Hỏi - Đáp (Hóa đơn chứng từ)_ 2013.12.20

12/20/2013 03:19:18 PM

Câu 1:

 

Đơn vị vừa có hoạt động bán hàng trong nước vừa có hoạt động bán hàng trong khu phi thuế quan thì khi  bán hàng cho khu phi thuế quan sử dụng  cả hóa đơn GTGT và  hóa đơn xuất khẩu  có được không ?

 

Trả Lời:

 

Tại khoản 1k, Điều 4, Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/09/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn:

 

“Tổ chức, cá nhân được sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng cho hoạt động bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ vào khu phi thuế quan và các trường hợp được coi như xuất khẩu theo quy định của pháp luật về thương mại.

 

Ví dụ:

 

- Doanh nghiệp B là doanh nghiệp vừa có hoạt động bán hàng trong nước vừa có hoạt động bán hàng cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan. Doanh nghiệp B được sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng cho cả hai hoạt động trên”.

 

Ngày 16/5/2011, Bộ Tài chính có công văn số 6282/BTC-TCT hướng dẫn như sau:

 

“…Kể từ ngày 01/1/2011, truờng hợp doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu tại chỗ thì được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền về việc sử dụng hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn xuất khẩu cho hoạt động này”.

 

Tại Quyết định số 2905/QĐ-BTC ngày 9/11/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn:

 

“Đối với hóa đơn xuất khẩu nội dung đã lập trên hóa đơn xuất khẩu phải bao gồm: số thứ tự hóa đơn; ký hiệu mẫu hóa đơn; ký hiệu hóa đơn; tên, địa chỉ đơn vị xuất khẩu; tên địa chỉ đơn vị nhập khẩu; tên hàng hoá, dịch vụ, đơn vị tính, số lượng, đơn giá, thành tiền, chữ ký của đơn vị xuất khẩu (mẫu số 5.4 phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này)”.

 

Căn cứ hướng dẫn trên, trường hợp doanh nghiệp vừa có hoạt động bán hàng trong nước vừa có hoạt động bán hàng cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan thì được sử dụng hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn xuất khẩu cho hoạt động bán hàng vào khu phi thuế quan. Doanh nghiệp phải sử dụng thống nhất một loại hóa đơn cho hoạt động bán hàng vào khu phi thuế quan, không đồng thời sử dụng cả hóa đơn xuất khẩu và hóa đơn GTGT.

 

Mẫu hóa đơn xuất khẩu tham khảo kèm theo Quyết định số 2905/QĐ-BTC ngày 9/11/2010 về việc đính chính Thông tư số 153/2010/TT-BTC không có tiêu thức mã số thuế người nhập khẩu (người mua hàng). Trường hợp doanh nghiệp bán hàng tạo thêm tiêu thức “mã số thuế của người nhập khẩu” thì cũng được chấp nhận.

 

Câu 2:

 

Hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán sử dụng hóa đơn quyển hoặc hoá đơn cơ quan thuế bán lẻ từng số thì thuế GTGT, TNCN được xác định như thế nào?

 

Trả Lời:

 

 Thời gian vừa qua Bộ Tài chính nhận được công văn và ý kiến của một số Cục Thuế nêu vướng mắc về việc thực hiện thu thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán có sử dụng hóa đơn (sau đây gọi tắt là hộ khoán sử dụng hóa đơn). Về vấn đề này, Bộ Tài chính hướng dẫn như sau:

 

1. Về thuế GTGT.

 

Căn cứ hướng dẫn tại khoản 1, Điều 11 Thông tư số 153/2010/TT-BTC ngày 28/9/2010 của Bộ Tài chính và khoản 9 Điều 19 Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28/02/2011 của Bộ Tài chính thì: Hộ khoán sử dụng hóa đơn (bao gồm hóa đơn quyển và hóa đơn do cơ quan thuế bán lẻ theo từng số) nếu trong tháng có phát sinh doanh thu trên hóa đơn cao hơn doanh thu khoán thì phải nộp bổ sung thuế GTGT vào cuối mỗi tháng.

 

2. Về thuế TNCN.

 

Hộ khoán sử dụng hóa đơn quyển nếu trong quý doanh thu trên hóa đơn cao hơn doanh thu khoán thì thực hiện nộp thuế TNCN bổ sung vào cuối mỗi quý. Đối với hộ khoán sử dụng hóa đơn lẻ thì thực hiện tạm thu thuế TNCN khi xuất hóa đơn theo hướng dẫn tại khoản 5 Điều 6 Thông tư số 62/2009/TT-BTC ngày 27/3/2009 của Bộ Tài chính.

 

Trường hợp hộ khoán sử dụng hóa đơn (mua quyển hay mua lẻ) có yêu cầu hoàn thuế thì doanh thu tính thuế TNCN của năm được xác định như sau:

 

- Nếu doanh thu trên hóa đơn thấp hơn doanh thu ấn định thì doanh thu tính thuế của năm là doanh thu ấn định.

 

- Nếu doanh thu trên hóa đơn cao hơn doanh thu ấn định thì doanh thu tính thuế của năm là doanh thu trên hóa đơn.

 

Câu 3:

 

Viết Hóa đơn đối với khoản thu tiền kinh phí bảo trì chung cư ?

 

Trả Lời:

 

- Căn cứ vào công văn số 6547/BTC-TCT ngày 16 tháng 05 năm 2012 về việc chính sách thuế GTGT đối với khoản kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.

 

- Căn cứ Nghị định 71/2010/NĐ-CP (ngày 23/06/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở) có hướng dẫn chi tiết vấn đề kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu.

 

Căn cứ hướng dẫn trên,

 

* Khi thu tiền mua nhà chung cư của khách hàng theo hợp đồng, chủ đầu tư xuất hóa đơn, trên hóa đơn ghi rõ:

 

+ Số tiền thu chưa có thuế GTGT;

 

+ Kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư = 2% x Số tiền thu chưa có thuế GTGT;

 

+ Thuế GTGT = 10% x Số tiền thu chưa có thuế GTGT;

 

+ Tổng số tiền thu của khách hàng.

 

* Số tiền thu chưa có thuế GTGT trong một số trường hợp được xác định như sau:

 

Trường hợp 1: trong hợp đồng mua bán nhà giữa chủ đầu tư và khách hàng quy định rõ giá bán nhà đã có thuế GTGT, bao gồm khoản kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư, thì:

 

Số tiền thu chưa có thuế GTGT

=

Số tiền thu của khách hàng

(1+10%+2%)

 

 

Trường hợp 2: Trong hợp đồng mua bán nhà giữa chủ đầu tư và khách hàng quy định rõ giá bán nhà đã có thuế GTGT, không bao gồm kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư, thì:

 

Số tiền thu chưa có thuế GTGT

=

Số tiền thu của khách hàng

(1+10%)

 

 

Theo VTCA