Sửa cơ chế với khu kinh tế cửa khẩu: Ưu đãi về thuế XNK

12/30/2013 03:30:01 PM
Nhiều cơ chế ưu đãi tại các khu kinh tế cửa khẩu (KTCK) được áp dụng trong những năm qua đã góp phần phát triển thương mại, du lịch và giao lưu kinh tế . Tuy nhiên, chính sách tài chính cũng như thực tế hoạt động và phát triển của các khu KTCK đã có nhiều thay đổi. Do đó, việc điều chỉnh lại cơ chế cho đồng bộ và phù hợp với thực tế là cần thiết.

 

Nhiều lợi ích rõ nét

 

Hiện nay, cả nước có 29 khu KTCK thuộc 21 tỉnh nằm trên tuyến biên giới trong đó có 11 khu giáp Trung Quốc, 10 khu giáp Campuchia và 9 khu giáp Lào bao gồm cả khu KTCK Bờ Y vừa giáp Lào vừa giáp Campuchia. Sự ra đời của các khu KTCK tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển KT-XH của các tỉnh biên giới đất liền, góp phần hình thành các đô thị biên giới với nhiều hoạt động phát triển thương mại, du lịch, giao lưu kinh tế.

 

Ngày 2-3-2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 33/2009/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách tài chính đối với khu KTCK và ngày 10-7-2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 93/2009/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 33. Bộ Tài chính đánh giá, với 2 Quyết định này, nhìn chung, hệ thống cơ chế, chính sách tạo điều kiện phát triển các khu KTCK cơ bản đã khá đầy đủ.

 

Các cơ chế được xây dựng và hoàn thiện theo hướng cởi mở, thông thoáng và phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc thực hiện cơ chế, chính sách tài chính đối với khu KTCK đã góp phần đẩy nhanh việc hình thành cơ sở hạ tầng khu KTCK; thu hút các DN đầu tư sản xuất kinh doanh; gia tăng sản xuất, kim ngạch XK; đóng góp vào nguồn thu ngân sách, hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng khu KTCK.

 

Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, chính sách tài chính, trong đó có các chính sách về thuế, về vốn huy động, về ngân sách Nhà nước cũng như thực tế hoạt động và phát triển của các khu KTCK có nhiều thay đổi. Theo Bộ Tài chính, điều đó dẫn tới cơ chế, chính sách quy định tại Quyết định số 33, Quyết định số 93 và Quyết định riêng của một số khu KTCK không còn phù hợp, gây vướng mắc trong quá trình thực hiện.

 

Các vướng mắc chủ yếu là về quy định nguồn vốn hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng từ ngân sách Trung ương; vốn huy động, vốn tín dụng Nhà nước cho các dự án; chính sách ưu đãi về thuế Giá trị gia tăng; ưu đãi về thuế XK, thuế NK; quy định về ưu đãi tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; quy định về phí, lệ phí và chính sách khai thác, sử dụng công trình hạ tầng; quy định ưu đãi về thuế đối với khách tham quan du lịch khu phi thuế quan...

 

Đảm bảo ưu đãi thuế XNK

 

Để thống nhất với những chính sách mới, đồng thời khắc phục bất cập, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg thay thế Quyết định số 33 và Quyết định số 93 nêu trên. Từ đó, nhiều chính sách về thuế, phí, lệ phí sẽ được sửa đổi, bổ sung, đặc biệt các ưu đãi về thuế XNK.

 

Trước đây, khu KTCK thuộc danh mục địa bàn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn và được hưởng ưu đãi về thuế NK, song, từ khi Nghị định số 87/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế XK, thuế NK có hiệu lực (1-10-2010), khu KTCK không thuộc danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư nên không được ưu đãi về thuế NK nữa.

 

Do các khu KTCK được hình thành ở khu vực biên giới đất liền về cơ bản thuộc địa bàn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn nên Quyết định mới cho phép các dự án đầu tư vào khu KTCK được hưởng ưu đãi về thuế NK như trước khi có Nghị định số 87.

