Hỏi - Đáp (Thuế TNDN_24.01.2014)

01/24/2014 02:08:22 PM

Câu 1:

 

Thanh lý các máy móc thiết bị, nguyên vật liệu và tiêu hủy nguyên vật liệu của bộ phận sản xuất đĩa quang do bộ phận này ngừng hoạt động thì xử lý như thế nào? 

 

Trả Lời:

 

Căn cứ điểm 4, điểm 16 mục IV phần B Thông tư số 134/2007/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về thuế TNDN; Điểm 4, điểm 16 mục V phần C Thông tư số 130/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về thuế TNDN; Điểm 1.4 mục II Thông tư số 13/2006/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về trích lập và sử dụng các khoản dự phòng; Điều 4 Thông tư số 228/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về trích lập và sử dụng các khoản dự phòng, trường hợp năm 2008, năm 2009 Cty TNHH Panasonic System Networks Việt Nam thanh lý các máy móc thiết bị, nguyên vật liệu và tiêu hủy nguyên vật liệu của bộ phận sản xuất đĩa quang do bộ phận này ngừng hoạt động thì xử lý như sau:

 

- Đối với việc thanh lý các máy móc thiết bị, nguyên vật liệu: nếu phát sinh thu nhập thì tính vào thu nhập khác, nếu phát sinh khoản lỗ thì giảm trừ thu nhập khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nếu việc thanh lý tài sản có đầy đủ hóa đơn, chứng từ theo quy định.

 

- Đối với việc tiêu hủy nguyên vật liệu: nếu doanh nghiệp đã trích lập dự phòng đối với nguyên vật liệu tiêu hủy thì sau khi bù đắp bằng nguồn dự phòng giảm giá hàng tồn kho đối với nguyên vật liệu đó, phần chênh lệch thiếu được hạch toán vào giá vốn hàng bán của doanh nghiệp nếu có đầy đủ hóa đơn chứng từ theo quy định. 

 

Câu 2:

 

Kê khai tạm tính thuế TNDN đối với doanh nghiệp kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN được hướng dẫn như thế nào?

 

Trả Lời:

 

Căn cứ Mục III Phần G, Thông tư số 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn kê khai, nộp thuế và quyết toán thuế TNDN từ chuyển nhượng bất động sản.

 

Căn cứ tiết c Điểm 5 Điều 11 Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28/02/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn khai thuế TNDN đối với doanh nghiệp phát sinh thường xuyên hoạt động chuyển nhượng bất động sản.

 

Căn cứ Điểm 2 công văn số 4125/BTC-TCT ngày 23/03/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn ưu đãi thuế TNDN đối với doanh nghiệp kinh doanh phát triển hạ tầng khu công nghiệp.

 

Theo đó, trường hợp các doanh nghiệp kinh doanh phát triển hạ tầng khu công nghiệp có thu nhập từ hoạt động kinh doanh phát triển hạ tầng được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo quy định thì kê khai tạm tính thuế TNDN từ chuyển nhượng bất động sản theo mẫu 02/TNDN ban hành kèm theo Thông tư số 28/2011/TT-BTC nêu trên.

 

Trường hợp doanh nghiệp khai bằng giấy, khai bằng phần mềm hỗ trợ kê khai có mã vạch (HTKK) do Tổng cục Thuế cung cấp thì doanh nghiệp ghi bổ sung các chỉ tiêu sau vào trước dòng cam đoan trong tờ khai:

 

- Số thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn, giảm theo quy định tại …

 

- Số thuế thu nhập doanh nghiệp còn phải nộp:

 

Trường hợp doanh nghiệp khai qua mạng, doanh nghiệp gửi kèm file phụ lục (theo mẫu đính kèm công văn này) qua thư điện tử đến cơ quan thuế cùng với tờ khai thuế điện tử).

 

Cuối năm, doanh nghiệp làm thủ tục quyết toán thuế TNDN cho toàn bộ hoạt động chuyển nhượng bất động sản đã kê khai tạm tính trong năm và xác định lại số thuế TNDN được miễn, giảm đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản theo quy định. 

 

Câu 3:

 

Doanh nghiệp thành lập địa bàn ưu đãi đầu tư nhưng mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thực hiện tại địa phương khác thì có đáp ứng điều kiện ưu đãi đầu tư để hưởng ưu đãi thuế TNDN không?

 

Trả Lời:

 

- Tại khoản 4 Điều 15, khoản 3 Điều 16 Nghị định số 124/2008/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

 

"4. Thuế suất ưu đãi 20% áp dụng trong thời gian 10 năm đối với doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này."

 

"3. Miễn thuế 2 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này."

 

- Điểm 2.2 mục I phần H Thông tư số 130/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định: "Dự án đầu tư là tập hợp các đề xuất bỏ vốn trung và dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.".

 

- Khoản 7 Điều 1 Thông tư số 18/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 130/2008/TT-BTC quy định:

 

"Bổ sung điểm 2.2 mục I Phần H nội dung sau:

 

Trường hợp doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư mà dự án đầu tư trong nước có quy mô vốn đầu tư dưới mười lăm (15) tỷ đồng Việt Nam và không thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện thì hồ sơ để xác định dự án đầu tư là giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

 

Trường hợp doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư mà dự án đầu tư trong nước có quy mô vốn đầu tư từ mười lăm (15) tỷ đồng Việt Nam đến dưới ba trăm (300) tỷ đồng Việt Nam và không thuộc Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện thì nhà đầu tư làm thủ tục đăng ký đầu tư theo mẫu tại cơ quan nhà nước quản lý đầu tư cấp tỉnh.".

 

Căn cứ quy định trên, Trường hợp doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn ưu đãi đầu tư thì việc thành lập doanh nghiệp mới phải gắn với dự án đầu tư thực hiện tại địa bàn ưu đãi đầu tư; quy định về dự án đầu tư thực hiện theo quy định tại Luật đầu tư, Thông tư số 130/2008/TT-BTC và Thông tư số 18/2011/TT-BTC nêu trên. Nếu doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn ưu đãi đầu tư nhưng mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thực hiện tại địa phương khác không thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư thì không đáp ứng điều kiện ưu đãi đầu tư để hưởng ưu đãi thuế TNDN theo quy định.

 

Đề nghị Cục Thuế căn cứ quy định tại văn bản quy phạm pháp luật, tình hình cụ thể của Công ty cổ phần Mỹ Kim để xác định điều kiện được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo điều kiện thực tế để đáp ứng.

Theo VTCA