Hỏi - Đáp (Thuế TNDN_05.05.2014)

05/06/2014 08:49:12 AM

Câu 1:

 

Năm 2010 Công ty tôi đánh giá lại tài sản để tiến hành cổ phần hóa từ năm 2011, giá trị lợi thế thương mại được đánh giá từ vị trí kinh doanh phát sinh khoảng 32 tỷ, Công ty tôi đã thực hiện nộp thuế TNDN tương ứng với thu nhập từ số lợi thế thương mại nêu trên. Chi phí lợi thế thương mại được phân bổ nhưng trừ ra trước khi tính Thuế TNDN hằng năm. Năm 2014 công ty chúng tôi tiến hành bán tài sản có phát sinh lợi thế thương mại nêu trên, vậy tôi xin hỏi, giá trị lợi thế thương mại nêu trên của công ty chúng tôi có được đưa vào chi phí trước khi tính thuế không? Nếu như bị loại ra như thế thì đồng nghĩa Công ty chúng tôi phải chịu 2 lần thuế. Công ty chúng tôi đã có công văn gửi cục thuế nhưng cục thuế trả lời không rõ.

 

Trả lời:

 

Bạn đọc yên tâm rằng Nhà nước không bao giờ thu thừa thuế so với số phải nộp theo luật pháp. Văn bản cục thuế trả lời DN Bạn chưa rõ có thể do nguyên nhân người trả lời không hiểu người hỏi, hoặc là người đọc câu trả lời mà chẳng hiểu gì bởi nó thật cao siêu hoặc ngôn ngữ mang nghĩa học thuật – hàn lâm quá !

 

Xét về bản chất kinh tế và quy định của pháp luật theo nguyên tắc chi phí phải phù hợp với doanh thu thì giá trị lợi thế thương mại vẫn ở dạng tiềm năng cho nên khi nó được đánh giá lên phát sinh khoản chênh lệch giá (Mức giá mới được  định giá lại theo thị trường cao hơn trị giá đang ghi sổ kế toán), DN đã nộp thuế trên khoản này, coi như là “Thu nhập tự sinh ra” thì cần phải hạch toán tính trích khấu hao hoặc phân bổ vào giá vốn theo mức giá mới đánh giá lại (Thông tư số 123/2012 và trước đây TT số 40/2010 có quy định về nội dung này).

 

Trường hợp Tài sản được đánh giá lại và đang trích khấu hao theo mức giá đánh giá lại nay được DN bán đi thì giá trị còn lại (đã bao gồm khoản chênh lệc đánh giá lại trước đây và DN đã nộp thuế số chênh lệc này) nay đem bán đi thì mức giá vốn được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của thương vụ bán mới này phải bao gồm cả khoản chênh lệch giá chươc được phân bổ vào chi phí các năm trước khi bán (tính từ ngày xử lý kết quả xác định trị giá lại).

 

Bạn đọc có thể làm văn bản gửi lên cơ quan Tổng cục thuế, nhớ gửi kèm bản sao các giấy tờ liên quan, kể cả phiếu kế toán chứng minh kết quả xử lý đanh giá lại, chứng từ nộp thuế, kèm thuyết minh (nếu có). Khi gửi văn bản lên, rất cần liên hệ với bộ phận hành chính/tổng hợp để biết việc này đang được chuyển đến bộ phận nào xử lý để đốc thúc công việc.

 

Câu 2:

 

Tôi có đọc được nội dung hỏi và trả lời của Vụ chính sách về quà tặng khách hàng dịp tết theo thông tin trích dẫn như sau: 'Câu hỏi: Hàng năm, nhân dịp lễ, tết công ty em có mua quà (gồm bánh, rượu,..) tặng cho những khách hàng thân thiết. Những khoản chi phí mua quà này có được đưa vào chi phí hợp lý để khấu trừ TNDN không? Nếu được cần những thủ tục gì? Trả lời: Văn hoá dân tộc ta cho thấy việc tặng quà cho khách hàng thân thiết vào dịp lễ/tết là chuyện xảy ra phổ biến. Việc này có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN cho nên, về nguyên tắc là DN được tính vào chi phí khi tính thuế TNDN nếu có đủ chứng từ, hoá đơn hợp pháp. Tuy nhiên khoản này thuộc loại chi phí bị khống chế theo tỷ lệ tối đa 10% tổng số chi phí (chi phí giao dịch, đối ngoại, tiếp tân, khánh tiết,…) chưa bao gồm khoản này đối với DN đang hoạt động (tỷ lệ 15% đối với DN thành lập mới từ 2009). DN không phải làm thủ tục gì cả, chỉ hạch toán, kê khai đầy đủ, có chứng từ hoá đơn hợp pháp chứng minh rằng DN thực tế có chi./' Vậy Quý cơ quan có thể cho chúng tôi được rõ căn cứ văn bản áp dụng của nội dung trên để doanh nghiệp được biết và thực hiện đúng.

