Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi): Cụ thể hóa trách nhiệm, quyền hạn của các bộ, ngành

11/12/2018 08:47:44 AM
Tờ trình về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) vừa được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày trước Quốc hội trong phiên họp ngày 8/11. Đây là lần sửa đổi toàn diện, hoàn chỉnh Luật Quản lý thuế sau hơn 10 năm thực thi.
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại buổi lễ
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi).
 

Quy định rõ trách nhiệm các cơ quan liên quan về quản lý thuế 

Theo tờ trình, việc xây dựng Luật Quản lý thuế (sửa đổi) ở thời điểm hiện nay là nhằm mục đích tạo cơ sở cho quản lý thuế hiện đại, tiếp cận tới những chuẩn mực, thông lệ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, cho cơ quan quản lý thuế thực hiện nghiêm quyền, nghĩa vụ của người nộp thuế; quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế theo quy định pháp luật, tích cực phòng chống tham nhũng, tiêu cực. 

Theo đó, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung các nội dung lớn như khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp; quản lý hoá đơn, chứng từ; áp dụng hoá đơn điện tử; hợp tác quốc tế về thuế; quản lý thuế trong thương mại điện tử, quản lý giao dịch liên kết; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan liên quan đến quản lý thuế… 

Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo luật là về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan liên quan đến quản lý thuế. Khác với luật hiện hành, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã thiết kế chương riêng (Chương II) về nội dung này và quy định rõ về quyền hạn, trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan theo hướng phối hợp thực hiện quản lý thuế theo chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, ngành.

Cụ thể như, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm phối hợp trong việc đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thuế theo cơ chế “một cửa liên thông”; phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong việc chống chuyển giá đối với các dự án đầu tư làm ảnh hưởng đến nghĩa vụ thuế; thực hiện các quy định pháp luật về ưu đãi đầu tư. Bộ Công thương có trách nhiệm kết nối, cung cấp thông tin liên quan để phối hợp với Bộ Tài chính trong quản lý thuế đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử. 

Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia, các tiện ích tích hợp thanh toán điện tử để sử dụng rộng rãi cho các mô hình thương mại điện tử; thiết lập cơ chế quản lý, giám sát các giao dịch thanh toán hỗ trợ công tác quản lý thuế đối với hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trong thương mại điện tử…

Luật hiện hành quy định ngân hàng thương mại có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý thuế trong việc thu, nộp thuế, khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của người nộp thuế, cung cấp thông tin, phong tỏa tài khoản... theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế. Dự thảo luật đã bổ sung các quy định như khấu trừ, nộp thay tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; cung cấp thông tin để quản lý thuế phù hợp với việc quản lý thuế theo phương thức điện tử, đồng bộ trong phát triển chính phủ điện tử và đảm bảo phù hợp với pháp luật về an toàn thông tin, an ninh mạng.

Cân nhắc về vai trò của hội đồng tư vấn thuế xã, phường

Thẩm tra về nội dung này, Ủy ban Tài chính ngân sách (UBTCNS) đề nghị bổ sung những nội dung quy định cụ thể hơn về nhiệm vụ, trách nhiệm của các bộ, ngành trong quản lý thuế về chống chuyển giá, gửi giá, trốn thuế, xử lý nợ đọng, truy thu thuế, cưỡng chế về thuế, đặc biệt là bổ sung trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc chống chuyển giá, Ngân hàng Nhà nước trong việc cưỡng chế tiền nợ thuế, phong tỏa tài khoản, Bộ Thông tin và Truyền thông trong quản lý hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng, Bộ Công thương trong quan hệ thương mại điện tử. 

