Doanh nghiệp nằm trong vùng bị cách ly, nếu phát sinh tiền thuế phải nộp sẽ được miễn phạt chậm nộp. Ảnh: NM.
Miễn tiền chậm nộp, tiền phạt
Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38, trường hợp doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ (sự kiện bất khả kháng) được áp dụng một số chính sách về miễn, giảm, gia hạn nộp thuế.
Cụ thể, tại khoản 8 Điều 59 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định, người nộp thuế được miễn tiền chậm nộp trong trường hợp bất khả kháng. Nếu người nộp thuế bị phạt tiền do vi phạm hành chính về quản lý thuế mà bị thiệt hại trong trường hợp bất khả kháng thì được miễn tiền phạt. Tổng số tiền miễn phạt tối đa không quá giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại.
Hướng dẫn kịp thời để người nộp thuế yên tâm
Để tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Cục Thuế TP. Hà Nội đã ban hành công văn số 29592/CTHN-KK ngày 29/7/2021 hướng dẫn về chính sách thuế không xử phạt nếu người nộp thuế chậm nộp hồ sơ khai thuế trong thời gian thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND.
Theo đó, trường hợp người nộp thuế là tổ chức, cá nhân có trụ sở doanh nghiệp, địa chỉ (thường trú, tạm trú) nằm trong vùng bị cách ly, khu vực bị cách ly theo quyết định, thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nếu phát sinh nghĩa vụ nộp hồ sơ khai thuế trong thời gian bị cách ly không thể thực hiện nộp hồ sơ khai thuế theo đúng quy định pháp luật, dẫn đến chậm nộp hồ sơ khai thuế thì không bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Ngoài được miễn tiền chậm nộp, tiền phạt, một nội dung khác mà nhiều doanh nghiệp rất quan tâm, đó là khoản thiệt hại do dịch bệnh gây ra có được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hay không? Cá nhân có được giảm thuế thu nhập cá nhân hay không?
Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, theo Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế TNDN (sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTC, đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 6 Thông tư số 119/2014/TT-BTC và Điều 1 Thông tư số 151/2014/TT-BTC)) quy định:
Trường hợp doanh nghiệp có chi phí liên quan đến phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Tuy nhiên, doanh nghiệp phải tự xác định tổng giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật. Phần giá trị tổn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường được xác định bằng tổng giá trị tổn thất trừ phần giá trị doanh nghiệp bảo hiểm hoặc tổ chức, cá nhân khác phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Ngoài được tính chi phí được trừ, người nộp thuế cũng được giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Cụ thể, tại Điều 5 Luật thuế TNCN số 04/2007/QH12 quy định: “đối tượng nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế thì được xét giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp”.
Áp dụng triệt để các ứng dụng điện tử
Ông Nguyễn Tiến Trường - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hà Nội cho biết, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, người nộp thuế trên địa bàn, Cục Thuế TP. Hà Nội đã tích cực đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, giải quyết thủ tục hành chính bằng phương thức điện tử.
Báo cáo cho thấy, trong 8 tháng của năm 2021, cục thuế đã hỗ trợ trả lời vướng mắc cho 510 lượt người nộp thuế qua hệ thống 479 kênh thông tin hỗ trợ người nộp thuế (eTax). Thực hiện niêm yết công khai, rõ ràng, đầy đủ các thủ tục hành chính thuế trên website của cục thuế.
Cục thuế cũng đăng tải nhanh chóng, kịp thời, công khai các chính sách thuế mới, các văn bản trả lời chính sách thuế cho người nộp thuế trên trang tin điện tử để người nộp thuế, cán bộ công chức nắm bắt và thực hiện theo đúng chính sách pháp luật.
Đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuế tại cơ quan thuế các cấp qua dịch vụ bưu chính công ích, qua dịch vụ công trực tuyến.
Đến nay, ngành Thuế đã tích hợp tổng số 150 thủ tục hành chính về thuế lên cổng dịch vụ công quốc gia, góp phần công khai minh bạch các thông tin liên quan đến thủ tục hành chính, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công theo nhu cầu sử dụng, hạn chế tiếp xúc giữa người nộp thuế và cán bộ thuế.
“Để tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế trong thời gian thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021, Cục Thuế TP. Hà Nội đã mở hòm thư điện tử để tiếp nhận các thủ tục hành chính về cấp, bán hóa đơn, ấn chỉ. Việc tiếp nhận các thủ tục hành chính về cấp, bán hóa đơn, ấn chỉ qua email và trả kết quả được công khai trên website của cục thuế” - ông Trường cho biết.
Cũng theo lãnh đạo Cục Thuế TP. Hà Nội, trong 8 tháng đầu năm 2021, Cục Thuế TP. Hà Nội đã gửi trên 800.000 thư điện tử (đôn đốc nộp thuế, thông báo nợ thuế 07/QLN, thông báo kê khai sai, phổ biến cập nhật văn bản chính sách mới...) đến người nộp thuế. Mỗi lần tự động xử lý gửi, nhận tức thời hàng trăm ngàn email trong thời gian tính bằng phút./.
Nhật Minh