Nửa thế kỷ trên dòng sông thuế

09/11/2024 10:46:15 AM

(TCT online) - Lịch sử ngành Tài chính, Thuế đi qua gần 80 năm với nhiều sự kiện, thành tựu đặc biệt cùng những con người đặc biệt, đã góp sức bồi đắp, dựng xây để làm nên những thành tựu vẻ vang. Chị Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, nay là Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam là một ví dụ. Đến nay, chị là cán bộ, công chức, là người phụ nữ duy nhất cả nước có thời gian công tác thuế lâu nhất, liên tục, không ngắt quãng. Tính đến năm 2024 này là tròn nửa thế kỷ liên tục chị gắn bó với ngành Tài chính - Thuế.

Vượt qua chính mình

Trong hồ sơ, lịch sử ngành còn lưu lại, năm 1969-1973, từ quê hương Quảng Bình - tuyến đầu đánh giặc, khi cuộc chiến thống nhất đất nước đang ở giai đoạn ác liệt, đi đến ký kết Hiệp dịnh Paris, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, chị được tuyển chọn học Đại học Tài chính Kế toán Hà Nội (nay là Học viện Tài chính). Thời gian qua mau, ra trường với bằng tốt nghiệp loại giỏi, năm 1974, chị được tiếp nhận và phân công công tác tại Cục thu Quốc doanh, Bộ Tài chính. Chỉ 5 năm sau, bằng năng lực vượt bậc, chị được Bộ Tài chính bầu chọn dự Đại hội Chiến sĩ Thi đua toàn quốc. 8 năm, kể từ ngày nhận công tác, chị được bổ nhiệm làm Phó phòng, 3 năm sau đó làm Trưởng phòng. Thời ấy, việc bổ nhiệm lãnh đạo cấp phòng ở độ tuổi như chị (dưới 30) là không nhiều. Năm 1990, khi Tổng cục Thuế thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 đơn vị, gồm Cục Thuế công thương nghiệp; nông nghiệp; thu quốc doanh trực thuộc Bộ Tài chính, chị được lãnh đạo Bộ phân công làm Trưởng phòng Nghiệp vụ II, thuộc Tổng cục Thuế, tương đương hàm vụ trưởng ngày nay.

Từ kết quả nỗ lực trong công tác trên nhiều phương diện, kể cả tự học, rèn luyện, tự học ngoại ngữ (tiếng Anh), tin học, năm 1995 trước yêu cầu đổi mới cấp thiết để cải cách toàn ngành, chị được bổ nhiệm làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế. Đây là giai đoạn ngành Thuế có nhiều bước chuyển đổi mau lẹ trong xu thế đổi mới, hội nhập khu vực, thực tế đã đạt được nhiều thành quả kỳ diệu, làm nền tảng căn bản sau này. Gần 13 năm làm Phó Tổng cục trưởng, năm 2007 chị nghỉ hưu theo chế độ. Sau khi nghỉ hưu, chị là người sáng lập đồng thời làm Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam đến nay.

Từ năm 1990, khi Tổng cục Thuế thành lập, thực hiện chính sách đổi mới, bằng sự nỗ lực của toàn ngành, trong đó có chị, ngành Thuế đã thực hiện thành công cải cách thuế thuế bước 1 và bước 2, thiết lập hệ thống thuế hoàn chỉnh, kiện toàn hệ thống quản lý thu thống nhất từ trung ương đến địa phương, đảm bảo các yêu cầu đề ra của Chính phủ trong việc triển khai các luật thuế mới, đặc biệt thuế GTGT. Từ thời điểm này, giai đoạn này, thuế đã thực sự trở thành nguồn thu chủ yếu của NSNN, góp phần chống lạm phát, ổn định phát triển kinh tế xã hội. Với những kiến thức tích lũy, miệt mài, phương pháp làm việc khoa học, tinh thần trách nhiệm cao, từ khi được phân công làm Trưởng phòng rồi Phó Tổng cục trưởng, theo đánh giá của nhiều cán bộ, nhà quản lý trong và ngoài ngành, chị Nguyễn Thị Cúc đã có nhiều đóng góp thuyết phục, cụ thể giúp Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, Chính phủ, Quốc hội sửa đổi, ban hành nhiều chính sách thuế phù hợp, đi vào cuộc sống, đảm bảo công bằng bình đẳng trong việc nộp thuế, chống thất thu, tăng thu NSNN. Nhiều ý kiến của chị về xây dựng các chính sách thuế theo thời gian hiện vẫn còn nguyên giá trị. Chưa dừng lại, nhiều năm qua và hiện nay trên các diễn đàn của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, trong và ngoài nước, hay trên các phương tiện truyền thông, báo chí luôn xuất hiện, đăng tải những đề xuất, phản biện của chị - với tư cách Chủ tịch Hội Tư vấn thuế, về việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các chính sách tài chính, thuế, phát triển doanh nghiệp. Theo thời gian, chị âm thầm lặng lẽ làm việc, như con tằm ăn lá dâu xanh, cần cù hiến dâng cho đời những sợi tơ vàng óng ánh. Đến nay, các nước trong khu vực, thế giới, các chuyên gia, định chế quốc tế đều biết đến chị - MADAM CÚC, chuyên gia tài chính hàng đầu Việt Nam.

