Hỏi - Đáp (2013.10.11)

10/11/2013 10:57:49 AM

Câu 1:

 

T5/2013 Công ty em có bán hàng và xuất hoá đơn cho khách và bên em đã kê khai thuế. Nhưng cho tới ngày 17/07/2013 khách hàng mới phản hồi lại là do lỗi từ phía khách hàng hóa đơn về tới bộ phận kế toán chậm vì phía bên KH chốt sổ vào cuối tháng nên đề nghị công ty em xuất lại hóa đơn thay thế vào T7/2013. Em định xuất hóa đơn T7/2013 trên hóa đơn vẫn ghi tên hàng và giá trị như hóa đơn trước và em có ghi nội dung xuất thay thế hóa đơn số...ngày của T5 (hóa đơn này em không kê khai doanh thu T7 nũa đồng thời em làm biên bản giữa hai bên nói lý do.... Như vậy đã hợp lý chưa?
Khi báo cáo sử dụng hóa đơn quý thì em phải báo cáo hóa đơn này như
thế nào vì em không kê khai doanh thu của hóa đơn này?

 

Trả lời:

 

Công ty mua hàng của DN bạn có thể thực hiện việc kê khai, khấu trừ bổ sung hóa đơn từ tháng 5/2013 theo quy định tại tiết a, khoản 7, Điều 14. Nguyên tắc khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, TT 06/2012/TT-BTC ngày 11 tháng 1 năm 2012 như sau:
Trường hợp cơ sở kinh doanh phát hiện số thuế GTGT đầu vào khi kê khai, khấu trừ còn sót hoá đơn chưa kê khai, khấu trừ thì được kê khai, khấu trừ bổ sung; thời gian để kê khai, khấu trừ bổ sung tối đa là 6 (sáu) tháng, kể từ tháng phát sinh hoá đơn bỏ sót, trừ trường hợp hướng dẫn tại điểm b khoản này (Trường hợp cơ sở kinh doanh kê khai sót về số thuế GTGT đã nộp ở khâu nhập khẩu)
Theo đó, DN bạn không cần hủy hóa đơn đã xuất trong tháng 5 và không cần xuất lại hóa đơn vào tháng 7.
Khi làm Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn, DN bạn chỉ kê khai hóa đơn đã xuất trong tháng 5 như bình thường.

 

Câu 2:

Công ty chúng tôi có thay đổi địa chỉ từ tháng 5/2013 (cùng cơ quan thuế quản lý). Về hóa đơn đã đặt in thì ngoài phải làm dấu địa chỉ mới đóng bên cạnh địa chỉ cũ trên các liên của hóa đơn thì chúng tôi phải làm các thủ tục gì để nộp cho cơ quan thuế trước ngày 30/6 và sau ngày 1/7 ?

 

Trả lời:

 

Căn cứ khoản 2, Điều 9, TT 64/2013/TT-BTC ngày 15 tháng 5 năm 2013 thì:

Đối với các số hoá đơn đã đặt in nhưng chưa sử dụng hết có in sẵn tên, địa chỉ trên tờ hoá đơn, khi có sự thay đổi tên, địa chỉ nhưng không thay đổi mã số thuế và cơ quan thuế quản lý trực tiếp, nếu tổ chức, hộ và cá nhân kinh doanh vẫn có nhu cầu sử dụng hoá đơn đã đặt in thì thực hiện đóng dấu tên, địa chỉ mới vào bên cạnh tiêu thức tên, địa chỉ đã in sẵn để tiếp tục sử dụng và gửi thông báo điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành hoá đơn đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp (mẫu số 3.13 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này).

Như vậy ngoài việc thực hiện đóng dấu tên, địa chỉ mới vào bên cạnh tiêu thức tên, địa chỉ đã in sẵn để tiếp tục sử dụng, quý công ty cần gửi thông báo điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành hoá đơn đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp (mẫu số 3.13 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 64/2013/TT-BTC nói trên).

 

 

Câu 3:

 

Đối với hóa đơn xuất ra mà thiếu chữ ký của người bán hàng và mua hàng thì có bị coi là không hợp lệ hay không?

Nếu hóa đơn đó có tranh chấp về kinh tế, thì bên nhận giao hóa đơn nói đấy là hóa đơn không hợp lệ.

 

Trả lời:

 

Căn cứ Điều 4. Nội dung trên hóa đơn đã lập, TT 64/2013/TT-BTC ngày 15 tháng 5  năm 2013, thì nội dung bắt buộc trên hóa đơn đã lập (phải được thể hiện trên cùng một mặt giấy) bao gồm:

…..

