Tạm nộp 3 quý đầu không thấp hơn 75% số thuế phải nộp trong năm: Khắc phục tình trạng dồn nộp, giúp cân đối ngân sách nhà nước

01/05/2021 10:32:46 AM
Trường hợp doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận của quý I, quý II lớn, số thuế phát sinh phải nộp lớn, thì doanh nghiệp cần tính toán để tạm nộp số thuế phát sinh đó. Nếu số thuế tạm nộp càng sát số thuế phát sinh, thì doanh nghiệp sẽ không bị xử lý chậm nộp...

 

 
Ảnh trang 4
Doanh nghiệp nên chủ động thực hiện tạm nộp thuế theo đúng quy định. Ảnh: Nhật Minh

Có ý kiến cho rằng quy định trường hợp người nộp thuế nộp thiếu số thuế phải tạm nộp 3 quý đầu năm (75%) thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu là làm khó doanh nghiệp. Theo quan điểm của bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, trong khi chờ có văn bản hướng dẫn cụ thể, doanh nghiệp nên chủ động thực hiện tạm nộp để tránh bị phạt.

PV: Nghị định 126/2020/NĐ-CP (126) quy định người nộp thuế tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 3 quý đầu năm tối thiểu 75% số thuế phải nộp trong năm. Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu số thuế tạm nộp 3 quý đầu năm (75%), thì phải nộp tiền chậm nộp. Với tư cách là chuyên gia trong lĩnh vực thuế, bà có ý kiến gì về vấn đề này?

- Bà Nguyễn Thị Cúc: Liên quan đến quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), từ năm 2014 trở về trước, doanh nghiệp phải thực hiện kê khai, tạm nộp thuế TNDN hàng quý và thực hiện quyết toán theo năm. Nhưng để đơn giản thủ tục cho doanh nghiệp, hướng đến cải cách thủ tục hành chính thuế, theo Thông tư 151/2015/TT-BTC (151) của Bộ Tài chính,  từ 1/1/2015 doanh nghiệp không phải khai và nộp thuế TNDN hàng quý nữa, mà chỉ tạm nộp, cuối năm mới quyết toán.

 Bà Nguyễn Thị Cúc

Bà Nguyễn Thị Cúc

Cũng theo Thông tư 151, trường hợp tổng số thuế tạm nộp trong kỳ tính thuế thấp hơn số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán từ 20% trở lên, thì doanh nghiệp phải nộp tiền chậm nộp đối với phần chênh lệch từ 20% trở lên giữa số thuế tạm nộp, với số thuế phải nộp theo quyết toán, tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp thuế quý IV của doanh nghiệp, đến ngày thực nộp số thuế còn thiếu so với số quyết toán.

Khi Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp không phải kê khai thuế hàng quý, mà chỉ tạm nộp thuế, nhiều doanh nghiệp chấp hành tốt quy định này, đã thực hiện tạm nộp đều đặn. Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp lợi dụng quy định này dồn vào cuối năm, điều này ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước.

Xuất phát từ tình hình thực tế trên đây, khi ban hành Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều Luật Quản lý thuế, để khắc phục tình trạng này, nghị định đã quy định số tạm nộp 3 quý không thấp hơn 75% tổng số thuế phải nộp của năm. Quy định này sẽ khắc phục được tình trạng doanh nghiệp dồn nộp vào các tháng cuối năm, giúp cân đối ngân sách nhà nước, tuy nhiên, cũng phát sinh một số bất cập.

PV: Một số doanh nghiệp cho rằng, trong quá trình sản xuất kinh doanh, thuế TNDN không phải tháng nào cũng giống nhau, có doanh nghiệp đầu năm có doanh thu cao, nên phát sinh số thuế phải nộp cao, nhưng cũng có doanh nghiệp doanh thu quý IV cao và dồn số thuế phải nộp vào cuối năm. Bà nói gì về ý kiến này?

- Bà Nguyễn Thị Cúc: Thực tế cho thấy, số phát sinh thuế phải nộp không phải quý nào cũng như nhau. Có doanh nghiệp có thể quý IV thuận lợi thì phát sinh số thuế phải nộp cao, có doanh nghiệp lại phát sinh số thuế phải nộp cao vào quý II, hoặc quý III tùy theo tính chất kinh doanh, đặc điểm ngành hàng, sản phẩm kinh doanh của từng loại hình doanh nghiệp.

Theo quy định tại Nghị định 126, nếu trong quý IV doanh nghiệp tập trung sản xuất kinh doanh để hoàn thành kế hoạch, có thể dẫn đến số thuế phải nộp trên 25%. Trong trường hợp này, doanh nghiệp phải nộp tiền chậm nộp trên số thuế nộp thiếu là chưa hợp lý. Theo tôi, chính sách thuế hiện nay đã ngày càng hoàn thiện, trong Luật Quản lý thuế mới có rất nhiều nội dung tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Thông thường, nếu tạo thuận lợi thì doanh nghiệp ủng hộ, nếu chưa rõ ràng, hoặc bất lợi thì doanh nghiệp sẽ phản đối. Tôi cho rằng phản ứng của một số doanh nghiệp như vừa qua là chuyện hết sức bình thường.

Tôi cho rằng, Nghị định 126 chưa có hiệu lực với phần kê khai, tạm nộp thuế TNDN năm 2020, mà chỉ có hiệu lực đối với phần tạm nộp thuế TNDN theo quý của năm 2021.

PV: Trong trường hợp chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dung này, thì doanh nghiệp nên có kế hoạch như thế nào để không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, thưa bà?

- Bà Nguyễn Thị Cúc: Trong khi cơ quan quản lý chưa kịp sửa đổi, hoặc chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, thì từ năm 2021 doanh nghiệp cũng nên chủ động trong kế hoạch sản xuất kinh doanh, cũng như kế hoạch tài chính cho việc thực hiện nghĩa vụ thuế, vì thời điểm này nghị định đã chính thức có hiệu lực thi hành. Nghĩa là khi doanh nghiệp có số thuế phát sinh đến đâu, thì tạm nộp đến đó, không nên để đọng lại.

Trường hợp doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận của quý I, quý II lớn, số thuế phát sinh phải nộp lớn, thì doanh nghiệp cần tính toán để tạm nộp số thuế phát sinh đó. Nếu số thuế tạm nộp càng sát số thuế phát sinh, thì doanh nghiệp sẽ không bị xử lý chậm nộp theo quy định của Nghị định 126. Còn nếu doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng để chậm nộp, hoặc nộp dồn vào cuối năm sẽ bất lợi cho doanh nghiệp.

PV: Xin cảm ơn bà!

 

Theo Thời báo Tài chính