12 chi cục thuế huyện thành chi cục thuế khu vực

06/01/2018 08:58:33 AM




Thông tin trên được ông Mai Sơn - Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết khi trao đổi với phóng viên TBTCVN về việc thực hiện sắp xếp, sáp nhập các chi cục thuế quận, huyện thành chi cục thuế khu vực, theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế.
Upload file:

Đại diện Cục Thuế Hà Nội cũng cho biết, việc sắp xếp, sáp nhập các chi cục thuế nhằm tinh giản đầu mối là cần thiết, qua đó sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý thuế.

 

chi cục thuế đông đa

Làm thủ tục thuế tại Chi cục Thuế quận Đống Đa, TP.Hà Nội. Ảnh: NM.

 

*PV: Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa có chỉ thị yêu cầu Tổng cục Thuế chỉ đạo các cục thuế triển khai ngay việc sắp xếp, sáp nhập chi cục thuế quận, huyện, thị xã, thành phố thành chi cục thuế khu vực. Xin ông cho biết Cục Thuế Hà Nội đã triển khai chỉ đạo này như thế nào?

- Ông Mai Sơn: Trong những năm qua, Cục Thuế Hà Nội luôn chủ động, tích cực nghiên cứu, sắp xếp bộ máy tổ chức các đơn vị thuộc và trực thuộc theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tính đến nay, Cục Thuế Hà Nội có 24 phòng thuộc Văn phòng cục, 30 chi cục thuế quận, huyện, thị xã, với 315 đội thuế (so với năm 2011 đã giảm 39 đội thuế).

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và chủ trương của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính về tổ chức lại chi cục thuế theo khu vực, Cục Thuế Hà Nội đã rà soát, đánh giá tổ chức bộ máy, hiệu quả công tác quản lý thuế tại các chi cục thuế và cho rằng, việc sắp xếp lại các chi cục thuế nhằm tinh giản đầu mối chi cục thuế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và hiện đại hóa công tác quản lý thuế là rất cần thiết.

Chúng tôi đã rà soát và báo cáo Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính phương án sắp xếp, sáp nhập đối với 12 chi cục thuế huyện thành chi cục thuế khu vực theo lộ trình từ năm 2018 - 2020, mỗi năm sẽ sắp xếp 4 chi cục thuế cấp huyện và được Bộ Tài chính ban hành quyết định phê duyệt.

Cục thuế cũng đã có văn bản báo cáo Thành ủy, HĐND, UBND TP. Hà Nội về chủ trương sắp xếp bộ máy tổ chức của cục và dự kiến kế hoạch thực hiện năm 2018. Việc sắp xếp phải đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, không gây xáo trộn lớn về tổ chức, nhân sự, bộ máy hoạt động được thông suốt.

 
 
Chúng tôi đã rà soát và báo cáo Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính phương án sếp xếp, sáp nhập đối với 12 chi cục thuế huyện thành chi cục thuế khu vực theo lộ trình từ năm 2018 - 2020, mỗi năm sẽ sắp xếp 4 chi cục thuế cấp huyện...

ông mai sơn

Ông Mai Sơn

 

Căn cứ kế hoạch được phê duyệt, Cục Thuế Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thành lập chi cục thuế khu vực để xây dựng kế hoạch thực hiện, xây dựng đề án, đồng thời có văn bản phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị đầu mối thực hiện đảm bảo theo lộ trình các chi cục thuế sắp xếp trong năm 2018 xong trước 1/7/2018.

*PV: Theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế thì việc sắp xếp, sáp nhập các chi cục thuế phải đảm bảo mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế trên địa bàn. Xin ông cho biết Cục Thuế Hà Nội đã có giải pháp như thế nào để đảm bảo sau khi sắp xếp, sáp nhập sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan thuế?

- Ông Mai Sơn: Việc thành lập chi cục thuế khu vực từ trước đến nay là chưa có tiền lệ. Do vậy, khi triển khai sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phải nghiên cứu giải quyết.

Một số giải pháp được Cục Thuế Hà Nội dự kiến thực hiện để đảm bảo sau khi sắp xếp, sáp nhập sẽ nâng cao hiệu quả họat động của cơ quan thuế.

Thứ nhất, phải xây dựng cơ sở dữ liệu người nộp thuế đầy đủ, chính xác, tập trung thống nhất trong phạm vi quản lý; phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý thuế có tính liên kết, tự động hóa cao, gắn chặt với quá trình cải cách thủ tục hành chính thuế và áp dụng thuế điện tử; xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, đồng bộ.

Trong đó, cục thuế chú trọng tiếp tục triển khai mở rộng các dịch vụ thuế điện tử, hỗ trợ người nộp thuế đảm bảo cung cấp cho người nộ thuế phương thức thuận tiện nhất để thực hiện nghĩa vụ thuế của mình như: Duy trì, nâng cao chất lượng khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử; triển khai mở rộng khai nộp trước bạ ôtô xe máy qua mạng, mở rộng nộp thuế điện tử đối với hộ khoán; triển khai hóa đơn điện tử; hoàn thuế điện tử...

Đồng thời, cơ quan thuế đẩy mạnh việc xã hội hoá hoạt động hỗ trợ người nộp thuế, từng bước thúc đẩy việc nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của các đại lý thuế cho người nộp thuế, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của hệ thống đại lý thuế rộng rãi trên địa bàn.

Thứ hai, phải xây dựng được quy chế phối hợp trong lãnh đạo chỉ đạo giữa cơ quan thuế với chính quyền địa phương trong công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ thu NSNN. Có như vậy mới tranh thủ được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác quản lý thuế.

Thứ ba, phải bố trí nơi làm việc, trang thiết bị phù hợp trên cơ sở sử dụng hợp lý các trụ sở, cơ sở vật chất hiện có của chi cục thuế sắp xếp, sáp nhập; quan tâm, chăm lo đời sống cho cán bộ công chức sau khi chuyển đến nơi làm việc mới.

Chủ động nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi các quy trình nghiệp vụ liên quan đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, kế toán thuế, hoàn thuế, miễn giảm thuế. Các quy trình nghiệm vụ có liên thông với các cơ quan có liên quan như kho bạc nhà nước, tài chính cấp huyện, cơ quan địa chính, cơ quan công an…, đồng thời xây dựng hệ thống báo cáo hoàn chỉnh của chi cục thuế khu vực.

*PV: Ông có đề xuất giải pháp gì để đảm bảo việc triển khai kế hoạch này theo đúng lộ trình, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan thuế sau khi sắp xếp, sáp nhập?

- Ông Mai Sơn: Thứ nhất, phải làm tốt công tác tư tưởng đối với công chức và người lao động nhằm đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ cơ quan khi tiến hành việc tổ chức lại chi cục thuế, tránh xáo trộn gây ách tắc và ảnh hưởng đến triển khai nhiệm vụ chính trị được giao. Đồng thời phải xây dựng phương án, nguyên tắc bố trí, sắp xếp nhân sự đảm bảo tiêu chí rõ ràng, công khai, minh bạch.

Thứ hai, phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện kế hoạch của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và đảm bảo không ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch thu ngân sách hàng năm của các địa phương trong kế hoạch thành lập chi cục thuế khu vực; phải có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên tiến độ thực hiện nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm, có biện pháp phù hợp giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện.

*PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Thời báo Tài chính