Giải pháp nâng cao hiệu quả phối hợp trong phòng chống gian lận thuế GTGT

05/19/2014 03:00:06 PM




Đấu tranh phòng, chống các hành vi gian lận thuế Giá trị gia tăng (GTGT) thông qua hoạt động xuất khẩu là nhiệm vụ, chủ trương lớn của nhiều ngành, nhiều cấp. Công tác này có hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn của nhiều ngành chức năng. Đặc biệt là sự phối kết hợp giữa các ngành chức năng, các cấp chính quyền cơ sở, trong đó phải kể đến sự phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát Kinh tế và lực lượng Hải quan.
Upload file:

 

Cơ sở pháp lý cơ bản và quan trọng nhất của mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát Kinh tế và Hải quan là dựa trên cơ sở những quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự và Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự cũng như các văn bản pháp luật quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi lực lượng.

 

Trong những năm qua, cơ quan Công an phối hợp với cơ quan Hải quan khám phá và xử lý hình sự, xử phạt hành chính hàng nghìn vụ vi phạm trong lĩnh vực thuế GTGT. Hai đơn vị đã xử lý, thu nộp ngân sách 382,6 tỉ đồng tiền thuế trốn, tiền phạt vi phạm hành chính về thuế GTGT. Tuy nhiên, thời gian qua những hành vi vi phạm pháp luật về thuế GTGT thông qua hoạt động xuất khẩu diễn biến hết sức phức tạp. Tại một số địa bàn trọng điểm về loại tội phạm này, sự phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát Kinh tế với các lực lượng khác, đặc biệt là với lực lượng Hải quan trong phòng chống hành vi vi phạm pháp luật về thuế GTGT thông qua hoạt động xuất khẩu chưa được chặt chẽ, sự phối hợp trao đổi thông tin chưa kịp thời nhất là thông tin về danh sách đối tượng nghi vấn, thông tin về các đối tượng hoạt động lưu động xuyên địa bàn, hoặc khi đối tượng có di biến động thì hai lực lượng chưa kịp thời thông báo cho nhau để quản lý, giám sát nên thiếu chủ động trong phòng chống hành vi vi phạm pháp luật về thuế GTGT thông qua hoạt động xuất khẩu.

 

Do vậy, để khắc phục những tồn tại và hạn chế khi tổ chức mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát Kinh tế và lực lượng Hải quan trong đấu tranh phòng chống hành vi vi phạm pháp luật về thuế GTGT thông qua hoạt động xuất khẩu và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, đòi hỏi hai lực lượng nói chung và mỗi cán bộ, chiến sỹ trong mỗi lực lượng cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

 

Thứ nhất: Tăng cường, chủ động trong trao đổi thông tin giữa lực lượng Cảnh sát Kinh tế và lực lượng Hải quan nhằm chủ động phát hiện đầu mối đối tượng nghi vấn thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về thuế GTGT thông qua hoạt động xuất khẩu. Cụ thể là:

 

Từng lực lượng phải thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản nắm tình hình về địa bàn, đối tượng theo quy định của Nhà nước, pháp luật hiện hành và quy định của ngành. Trên cơ sở đó, nắm chắc các thông tin cần thiết để chủ động phối hợp, cung cấp thông tin giữa hai lực lượng. Các thông tin cần trao đổi giữa hai lực lượng bao gồm:

 

- Thông tin về các doanh nghiệp có những dấu hiệu vi phạm pháp luật và gian lận trong hoàn thuế GTGT thông qua hoạt động xuất khẩu. Qua thực tiễn tổ chức mối quan hệ phối hợp giữa hai lực lượng cho thấy, các doanh nghiệp có những dấu hiệu vi phạm thường tập trung vào các doanh nghiệp đăng ký thành lập với nhiều ngành nghề, có hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, vốn đăng ký kinh doanh thấp nhưng vòng quay vốn rất lớn. Doanh nghiệp mới thành lập nhưng lại có ngay hợp đồng xuất khẩu, với doanh số lớn. Hàng hóa xuất khẩu chủ yếu loại hàng chịu thuế suất thuế GTGT 10%. Doanh nghiệp tổ chức hoạt động theo mô hình liên kết nhiều doanh nghiệp cung cấp hàng hóa đầu vào cho một doanh nghiệp xuất khẩu để hợp pháp hóa đơn. Một người quản lý, điều hành nhiều doanh nghiệp và cho người thân đứng tên để xuất hàng hóa cho doanh nghiệp nhập khẩu, các doanh nghiệp không có kho chứa hàng, thuê trụ sở làm việc. Sau thời gian hoạt động, tiến hành giải thể và thành lập doanh nghiệp mới…

 

