Ứng dụng công nghệ mới phục vụ chuyển đổi số ngành Thuế

12/26/2024 09:09:28 AM

TCDN - Trong năm 2025 và những năm tiếp theo, Tổng cục Thuế tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, quy trình quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin với các công nghệ mới phục vụ chuyển đổi số ngành Thuế.

Lấy người dân, người nộp thuế làm trung tâm chuyển đổi số

Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Tổng cục Thuế) Phạm Quang Toàn cho biết, trong thời gian qua, ngành Thuế đã nỗ lực cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý, từ việc hoàn thiện môi trường pháp lý đến phát triển hạ tầng, cung cấp các dịch vụ thuế điện tử theo hướng tích hợp.

Với mục tiêu lấy người dân, người nộp thuế là trung tâm của chuyển đổi số, ngành Thuế đã triển khai các dịch vụ thuế điện tử nhằm tạo thuận lợi, hỗ trợ NNT thực hiện các thủ tục hành chính thuế. Ngành Thuế đã cung cấp cho doanh nghiệp (DN) đầy đủ các dịch vụ điện tử từ đăng ký, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, miễn giảm thuế trên hệ thống eTax. Đến nay, đã có  99,93% DN đang hoạt động đăng ký, sử dụng ứng dụng eTax. Trong năm 2024, hệ thống eTax đã tiếp nhận và xử lý hơn 15,5 triệu hồ sơ điện tử.

Trung tâm giám sát công nghệ thông tin Tổng cục Thuế.

Trung tâm giám sát công nghệ thông tin Tổng cục Thuế.

Tổng cục Thuế đã triển khai và vận hành ứng dụng eTax Mobile nhằm mở rộng thêm các kênh giao tiếp, hỗ trợ người nộp thuế (NNT) là cá nhân tra cứu nghĩa vụ thuế, khai thuế, nộp thuế mọi lúc, mọi nơi giúp NNT thực hiện nắm bắt được thông tin và thực hiện nghĩa vụ thuế một cách dễ dàng, minh bạch. Đến nay, đã có hơn 4,6 triệu tài khoản đăng ký sử dụng và hơn 10 triệu lượt đăng nhập vào hệ thống bằng tài khoản VNeID.

Bên cạnh đó, theo ông Toàn, ngành Thuế đã hoàn thành triển khai 147 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình, trong đó đã tích hợp 123 DVCTT lên Cổng DVCQG. Số lượng hồ sơ đã đồng bộ trạng thái lên Cổng DVCQG trong năm 2024 là hơn 22 triệu hồ sơ.

Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin cho hay, để thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ yêu cầu quản lý và hỗ trợ NNT theo yêu cầu của Chính phủ, ngành Thuế đã đẩy mạnh triển khai, thu thập thông tin từ các nguồn khác nhau. Kết nối, trao đổi thông tin về thuế với Bộ Tài chính để tạo lập cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính gồm: các thông tin về hồ sơ khai thuế, sổ thuế, sổ nợ thuế, thông tin đăng ký thuế, báo cáo tài chính, quyết định do cơ quan thuế ban hành và thông tin về kết quả thanh tra, kiểm tra.

Ngành Thuế đã xây dựng quy trình quản lý hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo hướng đơn giản, tự động và xây dựng hệ thống CNTT đáp ứng việc triển khai HĐĐT trên phạm vi toàn quốc từ tháng 7/2022. Việc triển khai HĐĐT giúp tạo thuận lợi cho người bán, người mua trong việc lập và gửi hóa đơn một cách nhanh chóng; thuận lơi trong việc quản lý, tra cứu hoá đơn mua vào, bán ra phục vụ kiểm soát hóa đơn đầu vào, ra của doanh nghiệp. Đến ngày 30/11/2024, hệ thống HĐĐT đã tiếp nhận và xử lý hơn 11,2 tỷ hóa đơn. Đây là nguồn cơ sở dữ liệu lớn phục vụ phân tích, quản lý rủi ro về NNT, hạn chế tối đa tình trạng sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, gian lận, trốn thuế.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng kết nối trao đổi, thông tin với các đơn vị, Bộ, ngành; rà soát, chuẩn hóa dữ liệu MST với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư giúp kiểm soát thông tin NNT, tránh tình trạng 1 NNT có nhiều MST và làm cơ sở triển khai sử dụng mã định danh cá nhân thay cho MST cá nhân.

