Sửa Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu: tạo động lực cho DN

08/06/2015 02:59:49 PM




Trong bối cảnh, hơn 90% dòng thuế sẽ thực hiện cắt giảm theo lộ trình của các hiệp định thương mại tự do (FTA), đòi hỏi cần phải xây dựng Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để thúc đẩy sản xuất trong nước trước sức cạnh tranh ngày càng lớn của hội nhập. Theo đó dự kiến tháng 10 năm nay, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sửa đổi sẽ được Quốc hội thông qua và đến năm 2016 sẽ có hiệu lực thi hành.
Upload file:

 

Bỏ khung thuế suất nhập khẩu
 
Tại hội nghị lấy ý kiến về Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sửa đổi do Tổng cục Hải quan phối hợp với Dự án quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (USAID GIG) tổ chức ngày 4/8, ông Vũ Ngọc Anh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (Luật Thuế XNK) sau 10 năm thực hiện đã tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế, Luật hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế cần được khắc phục. Trên cơ sở đó, dự thảo Luật Thuế XNK sửa đổi đã bổ sung các quy định về thuế phòng vệ, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; khuyến khích phát triển các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực, địa bàn ưu đãi, đặc biệt ưu đãi; tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu, khuyến khích sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hàng hóa Việt Nam có lợi thế; hạn chế xuất khẩu khoáng sản tài nguyên chưa qua chế biến, hàng hóa gia công giá trị gia tăng thấp; đồng thời, thực hiện bảo hộ hợp lý, có thời hạn, phù hợp với thông lệ quốc tế đối với một số hàng hóa sản xuất trong nước....
 
 
Cụ thể, dự thảo Luật Thuế XNK sửa đổi được thiết kế thành 5 chương, 22 điều. Một trong những nội dung đáng chú ý trong dự thảo Luật Thuế XNK lần này là đề xuất bỏ khung thuế suất nhập khẩu. Trao đổi về vấn đề này, bà Lỗ Thị Nhụ, Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) cho biết, kể từ thời điểm Việt Nam gia nhập WTO, nước ta đã cam kết cho 100% số dòng thuế nhập khẩu tại thời điểm gia nhập và phải cắt giảm hàng năm theo lộ trình cam kết, đến nay cơ bản lộ trình này đã hoàn thành. Do đó, việc quy định mức trần tối đa biểu khung thuế suất thuế nhập khẩu như hiện hành thực tế không có ý nghĩa. Bên cạnh đó, việc xây dựng sàn thuế (tối thiểu) của biểu khung thuế suất thuế nhập khẩu như hiện hành cũng không cần thiết vì hiện nay Việt Nam đã ký 10 FTA với các nước, nhóm nước, theo đó đã cam kết xóa bỏ thuế quan vào thời điểm cuối cùng (2018-2020) trung bình vào khoảng 90% số dòng thuế, riêng Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) với mức cam kết tự do hóa đạt 97%. Khi ký kết các FTA thế hệ mới như TPP, Việt Nam-EU thì mức độ tự do hóa sẽ đạt 97-98% dòng thuế trong vòng 10 năm. Dự kiến giai đoạn 2028-2030 trên 80% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất FTA là 0%. Theo đó, việc xây dựng biểu khung thuế suất thuế nhập khẩu như hiện hành không phù hợp trong giai đoạn mới. Do vậy, Luật Thuế XNK sửa đổi không nên quy định khung thuế suất nhập khẩu. 
 
Về khung thuế xuất khẩu, nước ta đang trong quá trình đàm phán một số hiệp định thương mại tự do FTA trong đó có việc phải đưa ra các cam kết về xóa bỏ thuế xuất khẩu. Dự kiến, nước ta sẽ đàm phán để tiếp tục được duy trì thuế xuất khẩu đối với một số nhóm hàng có số thu ngân sách như xăng dầu, than đá. Theo đó, cần tiếp tục quy định mức thuế suất sàn đối với một số nhóm mặt hàng cần thu thuế xuất khẩu để góp phần bảo vệ tài nguyên trong nước, điều tiết hợp lý thu cho NSNN, đáp ứng yêu cầu đàm phán hội nhập trong thời gian tới cũng như trong giao thương kinh tế. Để khắc phục những hạn chế này, tại khoản 2 Điều 11 dự thảo Luật Thuế XNK sửa đổi không quy định khung thuế suất khẩu, thay bằng quy định mức tối thiểu đối với một số nhóm hàng chịu thuế xuất khẩu. 
 
Đơn vị nào có thẩm quyền xây dựng biểu thuế, thuế suất?
 
Về thẩm quyền xây dựng biểu thuế, thuế suất, dự thảo Luật đề xuất 2 phương án. Phương án 1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành mức thuế suất tối thiểu cho từng phân nhóm hàng thuộc danh mục nhóm hàng chịu thuế xuất khẩu. Bộ Tài chính căn cứ vào đó để quy định biểu thuế XNK đối với từng mặt hàng; quyết định áp dụng mặt hàng và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan đối với từng mặt hàng trong trường hợp cần thiết. Đánh giá về phương án này, Ban soạn thảo dự thảo Luật cho biết,  điều này đảm bảo tính kịp thời trong việc xây dựng mức thuế suất tương ứng với từng thời kỳ, điều chỉnh kịp thời trước những biến động giá cả của thị trường quốc tế; đảm bảo chủ động trong việc thực hiện cắt giảm các mức thuế suất theo cam kết hội nhập. Tuy nhiên, điểm hạn chế của phương án này là tính ổn định không cao, dễ phát sinh các ý kiến trái chiều.
 
Phương án 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành mức thuế suất tối thiểu cho từng phân nhóm hàng thuộc danh mục nhóm hàng chịu thuế xuất khẩu; Thủ tướng Chính phủ căn cứ vào nguyên tắc tại khoản 1 điều này, mức thuế suất tối thiểu do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành để quy định biểu thuế XNK đối với từng mặt hàng; quyết định áp dụng mặt hàng và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, đối với từng mặt hàng trong trường hợp cần thiết. Phương án này có ưu điểm là tạo sự ổn định cao hơn của biểu thuế. Thẩm quyền này cũng phù hợp với xu hướng Việt Nam tham gia sâu rộng vào các FTA. Bên cạnh đó, đối với thuế xuất nhập khẩu trên thực tế 90% kim ngạch xuất khẩu có mức thuế đã được cam kết tại các FTAs. Đồng thời, trong quy định mức thuế XNK luôn có những ý kiến khác nhau, do vậy, cần nâng mức thẩm quyền quyết định từ Bộ Tài chính lên mức độ do Thủ tướng Chính phủ quy định. 
 
Với các ưu, nhược điểm của 2 phương án này, Bộ Tài chính kiến nghị chọn phương án 2. Đồng tình với phương án 2, ông Trần Ngọc Tùng, Công ty Luật Parker cũng cho rằng, thẩm quyền xây dựng biểu thuế, thuế suất, dự thảo Luật nên chọn theo phương án 2 để tạo sự thống nhất và công bằng.
 

Theo Tạp Chí Thuế