 

Cụ thể, miễn thuế NK đối với hàng hoá NK để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư tại khu KTCK (trừ khu phi thuế quan) như: Thiết bị, máy móc; phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ trong nước chưa sản xuất được; phương tiện vận chuyển đưa đón công nhân gồm xe ô tô từ 24 chỗ ngồi trở lên và phương tiện thủy; linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng, gá lắp, khuôn mẫu, phụ kiện đi kèm để lắp ráp đồng bộ với thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng; nguyên liệu, vật tư trong nước chưa sản xuất được dùng để chế tạo thiết bị, máy móc nằm trong dây chuyền công nghệ hoặc để chế tạo linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng, gá lắp, khuôn mẫu, phụ kiện; vật tư xây dựng trong nước chưa sản xuất được.

 

Việc miễn thuế NK này được áp dụng cho cả trường hợp mở rộng quy mô dự án, thay thế công nghệ, đổi mới công nghệ.

 

Hàng hóa sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp tại khu phi thuế quan không sử dụng nguyên liệu, linh kiện NK từ nước ngoài khi NK vào nội địa Việt Nam cũng được miễn thuế NK. Trường hợp các mặt hàng trên có sử dụng nguyên liệu, linh kiện NK từ nước ngoài, khi NK vào nội địa Việt Nam chỉ phải nộp thuế NK tính trên phần nguyên liệu, linh kiện NK cấu thành trong hàng hóa đó.

 

Riêng hàng hoá sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp của dự án đầu tư có tổng vốn đầu tư trên 20 tỷ đồng tại khu KTCK quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) và Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo (Quảng Trị) có sử dụng nguyên liệu, linh kiện NK từ nước ngoài, khi NK vào nội địa Việt Nam được miễn thuế NK 5 năm kể từ khi bắt đầu sản xuất.

 

Trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh tại khu phi thuế quan NK vào nội địa đã có đăng ký với cơ quan Hải quan về danh mục hàng hóa NK sử dụng làm nguyên liệu, linh kiện sản xuất hàng NK vào nội địa và định mức nguyên liệu, linh kiện dùng để sản xuất hàng NK trước khi nhập vào nội địa Việt Nam, việc xác định thuế NK phải nộp căn cứ vào số lượng, mức thuế suất của mặt hàng NK vào nội địa Việt Nam và trị giá tính thuế tính trên phần nguyên liệu, linh kiện NK từ nước ngoài cấu thành trong hàng hóa NK vào nội địa Việt Nam. Trường hợp không xác định được trị giá tính thuế, cơ quan Hải quan ấn định thuế đối với phần nguyên liệu, linh kiện cấu thành trong mặt hàng NK vào nội địa Việt Nam theo quy định của pháp luật về quản lý thuế và trị giá hải quan.

 

Về thuế XK, có một thực tế là các công trình trong khu phi thuế quan nằm cố định trên lãnh thổ Việt Nam nhưng vật liệu phục vụ xây dựng mới hoặc sửa chữa lại là hàng hoá từ nội địa đưa vào khu phi thuế quan, theo quy định hiện hành phải chịu thuế XK. Để tháo gỡ vướng mắc này và khuyến khích xây dựng các công trình trong khu phi thuế quan, Thủ tướng Chính phủ đồng ý miễn thuế XK đối với hàng hóa là vật liệu xây dựng từ nội địa Việt Nam hoặc từ các khu chức năng khác trong khu KTCK đưa vào khu phi thuế quan thuộc khu KTCK để xây dựng, sửa chữa và bảo dưỡng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chung trong khu phi thuế quan. Việc miễn thuế XK cũng được áp dụng đối với hàng hoá, dịch vụ có xuất xứ từ nội địa Việt Nam XK vào và chỉ sử dụng trong Khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo (Quảng Trị) và Khu KTCK quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh).

 

Bên cạnh những sửa đổi, bổ sung này, nhiều quy định về thuế TNDN, thuế GTGT, các khoản phí, lệ phí... trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng hứa hẹn sẽ tháo gỡ được những vướng mắc hiện tại, đảm bảo cơ sở pháp lý và tính ổn định của chính sách.

Theo baohaiquan.vn