- Thông tin về phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng thường sử dụng để thực hiện hành vi gian lận trong hoàn thuế GTGT thông qua hoạt động xuất khẩu. Thực tiễn cho thấy, với cơ chế tính thuế đặc thù theo phương pháp khấu trừ và hoàn thuế GTGT đầu vào, nhất là hoàn thuế GTGT đối với hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp đã tạo ra những hình thức gian lận riêng đối với thuế GTGT như: Hạch toán sai quy định về phân bổ thuế GTGT đầu vào được khấu trừ; đưa vào khấu trừ hàng hóa không dùng cho hàng hóa xuất khẩu; giả tạo hồ sơ khống xuất khẩu; quay vòng hàng xuất khẩu; sử dụng hóa đơn giả; thành lập nhiều doanh nghiệp để tạo giao dịch lòng vòng; thành lập doanh nghiệp chuyên mua bán hóa đơn; dùng lợi ích vật chất mua chuộc những cán bộ thoái hóa trong các cơ quan quản lý nhà nước có nhiệm vụ, quyền hạn trong việc cấp phép, quản lý, kiểm tra, kiểm soát hoạt động xuất khẩu để tạo điều kiện cho đối tượng thực hiện các hành vi vi phạm…

 

- Thông tin về những nguyên nhân, điều kiện làm nảy sinh những hành vi gian lận trong hoàn thuế GTGT thông qua hoạt động xuất khẩu như: Những kẽ hở trong các chính sách pháp luật về hoàn thuế GTGT đối với hoạt động xuất khẩu; kẽ hở trong tổ chức cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động xuất khẩu...  

 

Thứ hai: Nâng cao hiệu quả quan hệ phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát Kinh tế và lực lượng Hải quan trong đấu tranh chuyên án đối với tội phạm liên quan đến hoàn thuế GTGT thông qua hoạt động xuất khẩu.

 

Đấu tranh chuyên án đối với tội phạm liên quan đến hoàn thuế GTGT thông qua hoạt động xuất khẩu là một hoạt động nghiệp vụ đặc trưng, mang tính phổ biến, là khâu quyết định thắng lợi hay thất bại của cả chuyên án. Chính vì vậy, để phát huy thế mạnh của mỗi lực lượng cũng như đảm bảo cho chuyên án thắng lợi cần phải có sự phối hợp, tham gia của nhiều lực lượng trong đó có lực lượng Hải quan. Khi tham gia vào chuyên án, đòi hỏi mỗi lực lượng cần thực hiện đúng nhiệm vụ theo sự phân công của trưởng ban chuyên án; lực lượng Cảnh sát kinh tế cần thống nhất, trao đổi với lực lượng Hải quan để xây dựng kế hoạch; đặc biệt, thông qua công tác hoạt động nghiệp vụ của mình, lực lượng Hải quan cung cấp thông tin về từng loại đối tượng, phương thức thủ đoạn, quy luật hoạt động, thời gian hoạt động của đối tượng... giúp cho trưởng ban chuyên án và Cảnh sát Kinh tế xây dựng và chỉ đạo tốt kế hoạch đề ra.

 

Thứ ba: Cần khai thác triệt để đặc điểm điều kiện công tác của từng lực lượng trong việc phối hợp bắt, khám xét, thu giữ, bảo quản vật chứng và các tài liệu khác có liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật trong hoàn thuế GTGT thông qua hoạt động xuất khẩu.

 

Thứ tư: Đổi mới nội dung, phương pháp cung cấp, trao đổi thông tin, kiểm tra xác minh nguồn tin, phục vụ tốt yêu cầu nhiệm vụ phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát Kinh tế với lực lượng Hải quan trong đấu tranh phòng chống các hành vi gian lận thuế GTGT thông qua hoạt động xuất khẩu.

 

Thứ năm: Tăng cường công tác chỉ huy, chỉ đạo đối với việc thực hiện quan hệ phối hợp giữa hai lực lượng trong đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật thuế GTGT thông qua hoạt động xuất khẩu đảm bảo sự tập trung thống nhất, nhất quán từ trên xuống dưới...

 

Thứ sáu: Bổ sung trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng Cảnh sát Kinh tế và lực lượng Hải quan để thực hiện có hiệu quả quan hệ phối hợp trong phát hiện, điều tra tội phạm và các hành vi vi phạm liên quan đến hoàn thuế GTGT thông qua hoạt động xuất khẩu.

 

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, ngoài những vi phạm pháp luật và tội phạm về thuế thông thường, dự báo sẽ xuất hiện nhiều loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật thuế GTGT thông qua hoạt động xuất khẩu với những phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi hơn, hậu quả gây cho xã hội ngày càng nặng nề, làm ảnh hưởng lớn tới sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế- tài chính quốc gia... Những diễn biến phức tạp này đòi hỏi có hệ thống biện pháp hiệu quả để sớm phát hiện những hành vi sai phạm, góp phần giảm tình trạng thất thoát ngân sách và giữ vững an ninh kinh tế quốc gia trong đó phải kể tới các biện pháp tăng cường hiệu quả phối hợp giữa lực lượng Cảnh sát Kinh tế với lực lượng Hải quan trong đấu tranh phòng, chống các hành bi gian lận trong hoàn thuế GTGT thông qua hoạt động xuất khẩu.

Theo Báo Hải quan