Doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội gia hạn thuế để vượt khó

01/05/2021 10:32:41 AM
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, luật sư Nguyễn Đức Nghĩa - Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật của Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cho rằng: Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ về thuế. Doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội này để vượt qua khó khăn sau đại dịch Covid-19.

 

Chính sách gia hạn nộp thuế giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để vượt qua khó khăn.
Chính sách gia hạn nộp thuế giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để vượt qua khó khăn. Ảnh: Nhật Minh
 

* PV: Thưa ông, vừa qua để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về thuế. Ông đánh giá những chính sách này tác động như thế nào đến cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay?

- Ông Nguyễn Đức Nghĩa: Dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp. Sự đóng cửa của hệ thống thương mại quốc tế, cùng sự đứt gãy nguồn cung đã đẩy hàng loạt doanh nghiệp đến mức khó khăn chưa từng có. Điều này khiến cho hàng loạt doanh nghiệp phải hạn chế sản xuất kinh doanh, giảm lao động, thiếu vốn kinh doanh. Do đó, các chính sách hỗ trợ về thuế đã thực sự là nguồn cứu cánh kịp thời, thể hiện sự quan tâm, đồng hành của Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp. Việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất để giúp doanh nghiệp ổn định dòng tiền, có thêm nguồn lực thanh toán tiền mua hàng và trả lương cho người lao động.

 Ông Nguyễn Đức Nghĩa

 Ông Nguyễn Đức Nghĩa

Ngay khi ban hành, hàng loạt doanh nghiệp đã nhanh chóng thực hiện việc đăng ký gia hạn thuế, chủ yếu là gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp và gia hạn thuế giá trị gia tăng, bởi đây là các sắc thuế có số thu lớn, ảnh hưởng nhiều đến dòng tiền của doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp được Hiệp hội doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh khảo sát đều đánh giá cao ý nghĩa to lớn của gói hỗ trợ gia hạn thuế và hy vọng sẽ tiếp tục được hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

* PV: Ngoài chính sách như gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, Tổng cục Thuế cũng đã có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp như: hạn chế thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở doanh nghiệp, khoanh nợ, xóa nợ thuế... Ông đánh giá như thế nào về chính sách này của ngành Thuế?

- Ông Nguyễn Đức Nghĩa: Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tập trung sản xuất kinh doanh, Tổng cục Thuế cũng đã có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp như: hạn chế thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở doanh nghiệp, khoanh nợ, xóa nợ thuế... Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao các chính sách này vì đã giúp doanh nghiệp khá nhiều trong thời Covid-19 như hiện nay.

“Các chính sách có thể không tiếp cận hết các ngành nghề, các địa phương đặc thù, cần có sự điều chỉnh. Do đó, các doanh nghiệp nên tham gia các hội doanh nghiệp địa phương, hội ngành nghề nhằm chuyển tải các khó khăn, các vấn đề đặc thù của mình, của ngành mình, của địa phương mình nhằm giúp cơ quan quản lý hoàn thiện chính sách, đưa chính sách về gần với cuộc sống nhiều hơn”. Ông Nguyễn Đức Nghĩa
 

  Tuy nhiên, việc thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần có sự kiểm tra của cơ quan thuế, nhằm không buông lỏng các quy định quản lý thuế; đồng thời đảm bảo cho các chính sách hỗ trợ được thực hiện ở các địa phương. Ví dụ như việc thực hiện quy định của Thông tư 69/2020/TT-BTC quy định hồ sơ và trình tự, thủ tục xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội đang có rất ít doanh nghiệp tiếp cận được.

* PV: Có ý kiến cho rằng, để vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh, cộng đồng doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, cũng như các chính sách hỗ trợ khác về thuế để tập trung nguồn lực phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy vậy, một số doanh nghiệp chưa từng tiếp cận được chính sách hỗ trợ. Ông có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp?

