Đề xuất sửa đổi hoàn thiện chính sách thuế

07/27/2018 05:26:25 PM
Ngày 25/7, Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) phối hợp với Trung tâm Thuế và Đầu tư quốc tế (ITIC), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo về một số nội dung đề xuất sửa đổi hoàn thiện chính sách thuế.

 



 

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch VTCA cho biết, việc sửa đổi  các Luật thuế và Luật Quản lý thuế nhằm thể chế hoá quan điểm, chủ trương, chính sách của Nhà nước và Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011 - 2020 đã đề ra. Đồng thời, việc cải cách chính sách thuế cũng để đáp ứng, tương thích với những nội dung ưu đãi mà các luật mới được Quốc hội ban hành như Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Đầu tư.

Nguyên tắc của việc sửa các luật thuế là đảm bảo đúng bản chất của từng sắc thuế, đảm bảo tính nhất quán, rõ ràng, minh bạch, đơn giản, giảm thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh sửa những bất cập  trong quản lý, tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

 

Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch VTCA phát biểu tại hội thảo

Bên cạnh đó, việc sửa luật cũng đảm bảo mục tiêu hội nhập, phù hợp với các cam kết mà Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán... Việc sửa đổi, bổ sung phải đảm bảo đúng bản chất của từng sắc thuế, đảm bảo tính nhất quán, rõ ràng, minh bạch, đơn giản, giảm thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người nộp thuế và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, theo đó tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề bất cập so với thực tế, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Thay mặt cho Công ty kiểm toán Ernst & Young (EY) Việt Nam, bà Hương Vũ - Phó Tổng giám đốc đề xuất một số vấn đề liên quan đến việc đánh thuế chuyển nhượng vốn. Cụ thể: Hiện Luật thuế và các văn bản hướng dẫn hiện hành có quy định cụ thể và rõ ràng việc áp và xác định thuế đối với chuyển nhượng vốn trực tiếp. Kể từ Nghị định 12/2015, Chính phủ đã đưa mở rộng phạm vi đánh thuế sang các giao dịch chuyển nhượng vốn gián tiếp.

Tuy nhiên, theo quan sát của EY, chưa nhiều các nhà đầu tư nước ngoài tự giác kê khai và nộp thuế đối với các giao dịch chuyển nhượng gián tiếp này. Nguyên nguyên một phần là do chưa có hướng dẫn cụ thể cách xác định thu nhập từ chuyển nhượng gián tiếp, đặc biệt trong trường hợp vụ mua bán tại nước ngoài có liên quan đến nhiều quốc gia, không chỉ bao gồm các tài sản tại Việt Nam.

Theo định hướng sửa Luật, Bộ Tài chính đang cân nhắc áp thuế ấn định trên giá chuyển nhượng đối với giao dịch chuyển nhượng vốn. Về định hướng này, EY có ý kiến như sau:

Thứ nhất, việc áp thuế ấn định chỉ nên áp dụng cho giao dịch chuyển nhượng vốn gián tiếp. Việc chuyển nhượng vốn trực tiếp đã và đang thực hiện không có vướng mắc do các thông tin về giao dịch chuyển nhượng có thể xác định dễ dàng căn cứ trên hồ sơ chuyển nhượng, do vậy nên giữ nguyên để đảm bảo sự ổn định của chính sách. Ngoài ra, việc đánh thuế thu nhập trên cơ sở lợi nhuận thực tế bao giờ cũng là phương pháp áp thuế công bằng và minh bạch nhất.

Thứ hai, EY nhất trí với phương án áp thuế ấn định trên giá chuyển nhượng cho giao dịch chuyển nhượng gián tiếp. Tuy nhiên, Bộ Tài chính nên cân nhắc hướng dẫn doanh nghiệp phương pháp xác định giá chuyển nhượng đối với tài sản tại Việt Nam vì có nhiều tình huống việc chuyển nhượng liên quan đến nhiều thị trường/ quốc gia. Ví dụ, có thể xác định dựa trên tỷ lệ giá trị định giá tài sản tại Việt Nam trên tổng giá trị chuyển nhượng. Việc có hướng dẫn rõ ràng sẽ giúp các nhà đầu tư thuận lợi trong việc tuân thủ và nộp thuế tại Việt Nam.

Thứ ba, về mức thuế ấn định 2%, gấp 20 lần thuế suất áp dụng cho chuyển nhượng chứng khoán niêm yết hoặc đăng ký giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán (0,1%) là quá nhiều. EY kiến nghị nên xem xét mức 1% thay vì 2%.

Thứ tư, cần cân nhắc tham khảo thực tiễn quốc tế để xem xét cơ sở loại trừ trường hợp chuyển nhượng vốn do tái cấu trúc nhằm tối ưu hóa quản lý nội bộ doanh nghiệp khỏi các trường hợp phải tuân thủ giá giao dịch thị trường. Nói cách khác, đối với các giao dịch tái cấu trúc không dẫn đến thay đổi về chủ sở hữu tối thượng, doanh nghiệp có thể chuyển nhượng bằng với giá vốn và không phát sinh thu nhập từ tái cấu trúc. Chính sách này tạo điều kiện để các tập đoàn không chỉ nước ngoài mà cả tại Việt Nam thực hiện với tái cấu trúc với chi phí thấp nhất.

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Luật sửa đổi các luật thuế cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng về chi phí lợi ích, chẳng hạn thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt? Tăng thuế với thuốc lá? Thuế chuyển nhượng vốn?
Một nghiên cứu gần đây của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) về đề xuất đánh thuế với nước ngọt đã đưa ra kiến nghị, cần xây dựng cách tiếp cận toàn diện, tổng hợp, sâu sắc về vấn đề; cân nhắc thấu đáo lợi ích và chi phí về kinh tế. Các giải pháp thuế cần được đánh giá, cân nhắc kỹ để không gây những tác động, chi phí cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân.

Đồng thời, cơ quan thuế nên có lộ trình áp dụng chính sách thuế mới đủ dài để doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

 

Ông Wayne Barford - Cố vấn Cao cấp, International Tax and Investment Center
chia sẻ tại Hội thảo
 
Cũng tại hội thảo, ông Wayne Barford - Cố vấn Cao cấp, International Tax and Investment Center đã có bài tham luận về kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng hệ thống chính sách thuế, cả thuế trực thu, thuế gián thu. Ông cho rằng, để thực hành thuế tốt nhất cần đảm bảo nguyên tắc đơn giản, nhất quán và minh bạch. Trong đó, minh bạch tức là các cơ quan thuế cần ban hành các hướng dẫn cùng với các quy định pháp luật và nêu rõ các cơ sở cho việc thay đổi.  
Bên cạnh đó, cần phối hợp/tham vấn các đơn vị, tổ chức liên quan và ngành hàng phản hồi và đánh giá, tránh tình trạng tăng thuế một cách đột ngột. Bởi việc tăng thuế đột ngột dễ dẫn đến tình trạng trốn thuế.

Ngoài ra, ông Wayne Barford lưu ý, cùng với việc duy trì mức thuế suất tương xứng với khả năng chi trả, cần tạo văn hóa nộp thuế ở cả trường học, bệnh viện, giao thông và các cơ sở hạ tầng khác. Chính sách thuế không nên áp dụng cho các dịch vụ xã hội.