Hỏi - Đáp (2013.12.04)

12/05/2013 09:10:05 AM

Câu 1:

 

Trường hợp doanh nghiệp muốn thay đổi thời gian trích khấu hao TSCĐ doanh nghiệp phải làm thủ tục gì? Cơ quan nào có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh thời gian trích khấu hao?

 

Trả Lời:

 

*        Tại điểm a, khoản 3 Điều 10 Thông tư số 45/2013 hướng dẫn:

 

- Trường hợp doanh nghiệp muốn xác định thời gian trích khấu hao của TSCĐ mới và đã qua sử dụng khác so với khung thời gian trích khấu hao đã quy định tại phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư  số 45/2013, doanh nghiệp phải lập phương án thay đổi thời gian trích khấu hao TSCĐ trên cơ sở giải trình rõ các nội dung sau:

 

+ Tuổi thọ kỹ thuật của TSCĐ theo thiết kế;

 

+ Hiện trạng TSCĐ (thời gian TSCĐ đã qua sử dụng, thế hệ tài sản, tình trạng thực tế của tài sản);

 

+ Ảnh hưởng của việc tăng, giảm khấu hao TSCĐ đến kết quả sản xuất kinh doanh và nguồn vốn trả nợ các tổ chức tín dụng.

 

+ Đối với các tài sản hình thành từ dự án đầu tư theo hình thức B.O.T, B.C.C thì doanh nghiệp phải bổ sung thêm Hợp đồng đã ký với chủ đầu tư.

 

* Theo quy định tại điểm b, khoản  3  Điều 10 Thông tư số 45/2013:

 

- Bộ Tài chính có thẩm quyền phê duyệt Phương án thay đổi thời gian trích khấu hao của tài sản cố định đối với:

 

+ Công ty mẹ các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, công ty do nhà nước nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên do các Bộ ngành, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.

 

+ Các công ty con do Công ty mẹ Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nắm giữ 51% vốn điều lệ trở lên.

 

- Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt đối với các Tổng công ty, công ty độc lập do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác có trụ sở chính trên địa bàn.

 

- Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày được phê duyệt Phương án, doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan thuế trực tiếp quản lý để theo dõi, quản lý.

 

Doanh nghiệp chỉ được thay đổi thời gian trích khấu hao TSCĐ một lần đối với một tài sản và không được làm thay đổi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp từ lãi thành lỗ hoặc ngược lại tại năm quyết định thay đổi.

 

Câu 2:

 

Việc thay đổi thời gian trích khấu hao đối với TSCĐ được quy định như thế nào?

 

Trả Lời:

 

*        - Tại Điểm c, khoản 3 Điều 10 Thông tư số 45/2013 quy định: Doanh nghiệp chỉ được thay đổi thời gian trích khấu hao TSCĐ một lần đối với một tài sản. Việc kéo dài thời gian trích khấu hao của TSCĐ bảo đảm không vượt quá tuổi thọ kỹ thuật của TSCĐ và không làm thay đổi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp từ lãi thành lỗ hoặc ngược lại tại năm quyết định thay đổi. Trường hợp doanh nghiệp thay đổi thời gian trích khấu hao TSCĐ không đúng quy định thì Bộ Tài chính, cơ quan thuế trực tiếp quản lý yêu cầu doanh nghiệp xác định lại theo đúng quy định.

 

- Tại khoản 4, Điều 10 Thông tư số 45/2013 quy định: Trường hợp có các yếu tố tác động (như việc nâng cấp hay tháo dỡ một hay một số bộ phận của tài sản cố định) nhằm kéo dài hoặc rút ngắn thời gian sử dụng đã xác định trước đó của tài sản cố định, doanh nghiệp tiến hành xác định lại thời gian trích khấu hao của tài sản cố định bảo đảm không vượt quá tuổi thọ kỹ thuật của TSCĐ và không làm thay đổi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp từ lãi thành lỗ hoặc ngược lại tại năm quyết định thay đổi tại thời điểm hoàn thành nghiệp vụ phát sinh, đồng thời phải lập biên bản nêu rõ các căn cứ làm thay đổi thời gian trích khấu hao, trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định tại điểm b Khoản 3 Điều này.

 

Câu 3:

 

Cách xác định nguyên giá TSCĐ hữu hình theo hình thức trao đổi được quy định như thế nào?

 

Trả Lời:

 

*        Tại điểm b, khoản 1, Điều 4 Thông tư 45/2013, hướng dẫn đối với TSCĐ hữu hình mua theo hình thức trao đổi như sau:

 

Nguyên giá TSCĐ mua theo hình thức trao đổi với một TSCĐ hữu hình không tương tự hoặc tài sản khác được xác định bao gồm:

 

+ Giá trị hợp lý của TSCĐ hữu hình nhận về, hoặc giá trị hợp lý của TSCĐ đem trao đổi (sau khi cộng thêm các khoản phải trả thêm hoặc trừ đi các khoản phải thu về), cộng (+)

 

+ Các khoản thuế (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại), cộng

 

+ Các chi phí liên quan trực tiếp phải chi ra đến thời điểm đưa TSCĐ vào trạng thái sẵn sàng sử dụng, như: chi phí vận chuyển, bốc dỡ; chi phí nâng cấp; chi phí lắp đặt, chạy thử; lệ phí trước bạ (nếu có).

 

Nguyên giá TSCĐ hữu hình mua theo hình thức trao đổi với một TSCĐ hữu hình tương tự, hoặc có thể hình thành do được bán để đổi lấy quyền sở hữu một tài sản tương tự là giá trị còn lại của TSCĐ hữu hình đem trao đổi.

 

Theo VTCA