Về chống thất thu thuế hoạt động thương mại điện tử, theo ông Toàn, từ tháng 3/2022, ngành Thuế đã triển khai Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) hỗ trợ đăng ký, kê khai, nộp thuế trực tiếp cho cơ quan thuế từ bất cứ đâu trên thế giới. Kết quả đến nay, đã có 119 NCCNN thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng NCCNN với tổng số thuế đã nộp trong năm 2024 là 8.687 tỷ VNĐ.

Tiếp đó, tháng 12/2022, Tổng cục Thuế đã triển khai Cổng thông tin thương mại điện tử (TMĐT) để tiếp nhận thông tin của DN, cá nhân kinh doanh trên các sàn TMĐT. Đến nay, có 439 sàn TMĐT gửi thông tin đến cơ quan thuế. Từ thông tin các sàn TMĐT cung cấp, cơ quan thuế đã sàng lọc thông tin và có biện pháp tăng cường quản lý đối với hơn 68.000 tổ chức, 502.000 cá nhân kinh doanh đã được định danh trên sàn và hơn 330 tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Cuối năm 2022, Tổng cục Thuế cũng chính thức triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Đến nay, có hơn 90.900 DN, hộ kinh doanh đăng ký sử dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền với số lượng là 1,23 tỷ hóa đơn.

Tổng cục Thuế cũng đã hoàn thành xây dựng Cổng Thông tin điện tử dành cho hộ, cá nhân kinh doanh có hoạt động TMĐT và kinh doanh trên nền tảng số thực hiện đăng ký, khai thuế và nộp thuế, chính thức triển khai từ ngày 19/12/2024.

Trong thời gian qua, ngành Thuế đã tích cực ứng dụng công nghệ số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (Big Data) nhằm nâng cao hiệu quả quản lý thuế và phòng chống gian lận. Ngành Thuế đã triển khai thí điểm Chatbot AI hỗ trợ NNT hỏi đáp các thông tin về chính sách, pháp luật thuế tại Cục Thuế Hà Nội. Việc triển khai Trợ lý ảo giúp giảm nguồn lực của cơ quan thuế và nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ NNT.

Hệ thống công nghệ thông tin tích hợp, tập trung

Ông Phạm Quang Toàn cho hay, năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá để về đích, hoàn thành mục tiêu kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 2021-2025. Vì vậy, trong năm 2025 và các năm  tiếp theo, Tổng cục Thuế tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, quy trình quản lý, ứng dụng CNTT với các công nghệ mới phục vụ chuyển đổi số ngành Thuế.

Cụ thể, với mục tiêu lấy người dân, DN làm trung tâm, trong năm 2025, ngành Thuế tiếp tục: triển khai các DVCTT với mục tiêu đến hết năm 2025 cung cấp 100% DVCTT toàn trình, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của cán bộ thuế và tăng sự hài lòng của NNT; Phối hợp với Bộ Công an triển khai thí điểm dùng tài khoản định danh của tổ chức để sử dụng các dịch vụ điện tử của cơ quan thuế vào tháng 1/2025 và triển khai rộng trước tháng 7/2025.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Triển khai tự động hóa quy trình và ứng dụng CNTT đáp ứng hoàn thuế TNCN tự động trong quý I/2025. Triển khai sử dụng mã định danh cá nhân thay cho MST cá nhân vào quý III/2025.

