Tọa đàm về GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN ĐẠI LÝ THUẾ

04/20/2015 09:36:03 AM
Sáng 16/4/2015 tại Cục Thuế Hà Nội, Hội tư vấn Thuế Việt Nam phối hợp cùng Cục Thuế Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm về “Giải pháp phát triển Đại lý thuế ở Hà Nội”

 

Đã có trên 100 đại biểu đến dự buổi tọa đàm, gồm có:

 

- Đại diện Hội tư vấn Thuế Việt nam: Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế; ông Nguyễn Đình Cư – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký;

 

- Đại diện Tổng Cục Thuế: Bà Tào Thị Hoàng Anh, Vụ trưởng Vụ TT-HT; Ông Nguyễn Quang Tiến  – Vụ trưởng Ban Cải cách;

 

- Đại diện Cục Thuế Hà Nội:  Ông Thái Dũng Tiến, Phó Cục trưởng Cục Thuế, Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Trưởng phòng TT-HT  cùng lãnh đạo các phòng Kiểm tra, Kê khai, lãnh đạo 30 Chi cục Thuế.

 

- 53 Đại lý thuế trên địa bàn Hà Nội.

 

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Thái Dũng Tiến nhận định: thời gian qua, Chính phủ và Bộ Tài chính đã rất quan tâm tới phát triển ĐLT thể hiện tại các văn bản: Chiến lược cải cách và hiện đại hóa hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011; Kế hoạch phát triển hệ thống đại lý thuế đến năm 2020 tại Quyết định số 420/QĐ-BTC ngày 03/3/2014 của Bộ trưởng Tài chính. Tuy nhiên số lượng ĐLT trên địa bàn Hà Nội vẫn còn rất ít cả về tổ chức và cá nhân có chứng chỉ hành nghề ĐLT.

 

Lãnh đạo Cục Thuế Hà nội đánh giá các nguyên nhân thực trạng trên là: cơ sở pháp lý cho hoạt động ĐLT chưa rõ ràng; ý thức tuân thủ pháp luật của NNT còn thấp; các doanh nghiệp sợ lộ bí mật kinh doanh khi sử dụng dịch vụ của ĐLT;  cán bộ thuế chưa tạo điều kiện cho ĐLT làm việc…

 

Trong bài phát biểu của mình, Bà Nguyễn Thị Cúc đã nêu ra tổng quan về chính sách phát triển ĐLT hiện hành. So với các mục tiêu tổng quan, thực tế hoạt động của Đại lý thuế chưa đáp ứng yêu cầu  đặt ra: tính đến nay toàn quốc có mới chỉ có 222 đại lý thuế ở  30 tỉnh, thành phố và tập trung tại một số tỉnh, thành phố lớn như Hà nội, tp Hồ Chí Minh.

 

Bà Cúc cũng chỉ ra yêu cầu đối với tổ chức, cá nhân làm ĐLT: muốn phát triển được, các ĐLT phải vừa tinh thông nghiệp vụ thuế, hiểu rõ kế toán tài chính doanh nghiệp, phải được cập nhật kiến thức thường xuyên về chính sách thuế nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ; đồng thời phải trau dồi phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, không thỏa hiệp với NNT để gian lận, giảm nghĩa vụ thuế, trốn thuế; trung thực, khách quan trong hành nghề.

 

Ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng Ban cải cách Tổng cục Thuế phát biểu tham luận cũng đã nêu ra mục tiêu xã hội hóa ĐLT phát triển hệ thống đại lý thuế đến năm 2020, các giải pháp và lộ trình thực hiện kế hoạch trong giai đoạn 2015 – 2020, trong đó năm 2015 sẽ ban hành Nghị định, từ 2016-2020 sẽ ban hành Luật ĐLT.

 

Trong phần tọa đàm, các ĐLT phát biểu cho biết họ rất phấn khởi và hào hứng tham gia buổi tọa đàm và đây là lần đầu tiên Cục Thuế Hà Nội tổ chức tọa đàm với ĐLT trên địa bàn, điều đó thể hiện đã có sự chuyển biến trong công tác ĐLT. Tuy nhiên sự chuyển biến này cần tiếp tục được phát triển đến từng cán bộ Thuế.

 

Các ĐLT đề nghị ngành thuế cần tăng cường các giải pháp hỗ trợ Đại lý thuế như:

 

- Thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm và phối hợp với ĐLT hướng dẫn chính sách thuế cho doanh nghiệp: có chương trình đào tạo cập nhật, tập huấn chính sách thuế cho ĐLT; nên phối hợp với Đại lý thuế trong việc hướng dẫn chính sách thuế cho DN, thông qua đó DN biết được năng lực của ĐLT và tin cậy ĐLT trong việc ký kết hợp đồng thực hiện các dịch vụ kê khai thuế;

 

- Công khai danh sách đại lý thuế tại trụ sở cơ quan thuế và giới thiệu ĐLT với doanh nghiệp có yêu cầu giải thể hoặc hợp đồng với ĐLT làm dịch vụ về  thuế:

