Cục Thuế Điện Biên sáp nhập các chi cục thuế từ 1/7

06/08/2018 10:16:55 AM
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Quang Hiều - Cục trưởng Cục Thuế Điện Biên cho biết, theo Kế hoạch sắp xếp, sáp nhập các chi cục thuế của Tổng cục Thuế đã được Bộ Tài chính phê duyệt, từ 1/7/2018, Cục Thuế Điện Biên sẽ tiến hành ngay việc sáp nhập các chi cục thuế.
cục thuế điện biên
Bộ phận "một cửa" của Cục Thuế Điện Biên. Ảnh: NM.

 

PV: Theo kế hoạch đã được Bộ Tài chính phê duyệt, từ 1/7 các cục thuế phải triển khai sắp xếp, sáp nhập các chi cục thuế quận, huyện, thị xã, thành phố thành chi cục thuế khu vực. Xin ông cho biết kế hoạch triển khai của Cục Thuế Điện Biên thế nào?

- Ông Nguyễn Quang Hiều: Thực hiện kế hoạch được Bộ Tài chính phê duyệt, Cục Thuế Điện Biên đã hoàn thiện Đề án thành lập chi cục thuế khu vực thuộc Cục Thuế Điện Biên giai đoạn 1 (năm 2018).

Theo đó, từ 1/7/2018 sẽ thực hiện sáp nhập Chi cục Thuế thị xã Mường Lay với Chi cục Thuế huyện Mường Chà. Sau khi sáp nhập, Chi cục Thuế khu vực Mường Chà - Mường Lay sẽ quản lý trên địa bàn có diện tích tự nhiên 1.313,45 km²; dân số 59.099 người; 1 thị trấn, 2 phường và 12 xã.

PV: Căn cứ nào để Cục Thuế Điện Biên lựa chon thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập hai chi cục thuế là Mường Chà và Mường Lay đầu tiên?

 
 
Từ 1/7/2018 sẽ thực hiện sáp nhập Chi cục Thuế thị xã Mường Lay với Chi cục Thuế huyện Mường Chà thành Chi cục Thuế khu vực Mường Chà - Mường Lay...

ông nguyễn quang hiều 

Ông Nguyễn Quang Hiều

 

- Ông Nguyễn Quang Hiều: Căn cứ các quy định về tổ chức bộ máy, căn cứ tình hình thực tế quản lý thu (số thu, số hộ, số doanh nghiệp đang quản lý…) trên địa bàn huyện Mường Chà và thị xã Mường Lay và đặc biệt là khoảng cách địa giới hành chính, dân số, đơn vị hành chính trực thuộc…, Cục Thuế Điện Biên đã quyết định lựa chọn sáp nhập 2 đơn vị thuế này thành Chi cục Thuế khu vực Mường Chà - Mường Lay.

Tôi cho rằng khi sáp nhập 2 chi cục thuế này, không những giảm được đầu mối, tinh giảm bộ máy, mà còn thuận lợi hơn trong việc điều hành. Việc thu thuế sẽ hiệu quả hơn.

PV: Số thu ngân sách sau khi sáp nhập Chi cục Thuế khu vực Mường Chà - Mường Lay sẽ như thế nào, thưa ông?

- Ông Nguyễn Quang Hiều: Chi cục Thuế Thị xã Mường Lay hiện nay đang là đơn vị quản lý địa bàn có số thu thuộc diện khá. Thị xã Mường Lay có điều kiện phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ… Tốc độ phát triển kinh tế giai đoạn 2015 - 2020 là 7%/năm; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 36 triệu đồng/người/năm (theo nghị quyết Đảng bộ thị xã Mường Lay).

Số lượng hộ kinh doanh là 253 hộ, số doanh nghiệp đang quản lý là 25 doanh nghiệp và hợp tác xã. Cơ quan thuế đang thực hiện quản lý 13 khoản thu từ thuế, phí, lệ phí, khoản thu khác. Số thu năm 2017 là hơn 7,1 tỷ đồng. Dự kiến số thu năm 2018 và các năm tiếp theo sẽ tăng khoảng 5%/năm.

Mường Chà là huyện miền núi, ít doanh nghiệp, nếu có thì chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Người dân chủ yếu trồng cây cao su, cây dứa, chăn nuôi gia súc gia cầm, khai thác thuỷ điện… Tốc độ phát triển kinh tế trên địa bàn vào khoảng là 8%/năm; thu nhập bình quân đầu người ước đến 2020 đạt 24,7 triệu đồng/năm (theo nghị quyết Đảng bộ huyện Mường Chà lần thứ 19).

Về tình hình quản lý thuế, hiện Chi cục Thuế huyện Mường Chà đang quản lý 303 hộ kinh doanh, 19 doanh nghiệp; thực hiện 13 khoản thu thuế, phí, lệ phí, thu khác. Số thu năm 2017 của Chi cục Thuế huyện Mường Chà là hơn 30,5 tỷ đồng. Số thu dự kiến năm 2018 tăng so với năm 2017 khoảng 5%/năm.

Như vậy, việc sáp nhập hai chi cục thuế nêu trên thành Chi cục Thuế khu vực Mường Chà - Mường Lay không chỉ đảm bảo việc tinh giản bộ máy, mà số thu dự kiến sẽ tăng lên so với hiện nay.

PV: Qua thực tế triển khai, ông có đề xuất gì để việc sắp xếp, sáp nhập các chi cục thuế thuận lợi, đúng lộ trình đã đề ra?

- Ông Nguyễn Quang Hiều: Do đặc thù địa bàn của Điện Biên là tỉnh miền núi, nên điều kiện giao thông, đi lại khó khăn. Để thuận tiện trong việc quản lý thuế, Cục Thuế Điện Biên đề xuất Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cho phép giữ nguyên trụ sở 2 chi cục thuế, cùng tài sản, các trang thiết bị làm việc, hệ thống công nghệ thông tin để tiếp tục thực hiện công tác quản lý thuế trên địa bàn.

Bên cạnh đó, để việc sắp xếp, sáp nhập các chi cục thuế được tiến hành theo đúng lộ trình, chúng tôi cũng kiến nghị Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy mới để các cục thuế thống nhất thực hiện. Có hướng dẫn cụ thể về việc sắp xếp, bố trí số hợp đồng dôi dư theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP để đơn vị thực hiện, đảm bảo chế độ cho người lao động.

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Theo Thời báo Tài chính