Luật 106: Sửa đổi một số nội dung của Luật thuế Giá trị gia tăng.

05/16/2016 02:17:44 PM
Ngày 06/4/2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khoá XIII đã thông qua Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/07/2016.

Luật số 106 thể hiện các thông điệp chính sách nhằm đơn giản công tác quản lý thuế, tăng tính khả thi trong tuân thủ, đồng thời bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam một cách hợp pháp trong bối cảnh hội nhập sâu hơn từ năm 2018. Theo đó, tại điều 1 của Luật số 106 này quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 31/2013/QH13, trong đó có một số nội dung sửa đổi rất quan trọng liên quan đến hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT và quy định về hoàn thuế GTGT, cụ thể:

Một là, thực hiện nguyên tắc đối xử công bằng trong việc tính thuế GTGT giữa hàng nông sản nhập khẩu và hàng nông sản được sản xuất trong nước, bảo đảm sự bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài; Luật 106 đã bổ sung thêm nội dung nhằm tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hoá, ngăn chặn việc lợi dụng để hoàn thuế đối với nông sản xuất khẩu. Theo đó, tại khoản 1, Điều 5 Luật thuế GTGT nay được sửa đổi như sau: “Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra ở khâu nhập khẩu thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Tại khâu kinh doanh tiếp theo, các doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế theo phương pháp khấu trừ có mua sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường để bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã khác thì không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT nhưng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Với quy định này, các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh hàng nông sản trong thị trường nội địa sẽ vừa tiết kiệm được chi phí tài chính do không phải bỏ tiền nộp thuế trước đối với hàng nông sản khi mua vào hoặc nhập khẩu; đồng thời bảo đảm được quyền khấu trừ thuế đầu vào đối với các chi phí trong khâu lưu thông có đóng góp làm tăng giá trị của hàng hoá nông sản như chi phí đóng gói, xử lý, bảo quản, vận tải, quản lý…

Hai là, mở rộng diện đối tượng không chịu thuế GTGT đối với các hoạt động dịch vụ mang tính bảo trợ, an sinh xã hội, như: bổ sung thêm dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật cũng thuộc diện không chịu thuế GTGT để người cao tuổi, người khuyết tật có cơ hội thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, dưỡng lão với mức giá hợp lý.

Ba là, Luật bổ sung quy định đối tượng không chịu thuế GTGT. Theo đó, ngoài các sản phẩm là tài nguyên, khoáng sản thô khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác thì nay bổ sung vào đối tượng không chịu thuế GTGT cả các sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên. Quy định này làm cơ sở thiết kế các chính sách khuyến khích chế biến sâu, hạn chế và không khuyến khích xuất khẩu tài nguyên dạng thô, khoáng sản chưa qua chế biến, hoặc có giá trị chế biến thấp.

Bốn là, Về hoàn thuế GTGT: Luật sửa đổi lần này quy định không thực hiện hoàn thuế GTGT đối với sản xuất kinh doanh khâu nội địa nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tăng cường biện pháp quản lý, giảm bớt tồn kho, đẩy nhanh tốc độ lưu chuyển hàng hoá. Đồng thời xoá bỏ tình trạng trong một doanh nghiệp có tháng thì được hoàn thuế, nhưng có tháng phải nộp thuế. Quy định này giúp Doanh nghiệp chủ động hơn trong việc sử dụng vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Theo Lê Thuỷ - TCT