 

Để thực hiện được  Điều 12b. Thông tư số 151/2014 của Bộ Tài chính về Cơ chế đặt hàng của cơ quan thuế, ngành thuế cần có giải pháp giúp  ĐLT biết, tiếp cận được với DN có yêu cầu giải thể, cần có hướng dẫn rõ ràng về việc Cơ quan Thuế hợp đồng với ĐLT và xây dựng bước đi phù hợp do nguồn tiền từ ngân sách không lớn; nên ban hành khung gía cho các dịch vụ ĐLT cơ bản góp phần thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh giữa các ĐLT;

 

- Nên mở rộng đối tượng miễn thi là các cá nhân đã có chứng chỉ kiểm toán viên hành nghề Việt nam do Bộ Tài chính cấp như đã thực hiện với người có giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của Bộ Tài chính.

 

- Phần mềm hỗ trợ kê khai chưa phù hợp và hỗ trợ các ĐLT: ĐLT chưa thể sử dụng mã số kết nối mạng kê khai điển tử của mình để nộp tờ khai cho NNT, với mỗi khách hàng, ĐLT phải sử dụng Token của khách để đăng nhập khi nộp tờ khai, dẫn tới mất nhiều thời gian.

 

- Cán bộ thuế chưa hỗ trợ cho ĐLT: mặc dù NNT đã kê khai quan ĐLT nhưng cán bộ thuế vấn liên lạc trực tiếp với NNT khi cấn trao đổi, cung cấp thông tin. Dẫn tới NNT không tin tưởng, ngại sử dụng dịch vụ của ĐLT.

 

Tiếp thu ý kiến của các Đại lý thuế, Bà Tào Hoàng Anh, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền – Hỗ trợ NNT của Tổng cục Thuế  cho biết: hiện nay Tổng cục Thuế đang gấp rút nghiên cứu, soạn thảo trình Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư 117/2012 về hoạt động đại lý thuế. Một số nội dung sửa đổi quan trọng như: Tăng số lượng kỳ thi lấy chứng chỉ thuế hàng năm; Mở rộng đối tượng dự thi; Thay đổi hình thức thi theo hướng thi trên internet; Có hướng nghiên cứu chuyển việc tổ chức thi cho Hội nghề nghiệp;  Xây dựng cơ chế phối hợp với ĐLT và sẽ thực hiện khảo sát đánh giá chất lượng đại lý thuế để có đánh giá về hiện trạng hoạt động ĐLT, có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ĐLT tạo điều kiện cho ĐLT phát triển.

 

Bà Nguyễn Thị Cúc tổng kết buổi tọa đàm đã cảm ơn Cục Thuế, các Vụ thuộc Tổng cục Thuế luôn đồng hành cùng Hội trong cải cách thủ tục hành chính thuế.

 

Bà Cúc cũng nhận định: mục tiêu hướng tới về số lượng ĐLT chỉ là một tiêu chí. Vấn đề đặt ra là ai sử dụng họ? thực tế số doanh nghiệp sử dụng dịch vụ ĐLT còn rất thấp so với yêu cầu tại QĐ 420 của Bộ Tài chính; có thể chế, có quyết tâm nhưng chưa lan tỏa tới cán bộ thuế các cấp, đó là nguyên nhân làm cho ĐLT chậm phát triển.

 

Chủ tịch Hội Tư vấn thuế tổng hợp và đưa ra các đề xuất:

 

+ Cần tạo lập mối quan hệ, diễn đàn trao đổi với ĐLT thông qua trang tin điện tử của Tổng cục Thuế và các cục Thuế. Hội Tư vấn thuế sẽ tích cực phối hợp với Tổng cục thuế, các Cục thuế địa phương tổ chức nhiều hơn các tọa đàm, các lớp cập nhật kiến thức cho các ĐLT và hội viên của Hội.

 

+ Hội tư vấn Thuế đã thường xuyên trao đổi, giải đáp vướng mắc, cập nhật văn bản chính sách thuế mới, bản tin thuế hàng tuần cho Hội viên của Hội. Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ hội viên.

 

+ Cần tăng thêm quyền cho ĐLT, không chỉ làm dịch vụ tờ khai mà phải làm cả dịch vụ kế toán và thuế.

 

+ Việc phát triển ĐLT rất cần có sự tuyên truyền và hỗ trợ của ngành Thuế. Cục Thuế đặc biệt Chi cục thuế và đội thuế, cần quan tâm tới các ĐLT. Hoạt động ĐLT có hiệu quả là góp phần tạo môi trường minh bạch, rõ ràng hơn cho DN.

 

+ Hội sẽ tập hợp các ý kiến đề xuất, kiến nghị của các ĐLT, báo cáo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và Cục Thuế để tiếp tục nghiên cứu giải quyết.

 

( Tải về bài phát biểu của bà Nguyễn Thị Cúc tại Buổi tọa đàm)

Theo VTCA