“h) Người mua, người bán ký và ghi rõ họ tên, dấu người bán (nếu có) và ngày, tháng, năm lập hoá đơn”

 

Tuy nhiên Hóa đơn không có chữ ký người mua hàng được chấp nhận trong trường hợp sau: Điểm đ, khoản 2, Điều 14, Thông tư 64/2013 về Tiêu thức “người mua hàng (ký, ghi rõ họ tên)” hướng dẫn:

 

Riêng đối với việc mua hàng không trực tiếp như: Mua hàng qua điện thoại, qua mạng, FAX thì người mua hàng không nhất thiết phải ký, ghi rõ họ tên trên hoá đơn. Khi lập hoá đơn tại tiêu thức“người mua hàng (ký, ghi rõ họ tên)”, người bán hàng phải ghi rõ là bán hàng qua điện thoại, qua mạng, FAX.

 

Về Chữ ký người bán, dấu người bán:
d) Tiêu thức “người bán hàng (ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên)”
Trường hợp thủ trưởng đơn vị không ký vào tiêu thức người bán hàng thì phải có giấy ủy quyền của thủ trưởng đơn vị cho người trực tiếp bán ký, ghi rõ họ tên trên hóa đơn và đóng dấu của tổ chức vào phía trên bên trái của tờ hóa đơn.

Căn cứ các quy định trên, nếu hóa đơn xuất ra mà thiếu chữ ký của cả người bán hàng và người mua hàng thì bị coi là hóa đơn không hợp lệ.

 

Câu 4:

 

Công ty có TSCĐ A do cổ đông đóng góp đến khi cổ đông muốn rút vốn góp cổ phần thì DN viết lại hóa đơn cho cổ đông về TSCĐ đó có được không và viết như thế nào?

 

Trả lời:

 

Khi góp vốn, căn cứ Khoản 6, Điều 5, TT 06/2012/TT-BTC ngày 11 tháng 1 năm 2012 , thì :

“Cơ sở kinh doanh không phải kê khai, nộp thuế trong các trường hợp sau:

a)      Góp vốn bằng tài sản để thành lập doanh nghiệp. Tài sản góp vốn vào doanh nghiệp phải có: biên bản góp vốn sản xuất kinh doanh, hợp đồng liên doanh, liên kết; biên bản định giá tài sản của Hội đồng giao nhận vốn góp của các bên góp vốn (hoặc văn bản định giá của tổ chức có chức năng định giá theo quy định của pháp luật), kèm theo bộ hồ sơ về nguồn gốc tài sản”

 

Về  hồ sơ chứng từ khi góp vốn, căn cứ khoản 2.15, Phụ lục 4, TT 64/2013/TT-BTC ngày 15 tháng 5 năm 2013, thì:

Hoá đơn, chứng từ đối với tài sản góp vốn, tài sản điều chuyển được thực hiện như sau:

a) Bên có tài sản góp vốn là cá nhân, tổ chức không kinh doanh:

a.1. Trường hợp cá nhân, tổ chức không kinh doanh có góp vốn bằng tài sản vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần thì chứng từ đối với tài sản góp vốn là biên bản chứng nhận góp vốn, biên bản giao nhận tài sản.

a.2. Trường hợp cá nhân dùng tài sản thuộc sở hữu của mình, giá trị quyền sử dụng đất để thành lập doanh nghiệp tư nhân, văn phòng luật sư thì không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản, chuyển quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp tư nhân, trường hợp không có chứng từ hợp pháp chứng minh giá vốn của tài sản thì phải có văn bản định giá tài sản của tổ chức định giá theo quy định của pháp luật để làm cơ sở hạch toán giá trị tài sản cố định.

b) Bên có tài sản góp vốn, có tài sản điều chuyển là tổ chức, cá nhân kinh doanh:

b.1. Tài sản góp vốn vào doanh nghiệp phải có: biên bản góp vốn sản xuất kinh doanh, hợp đồng liên doanh, liên kết; biên bản định giá tài sản của Hội đồng giao nhận vốn góp của các bên góp vốn (hoặc văn bản định giá của tổ chức có chức năng định giá theo quy định của pháp luật), kèm theo bộ hồ sơ về nguồn gốc tài sản.”

Khi rút vốn, căn cứ tiết b2, khoản 2.15, Phụ lục 4, TT 64/2013/TT-BTC ngày 15 tháng 5 năm 2013, thì:

 

b.2. Tài sản điều chuyển giữa các đơn vị thành viên hạch toán phụ thuộc trong tổ chức, cá nhân; tài sản điều chuyển khi chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thì tổ chức, cá nhân có tài sản điều chuyển phải có lệnh điều chuyển tài sản, kèm theo bộ hồ sơ nguồn gốc tài sản và không phải xuất hoá đơn.