- Ông Nguyễn Đức Nghĩa: Chính sách hỗ trợ về thuế đã được ban hành, nhưng khá nhiều doanh nghiệp vẫn than phiền là chưa tiếp cận được. Điều đó xảy ra với các đơn vị có bộ phận kế toán quản trị không hiệu quả, hoặc các doanh nghiệp ít tiếp cận với pháp luật một cách chuyên nghiệp, chính thức. Do đó, đòi hỏi doanh nghiệp phải xây dựng đội ngũ kế toán mạnh, hiệu quả, hiểu biết pháp luật và nhanh chóng nắm rõ việc áp dụng pháp luật mới vào hoạt động kinh doanh, nhằm tận dụng tối đa những lợi ích của chính sách thuế.

Đối với các đơn vị có quy mô nhỏ, nhân sự kế toán thường xuyên thay đổi thì nên sử dụng dịch vụ của các đại lý thuế, các công ty luật có uy tín, hoặc trung tâm pháp luật của các hiệp hội. Nhờ các dịch vụ này, doanh nghiệp sẽ tiếp cận các chính sách thuế hiệu quả hơn, tận dụng được cơ hội giảm thuế, gia hạn nộp thuế để vượt qua khó khăn.

Trong quá trình thực hiện, các chính sách có thể không tiếp cận hết các ngành nghề, các địa phương đặc thù, cần có sự điều chỉnh. Do đó, các doanh nghiệp nên tham gia các hội doanh nghiệp địa phương, hội ngành nghề nhằm chuyển tải các khó khăn, các vấn đề đặc thù của mình, của ngành mình, của địa phương mình nhằm giúp cơ quan quản lý hoàn thiện chính sách, đưa chính sách về gần với cuộc sống nhiều hơn. 

* PV: Xin cảm ơn ông!

Cần triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ

Theo đại diện Đại lý thuế Trí Nguyễn, chương trình kích thích kinh tế lần 1 gồm 4 gói hỗ trợ là: hỗ trợ tài khóa liên quan đến thuế; gói hỗ trợ tiền tệ - tín dụng liên quan đến lãi suất; gói an sinh - xã hội liên quan đến giãn thời hạn đóng bảo hiểm xã hội và vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động; các gói hỗ trợ khác gồm việc giảm giá tiền điện và viễn thông...

Gói hỗ trợ lần 1 cho thấy ngoài các tác động tích cực còn có một số vấn đề cần xem xét, như số doanh nghiệp được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không nhiều do không có lợi nhuận kinh doanh, lãi suất tiền vay vẫn quá chênh lệch so với lãi sất tiền gửi, các điều kiện hưởng hỗ trợ gói an sinh thiếu thực tế, khó thực hiện… Vị này kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.           

Gia hạn về thuế giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để tái đầu tư

Ông Trần Ngọc Sinh - Giám đốc bán hàng Công ty CP Tập đoàn Tiến Bộ (Thái Nguyên) cho biết, dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề lên thị trường bất động sản, khiến cho các hoạt động rơi vào trạng thái “ngủ đông”. Việc Chính phủ quyết định bổ sung hoạt động kinh doanh bất động sản vào danh sách các đối tượng được hưởng gia hạn nộp thuế là tín hiệu đáng mừng, hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp bất động sản đỡ sức ép về tài chính để vượt qua khó khăn.

“Chính sách hỗ trợ của Nhà nước có thể phù hợp với quy mô, điều kiện của doanh nghiệp này, tuy nhiên cũng có những doanh nghiệp chưa tận dụng được chính sách hỗ trợ, vẫn còn khó khăn. Đối với Công ty CP Tập đoàn Tiến Bộ, qua việc hướng dẫn của các ngành, các cấp trên địa bàn, chúng tôi tận dụng tối đa được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra những sản phẩm chất lượng phục vụ người tiêu dùng” - ông Sinh nói.

Cũng theo ông Sinh, các chính sách hỗ trợ kịp thời của Nhà nước như liều thuốc trợ lực giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính triển khai những công việc trước mắt, duy trì công ăn việc làm cho người lao động, qua đó kích cầu tiêu dùng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

 

 

Theo Thơì báo tài chính