Ngành Thuế không để sót, lọt nguồn thu

11/29/2018 09:03:08 AM
Sáng 16/11, tại Hà Nội, Tổng cục Thuế tổ chức họp báo nhằm làm rõ thêm một số vấn đề dư luận, đại biểu Quốc hội quan tâm trong Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi).
Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: HH
Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: HH

 

Bổ sung quy định để không chồng chéo

Tại cuộc họp báo, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết, Dự án Luật Quản lý thuế sửa đổi trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp này có phạm vi sửa đổi rộng, bổ sung nhiều nội dung mới, với 108/120 điều dự kiến được sửa đổi và bổ sung 32 điều mới.

Ông Huy cho biết, trong các phiên thảo luận gần đây tại Quốc hội, đa số ý kiến nhất trí với quy định cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước (KTNN) thực hiện thanh tra, kiểm toán các hoạt động đối với cơ quan quản lý thuế theo quy định của pháp luật về KTNN, về thanh tra, về quản lý thuế và các quy định của pháp luật có liên quan.

Có một số ý kiến đề nghị xem xét lại quy định của dự thảo luật trong trường hợp có sự khác nhau giữa cơ quan thanh tra, kiểm toán với cơ quan quản lý thuế. “Theo quy định hiện hành cơ quan KTNN chỉ kiểm toán đối với các đơn vị có sử dụng vốn ngân sách nhà nước (NSNN). Hiện nay, được biết KTNN đang đề xuất mở rộng đối tượng kiểm toán bằng nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để quy định chi tiết Điều 4, Điều 55 của Luật KTNN theo hướng KTNN thực hiện kiểm toán tổ chức, đơn vị có nghĩa vụ nộp NSNN. Vấn đề này sẽ được Quốc hội xem xét cho ý kiến. Do đó, Luật Quản lý thuế sửa đổi không quy định nội dung này”, ông Huy nói. Cũng theo ông Huy, Luật Quản lý thuế chỉ quy định việc xử lý kết luận của thanh tra, KTNN khi thanh tra, kiểm toán cơ quan quản lý thuế và có kết luận, kiến nghị về nghĩa vụ thuế của người nộp thuế (NNT). Hay nói cách khác, là giải quyết mối quan hệ giữa cơ quan quản lý thuế, NNT và các cơ quan có liên quan.

Ông Huy khẳng định, Ban soạn thảo hoàn toàn đồng tình với ý kiến các đại biểu Quốc hội: Trường hợp cơ quan thanh tra, kiểm toán thực hiện thanh tra, kiểm toán các hoạt động đối với cơ quan quản lý thuế, trong đó có hoạt động đối chiếu nghĩa vụ của NNT thì cơ quan quản lý thuế phải thực hiện theo kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm toán. Vấn đề đặt ra là việc thực hiện phải được xử lý bằng quyết định hành chính và nghĩa vụ thực hiện ở đây là NNT. Vì trên thực tế, khi kiểm toán, thanh tra tại cơ quan thuế, cơ quan thanh tra hoặc KTNN chỉ thực hiện đối chiếu nghĩa vụ của NNT thông qua các hồ sơ mà NNT nộp cho cơ quan thuế theo cơ chế tự khai, tự nộp và việc kiểm toán tại trụ sở cơ quan quản lý thuế chỉ lập biên bản kiểm tra, đối chiếu số liệu với NNT tại cơ quan quản lý thuế thì tính hiệu lực pháp lý chưa cao.

Hiện nay, theo quy định của Luật Quản lý thuế, doanh nghiệp (DN) tự khai, tự tính, tự nộp thuế, cơ quan thuế thông qua phân tích cơ sở dữ liệu tiêu chí quản lý rủi ro để lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Hàng năm thực hiện thanh tra, kiểm tra 18-20% số lượng DN. Trong trường hợp ban hành quyết định thanh tra, kiểm tra tại trụ sở NNT, có kết luận và quyết định xử lý thì khi không thống nhất, NNT có quyền khiếu nại và khởi kiện. Cụ thể: NNT có quyền khiếu nại 2 lần (lần 1 với cơ quan quản lý thuế ra quyết định xử lý thuế, lần 2 với cơ quan quản lý thuế cấp trên), trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì NNT có quyền khởi kiện cơ quan quản lý thuế ra toà án.