Đồng thời, trong giai đoạn tiếp theo, ngành Thuế tiếp tục xây dựng và triển khai hệ thống CNTT hiện đại, tích hợp, tập trung đáp ứng quy trình nghiệp vụ mới, đảm bảo hoạt động 24/7, thống nhất, đồng bộ.

Trong đó đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, quy trình nghiệp vụ thuế theo hướng đơn giản nhằm hỗ trợ tự động tối đa theo luồng xử lý công việc, hạn chế sự can thiệp của con người trong quá trình thực hiện, từ đó, giúp giảm thời gian xử lý, tăng hiệu suất của cán bộ thuế và minh bạch công tác quản lý thuế.

Xây dựng hệ thống CNTT tích hợp, tập trung trên nền tảng kiến trúc hiện đại, ứng dụng công nghệ số, đáp ứng các quy trình nghiệp vụ mới.

Song song với đó, ngành Thuế sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về thuế. Theo đó, mở rộng triển khai kết nối, trao đổi thông tin với các Bộ, ngành và các đơn vị bên ngoài (Ngân hàng, Bảo hiểm, Chứng khoán, Quản lý đất đai,...) phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về NNT, từ đó hỗ trợ tự động xác định nghĩa vụ thuế và cung cấp thông tin tối đa cho NNT khi thực hiện nghĩa vụ thuế của mình.

Kết nối, trao đổi thông tin với Cục Xuất nhập cảnh - Bộ Công an để triển khai trao đổi điện tử, tự động đối với Thông báo tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn/hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh, giúp NNT nắm bắt nhanh, đầy đủ thông tin và tự giác tuân thủ, sẽ triển khai trong tháng 1/2025.

Trong giai đoạn tới, ngành Thuế tiếp tục triển khai tích hợp với các cơ sở dữ liệu quốc gia để phân tích dữ liệu, phân loại NNT có rủi ro trên phạm vi toàn quốc phục vụ thanh tra, kiểm tra và hỗ trợ công tác chỉ đạo điều hành, ra quyết định.

Lãnh đạo Cục Công nghệ Thông tin nhấn mạnh, ngành Thuế sẽ Tiếp tục củng cố, hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ công tác phân tích dữ liệu, quản lý rủi ro đối với hoạt động TMĐT. Triển khai mở rộng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền cho toàn bộ tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh. Xây dựng giải pháp thu thập thông tin từ các nền tảng số, từ các đơn vị vận chuyển, từ đó định danh toàn bộ tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT phục vụ công tác quản lý.Ngoài ra, Ngành Thuế sẽ áp dụng các mô hình, giải pháp CNTT trên nền tảng cơ sở dữ liệu lớn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao hiệu quả công tác quản lý.

Trong đó sử dụng công nghệ AI để phát hiện các giao dịch bất thường và các rủi ro của NNT để thông báo kịp thời cho NNT. Sử dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn phục vụ công tác dự báo, hoạch định số thu ngân sách nhà nước và ra quyết định. Mở rộng triển khai Chatbot AI phục vụ NNT hỏi đáp thông tin về thuế trên phạm vi toàn quốc.

Triển khai thí điểm ứng dụng Trợ lý ảo cho công chức thuế trong công tác quản lý nợ tại Cục Thuế Hà Nội trong tháng 1/2025. Triển khai giải pháp giám sát, kiểm soát hoạt động của cơ quan thuế để nâng cao hiệu suất, hiệu quả của cán bộ thuế.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành khẳng định, trong năm 2025, ngành Thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ Dữ liệu lớn (Big Data), Trí tuệ nhân tạo (AI) vào tất cả các khâu quản lý thuế. Xây dựng, khai thác tối đa hiệu quả cơ sở dữ liệu lớn của ngành Thuế kết hợp dữ liệu từ đề án 06 để nhận diện các nguồn thu, khu vực, sắc thuế còn dư địa thu, chống thất thu ngân sách nhà nước. Chuyển đổi mạnh mẽ tư duy quản lý, chuyển từ quản lý hành chính sang phục vụ.

 
An Nhiên
https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/