Về hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn, đa số ý kiến đề nghị cần quy định trách nhiệm đối với hội đồng tư vấn khi thực hiện nhiệm vụ để tránh tư vấn sai, không phù hợp, gây thất thoát nguồn thu cho ngân sách hoặc thiệt hại cho người nộp thuế. Đồng thời, dự thảo bổ sung đại diện của hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn trong thành phần của hội đồng tư vấn thuế để đảm bảo quyền và lợi ích của người dân. Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu, cân nhắc có cần tồn tại tổ chức này hay không.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND các cấp, UBTCNS đề nghị bổ sung nội dung phối hợp giữa cơ quan thanh tra các cấp, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý, thực hiện pháp luật về thuế và quản lý thuế. Đồng thời, UBTCNS cũng đề nghị chỉnh sửa lại một số khoản về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thanh tra… liên quan đến nội dung quản lý thuế. 

Theo chương trình, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) tại tổ vào sáng 12/11 và thảo luận tại hội trường vào sáng 16/11./.

 

* ĐBQH Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:

Xóa nợ để có “bức tranh” thực hơn về tình hình tài chính

 Vũ Đình Ánh
Ông Đỗ Văn Sinh

Tổng số nợ thuế ngành Thuế quản lý tính đến 30/9/2018 là gần 83 nghìn tỷ đồng, trong đó, tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi (của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự,...) lên đến gần 35 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 42% tổng số tiền thuế nợ. Trong số gần 35 nghìn tỷ đồng nợ khó đòi, có đến 12 nghìn tỷ là “nợ chồng nợ”, nghĩa là tiền nợ thuế phát sinh từ phạt chậm nộp. Nếu loại trừ số nợ thuế của các đối tượng không có khả năng thu này trong tổng số nợ thuế, thì tỷ lệ nợ thuế thấp hơn 5%, là ngưỡng được chấp nhận.

Vừa qua, các đại biểu Quốc hội đã được cung cấp thông tin, nhưng chúng ta cần tiếp cận một cách toàn diện, phải nhìn nhận một cách khách quan từ thực tiễn, để có giải pháp phù hợp. 

Tôi cho rằng, với các khoản nợ không thể thu được thì không nên để trên sổ sách cho vướng bận, để chúng ta có thể nhìn thấy một “bức tranh” tài chính lành mạnh. Tuy nhiên, cần thực hiện công khai, minh bạch, có tiêu chí xóa nợ và đối tượng cụ thể để đỡ khó cho cơ quan quản lý cũng như đối tượng thực hiện.


* Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh:

Rà soát chặt các trường hợp trước khi xóa nợ thuế

 Vũ Đình Ánh
Ông Vũ Đình Ánh

Tôi cho rằng, đề xuất của Bộ Tài chính về xử lý xóa nợ, khoanh các khoản nợ không còn đối tượng để thu, không có khả năng thu hồi là phù hợp, bởi đó phần lớn là các khoản nợ trong thời gian rất dài không thể thu hồi. Tuy nhiên, để thực hiện công bằng, minh bạch, Bộ Tài chính nên rà soát một cách chặt chẽ, khách quan đối với các trường hợp trước khi có quyết định xóa nợ thuế. 

Về thẩm quyền xóa nợ thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp, dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi, đã quy định rõ thẩm quyền xóa nợ đối với từng trường hợp. Theo tôi, đây là xu thế phù hợp với việc vừa tăng quyền chủ động cho cơ quan quản lý thuế, vừa góp phần xử lý trong thời gian nhanh hơn, hiệu quả hơn các khoản nợ đọng thuế trước nay còn tồn đọng, chưa có cơ chế xử lý. Quy định này cũng làm rõ hơn quyền và trách nhiệm của các cấp quản lý trong công tác quản lý thuế.

Theo tôi, để chấm dứt tình trạng nợ thuế, Bộ Tài chính cần rà soát các cơ chế chính sách trong công tác quản lý thuế. Đối với các cơ chế chính sách có liên quan như việc thành lập, giải thể, phá sản doanh nghiệp…, Bộ Tài chính cần đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung phù hợp, tránh phát sinh nợ thuế khó đòi.

 

Theo Thời báo Tài chính