Ông Huy cho biết, liên quan đến vấn đề này, Ban soạn thảo sẽ phối hợp với Ủy ban Tài chính ngân sách và các cơ quan liên quan để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 7, theo hướng: Tạo thuận lợi cho cơ quan thanh tra, kiểm toán hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, không chồng chéo; đảm bảo quy định đúng Hiến pháp, không mâu thuẫn với Luật Thanh tra, Luật Kiểm toán; phù hợp với tổ chức bộ máy nhà nước; đảm bảo quyền lợi hợp pháp của NNT; đảm bảo cơ sở pháp lý cho cơ quan quản lý thuế thực hiện đúng pháp luật thuế, pháp luật quản lý thuế và pháp luật khác có liên quan.

Cơ quan thuế và kiểm toán phối hợp trong thanh kiểm tra

Cũng liên quan đến nội dung này, tại buổi họp báo, ông Phạm Ngọc Lai - Quyền Vụ trưởng Vụ Thanh tra (Tổng cục Thuế) cho biết, việc thanh tra của cơ quan thuế hiện nay được thực hiện theo Luật Thanh tra và Luật Quản lý thuế. Theo đó, hàng năm các cục thuế phải lập kế hoạch và được Tổng cục Thuế phê duyệt mới được thanh tra.

Ông Lai cho biết, có một thực tế hiện nay là KTNN cũng có kế hoạch thanh tra đối với các địa phương về thu NSNN. Trong quá trình thực hiện kiểm toán tại các địa phương, KTNN cũng đề nghị cơ quan thuế chuyển danh sách các đơn vị mà ngành Thuế đã có kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các cục thuế đã được Tổng cục Thuế phê duyệt cho cơ quan kiểm toán.

“Điều này khiến cho việc xác định rủi ro thấp đi, vì những DN có rủi ro cao chúng tôi  đưa vào ngay từ ban đầu đã được cơ quan KTNN thực hiện kiểm tra. Do đó, chúng tôi phải bổ sung thêm các DN khác, và như thế thì mức độ rủi ro (sai phạm về thuế) sẽ thấp hơn đối tượng đã được lựa chọn trước đó”, ông Lai nói.

Đại diện cơ quan thanh tra thuế cũng khẳng định, khi đã đưa vào kế hoạch thanh tra theo phương pháp quản lý rủi ro, 100% DN thanh tra, kiểm tra đều có sai sót về thuế. Điều này cho thấy việc xác định rủi ro của cơ quan thuế là hoàn toàn chính xác và có cơ sở. Không có chuyện bỏ sót nguồn như thông tin đã nêu.

Bên cạnh đó, theo ông Lai, việc truy thu số tiền sau thanh tra, kiểm tra của mỗi cơ quan khác nhau, phụ thuộc vào đối tượng thanh tra. “Số truy thu từ các cuộc thanh tra, kiểm tra do Tổng cục Thuế thực hiện thường lớn hơn số truy thu từ các cuộc thanh tra, kiểm tra của cục thuế, vì đối tượng DN có số nộp ngân sách lớn hơn, nên nếu có sai phạm về thuế thì số tiền truy thu, phạt cũng lớn hơn. Vì thế, nói về tỷ lệ truy thu, phạt sau thanh tra, kiểm tra của cơ quan nào lớn hơn là rất khó”, ông Lai nói.

Cũng tại cuộc họp báo, ông Thành Xuân Lý - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Tổng cục Thuế) cho biết, trong những năm từ 2013 - 2017, toàn ngành Thuế phát sinh khoảng 250 vụ kiện hành chính về thuế. Trong đó số vụ kiện phát sinh từ các kết luận của Thanh tra Chính phủ và KTNN khoảng 12 vụ.

“Trong 12 vụ có liên quan đến các kết luận của Thanh tra Chính phủ và KTNN có 1 vụ cơ quan thuế bị kiện liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ tại Thừa Thiên Huế, 11 vụ còn lại liên quan đến kết luận của KTNN tại các cục thuế: TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk”, ông Lý cho biết thêm.

Giải thích về tỷ lệ DN sai sót mà cơ quan KTNN phát hiện cao, ông Lai cho biết, trong quá trình cơ quan KTNN kiểm tra hồ sơ khai thuế của DN, có trường hợp NNT khai thiếu, nhưng sau đó DN khai bổ sung theo quy định của pháp luật. Mặt khác, theo quy định của Luật Quản lý thuế, đến 31/3 của năm sau mới là thời điểm cuối cùng DN phải quyết toán thuế, nhưng cơ quan KTNN kết luận đến 31/12 năm trước, nên tỷ lệ sai sót sẽ nhiều hơn.

 

Theo Thời báo Tài chính