Thành tích cá nhân của chị sau 34 năm gắn bó với ngành Tài chính, Thuế có nhiều, có thể khái lược: 2 lần nhận danh hiệu Chiến  sỹ Thi đua toàn quốc, 1 Huân chương Lao động hạng Nhất, 1 Huân chương Lao động hạng Nhì, 1 Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 2007 chị là 1 trong 6 phụ nữ toàn quốc đạt danh hiệu phụ nữ tiêu biểu vì có nhiều cống hiến trong quản lý, phát triển kinh tế xã hội đất nước. Thành tích của chị trong 16 năm làm Chủ tịch Tư vấn thuế Việt Nam cũng cơ man với nhiều huy hiệu, huy chương, bằng khen, giấy khen, trong đó phải kể đến thành tích đóng góp về cải cách hành chính, hiện đại hóa ngành Thuế, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi, phát triển doanh nghiệp, hiện đại hóa đất nước.

16 năm ra đời, Hội Tư vấn thuế Việt Nam do chị làm Chủ tịch đã góp phần thực hiện mục tiêu phát triển hệ thống đại lý thuế theo Chiến lược cải cách thuế đã được Chính phủ phê duyệt. Tính đến tháng 4/2024, cả nước có khoảng 740 DN đại lý thuế đang hoạt động với hơn 1700 cá nhân có chứng chỉ hành nghề đại lý thuế đăng ký hoạt động hành nghề. Nhiều đại lý thuế đã tạo dựng được thương hiệu, gắn kết chặt chẽ với Hội trong suốt quá trình hoạt động và phát triển, thu hút hàng nghìn DN, người nộp thuế sử dụng dịch vụ kê khai, tư vấn thuế. Từ 100 hội viên sáng lập, đến nay Hội Tư vấn thuế Việt Nam có 1055 hội viên gồm 212 hội viên tập thể là các đại lý thuế, công ty kiểm toán, kế toán, DN, tổ chức hội, hiệp hội nghề nghiệp và 843 hội viên cá nhân là người có chứng chỉ hành nghề làm thủ tục về thuế, kiểm toán viên, luật sư, các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, kế toán.

50 năm - nửa thế kỷ gắn bó liên tục với ngành Thuế, trong đó nhiều năm giữ vị trí trụ cột là điều ít ai làm được bởi năng lực, sức khỏe, tuổi tác, thời gian là những hạn chế, rào cản khó vượt qua. Thế nhưng, không dừng lại, ở tuổi ngoài 70, ngày 21/4/2023, tại Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2023-2028, chị Nguyễn Thị Cúc tiếp tục được Ban chấp hành Hội tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam.

Một góc vườn riêng

Những ngày cuối tháng 8 khi cả nước chuẩn bị đón tết Độc lập - Quốc khánh 2/9, tôi tò mò hỏi chị vì sao, bắt đầu từ đâu chị không chọn thi vào trường khác mà chọn Trường Đại học Tài chính Kế toán Hà Nội? Rồi ra trường gắn bó với ngành Thuế đến tận hôm nay, không hề mảy may tìm lối rẽ khác, ngành, lĩnh vực khác? Chị cười và nói: 50 năm gắn bó với ngành, trong đó 2/3 thời gian làm cán bộ, lãnh đạo quản lý, điều hành, 1/3 làm Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam là say mê, là duyên. Hỏi về chữ duyên, chị bảo nó khó lý giải, mọi việc cứ như tự nhiên đến, tự nhiên tồn tại. Đối với chị Nguyễn Thị Cúc, bên cạnh niềm vui, say mê trong công việc, hạnh phúc lớn nhất thuộc về gia đình. Chị kể: nhà chị có 7 anh/chị/em ruột, trải qua nhiều cuộc đánh phá ác liệt trên quê hương “chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình”, gia đình chị vẫn đủ đầy, nguyên vẹn, học hành, công tác tấn tới. Chồng chị - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn Chính phủ luôn sát cánh, chia xẻ lo toan, việc nhà, việc công, nuôi dạy con cái cùng chị. Hai con chị lớn lên đều chăm học, học giỏi, chăm làm, vừa lòng với công việc hiện tại. Theo chị, đó là thành tựu - thành tựu gia đình, thành tựu đời người. Người viết bài này nghĩ, những gì thuộc về riêng tư mà chị tâm sự là chân tình, như hạt lúa, hạt gạo, như tuổi thơ của chị bên dòng sông Nhật Lệ bốn mùa xanh, lặng lẽ trôi.

Trong câu chuyện, chúng tôi kịp nhận ra, trong ngổn ngang hoài niệm đi qua, sau nửa thế kỷ lao động không biết mệt mỏi “trên dòng sông thuế”, một trong nhiều kỷ niệm đáng yêu mà chị cất giữ ngăn nắp nhất trong trí nhớ mênh mang không phải là những lần du thuyết (bằng tiếng Anh tự học) ở các nghị trường, khách sạn 5 sao, trên diễn đàn tài chính quốc tế để kêu gọi đầu tư vào Việt Nam, mà là câu đối của Nhà văn hóa, Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu (1916-2021) mến tặng chị ngày 31/7/2007:

Vì tổ quốc mạnh giàu, trọn nghĩa chi lan cùng đảm nhiệm.
Giữa gia đình hưng thịnh, đẹp tình mai cúc hướng huy quang.

Đông Đà

 

thuenhanuoc.vn