 

Trả lời:

 

Từ năm 2014 trở đi, quy định này được nới lỏng hơn so với trước cả về mức giới hạn tối đa về chi phí biếu tặng, quảng cáo, khuyến mại (từ 10% trước đây nay được tăng lên 15%) và cả về phạm vi nội dung chi. Căn cứ pháp lý là điều 9 Luật thuế TNDN số 14/2008 mới được sửa đổi theo Luật 32/2013; Nghị định số 218/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật 32/2013, theo đó tất cả các khoản chi có liên quan đến hoạt động SXKD của doanh nghiệp, có đủ chứng từ, hoá đơn hợp pháp thì đều được tính vào chi phí trước khi tính thuế TNDN.

 

Bạn đọc lưu ý rằng, tại khoản 2 điều 9 của Luật và Nghị định đều có một nguyên tắc chung là chỉ quy định những khoản chi không được tính hoặc khoản chi BỊ GIỚI HẠN , đồng thời những khoản chi không được kể tên hoặc được kể tên nhưng nằm trong khung bị giới hạn thì đương nhiên DN được tính trừ.

 

Bạn đọc vui lòng tham khảo dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013 để biết thêm chi tiết và có ý kiến đóng góp với chúng tôi (cả về nội dung và cách thể hiện văn bản) trên giác độ của người thực hiện để văn bản chính thức được ban hành sẽ sát với thực tế hoạt động của DN hơn.

 

Câu 3:

 

 Kính gửi Công thông tin BTC Công ty TNHH Nextop- MST 0105006922 chuyên sản xuất phần mềm xuất khẩu. Do yêu cầu và sắp xếp công việc từ phía khách hàng, công ty tôi yêu cầu một số nhân viên làm đêm (10hPM-6hAM)và trả thêm trợ cấp làm đêm là 35USD/đêm (tương ứng 30%-60% lương cơ bản). Vậy tôi xin hỏi: 1- Khoản tiền trợ cấp làm ca đêm trên có được miễn thuế TNCN không 2- khoản tiền trên có được trừ chi phí thuế TNDN không?

 

Trả lời:

 

1- Thuế TNDN: Việc trả lương, trả công do DN và người lao động tự thoả thuận và DN được tính vào chi phí hợp lý được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nếu được ghi vào Hợp đồng lao động hoặc thoả ước lao động tập thể, quy chế lương, thưởng,… (Quy định tại điều 9 Nghị định số 218/2013, hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư 123/2012/TT-BTC – TT mới hướng dẫn NĐ 218 đang soạn thảo, sắp được ban hành).

 

2- Thuế TNCN: Tại điểm i,  khoản 1, điều 3 Thông tư số 111/2013/TT-BTC quy định về thu nhập được miễn thuế đối với : “….phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ theo quy định của Bộ luật Lao động. Cụ thể như sau:

 

i.1) Phần tiền lương, tiền công trả cao hơn do phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ được miễn thuế căn cứ vào tiền lương, tiền công thực trả do phải làm đêm, thêm giờ trừ (-) đi mức tiền lương, tiền công tính theo ngày làm việc bình thường.”

 

Căn cứ vào quy định trên thì việc DN trả thêm tiền làm đêm (DN đang gọi là phụ cấp) cho nhân viên thì khoản này thuộc diện thu nhập được miễn thuế TNCN .

 

Bạn đọc xem ví dụ số 2 và đọc kỹ nội dung quy định tại điều 3 TT 111/2013 để thực hiện cho đúng.

 

Theo Cổng TTĐT Bộ Tài chính