Hỏi - Đáp (Hóa đơn chứng từ)_2013.12.12

12/12/2013 02:26:07 PM

Câu 1:

 

Trong tháng 1 năm 2013 công ty X bán hàng và xuất hóa đơn cho công ty Y nhưng ghi sai mã số thuế của công ty Y. Công ty X đã kê khai , nộp thuế và đến tháng 3 năm 2013 mới phát hiện ra. Vậy em xin được hỏi những thủ tục để sửa sai trong trường hợp này là gì?

 

Trả lời:

 

Căn cứ Thông tư số 64/2013/TT-BTC ngày 15/05/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ tại Điều 18 qui định việc xử lý đối với hóa đơn đã lập:

 

“Trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua, đã giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán và người mua đã kê khai thuế, sau đó phát hiện sai sót thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thoả thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hoá đơn điều chỉnh sai sót. Hoá đơn ghi rõ điều chỉnh (tăng, giám) số lượng hàng hoá, giá bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng…, tiền thuế giá trị gia tăng cho hoá đơn số…, ký hiệu… Căn cứ vào hoá đơn điều chỉnh, người bán và người mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào. Hoá đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-).”

 

Trường hợp hóa đơn đã lập giao cho người mua, người bán và người mua đã kê khai thuế, nếu phát hiện lập sai mã số thuế, thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thoả thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hoá đơn điều chỉnh sai sót. Hoá đơn ghi rõ điều chỉnh (tăng, giám) số lượng hàng hoá, giá bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng…, tiền thuế giá trị gia tăng cho hoá đơn số…, ký hiệu… Căn cứ vào hoá đơn điều chỉnh, người bán và người mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào. Hoá đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-).

 

Câu 2: 

 

Công ty tôi sản xuất và kinh doanh nội địa sản phẩm dầu nhờn cho động cơ. Công ty có kho hàng tại Bắc Ninh và Thành phố HCM. Nếu xuất hàng từ kho đến bên thứ 3, theo thông tư 64/2013 TT-BTC thì phải có hóa đơn đỏ đi kèm khi vận chuyển. Theo yêu cầu bảo mật của bên thứ 2, công ty tôi không được tiết lộ giá bán. Vậy công ty tôi có thể thay thế hóa đơn đỏ bằng một giấy tờ nào khác không?

 

Trả lời: 

 

Quy định tại TT 64/2013 đòi hỏi DN của Bạn phải có Hoá đơn GTGT với người mua là Bên thứ 2, kèm theo chứng từ vận chuyển hàng, Hợp đồng với anh ta, trong đó ghi rõ địa điểm giao hàng tại địa điểm của bên thứ 3.

 

Cách tốt nhất có thể chỉ là cho Hoá đơn GTGT vào phong bì dán kín để lái xe không thể biết được và chỉ trong trường hợp hàng bị bắt giữ theo yêu cầu của cơ quan kiểm tra trên đường đi , có thông tin mệnh lệnh của người có thẩm quyền thì lái xe mới được bóc bì thư.

 

Bạn có thể làm bên thứ 3 hài lòng bằng cách là: Họ phải đề xuất cách nào đó có thể thay được hoá đơn đỏ , đồng thời chia sẻ rủi ro với Bạn nếu một khi có xảy ra sự kiện gây thiệt hại.

 

Câu 3: 

 

Công ty tôi có xuất hóa đơn cho khách hàng từ tháng 7 theo hợp đồng thuê kho quý 3 cho khách hàng. Cuối tháng 8 khách mới nộp tiền và nhận hóa đơn. Nhưng do bên công ty khách hàng thay đổi địa chỉ trụ sở nên khi người nhận hóa đơn mang về kế toán kiểm tra lại và có đề nghị công ty tôi lập biên bản điều chỉnh hóa đơn. Tôi có tìm hiểu nhưng vẫn không biết biên bản điều chỉnh này có hợp lý hợp lệ không hay phải lập biên bản hủy và viết thay thế cho khách hàng. Vì công ty tôi đăng ký nộp tờ khai theo tháng nên giờ đã kê khai doanh thu vào tháng 7. Nếu xuất hóa đơn thay thế thì chúng tôi kê khai điều chỉnh doanh thu như thế nào và có bị vi phạm về sử dụng và quản lý hóa đơn hay không?

 

Trả lời:

 

Tại Điều 18 Thông tư số 64/2013/TT-BTC ngày 15/5/2013 của Bộ Tài chính về hoá đơn bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ hướng dẫn xử lý đối với hoá đơn đã lập như sau:

 

“Điều 18. Xử lý đối với hoá đơn đã lập

 

1. Trường hợp lập hóa đơn chưa giao cho người mua, nếu phát hiện hóa đơn lập sai, người bán gạch chéo các liên và lưu giữ số hóa đơn lập sai.

 

2. Trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua nhưng chưa giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc hoá đơn đã lập và giao cho người mua, người người bán và người mua chưa kê khai thuế nếu phát hiện sai phải hủy bỏ, người bán và người mua lập biên bản thu hồi các liên của số hoá đơn đã lập sai. Biên bản thu hồi hoá đơn phải thể hiện được lý do thu hồi hoá đơn. Người bán gạch chéo các liên, lưu giữ số hoá đơn lập sai và lập lại hóa đơn mới theo quy định.

 

3. Trường hợp hóa đơn đã lập và giao cho người mua, đã giao hàng hóa, cung ứng dịch vụ, người bán và người mua đã kê khai thuế, sau đó phát hiện sai sót thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thoả thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hoá đơn điều chỉnh sai sót. Hoá đơn ghi rõ điều chỉnh (tăng, giám) số lượng hàng hoá, giá bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng…, tiền thuế giá trị gia tăng cho hoá đơn số…, ký hiệu… Căn cứ vào hoá đơn điều chỉnh, người bán và người mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào. Hoá đơn điều chỉnh không được ghi số âm (-).

 

4. Hướng dẫn xử lý đối với hóa đơn đã lập trong một số trường hợp cụ thể  thực hiện theo Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này”.

 

Tại khoản 5 Điều 9 Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28/02/2011 của Bộ Tài chính về quản lý thuế hướng dẫn khai bổ sung hồ sơ khai thuế như sau:

 

“5. Khai bổ sung hồ sơ khai thuế

 

a) Sau khi hết hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định, người nộp thuế phát hiện hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế có sai sót, nhầm lẫn gây ảnh hưởng đến số thuế phải nộp thì được khai bổ sung hồ sơ khai thuế. Hồ sơ khai thuế bổ sung được nộp cho cơ quan thuế vào bất cứ ngày làm việc nào, không phụ thuộc vào thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của lần tiếp theo, nhưng phải trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền công bố quyết định kiểm tra thuế, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế”.

 

Căn cứ hướng dẫn trên, đề nghị Công ty của Bà Nguyễn Thị Tuyển liên hệ với cơ quan thuế quản lý trực tiếp để được hướng dẫn thực hiện cụ thể.

 

Theo VTCA