Hỏi - Đáp (2013.11.20)

11/20/2013 11:34:05 AM





Upload file:

Câu 1:

 

Về việc kê khai thuế GTGT, TNDN, thuế Tài nguyên, Môn bài của Công ty cổ phần thủy điện  có chi nhánh hạch toán phụ thuộc ở các tỉnh khác  được quy định như thế nào?

 

Trả lời:

 

1. Kê khai, nộp thuế GTGT:

 

Theo quy định tại Khoản 1.c Điều 10 Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28/02/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật QLT thì:

 

“Trường hợp người nộp thuế có đơn vị trực thuộc kinh doanh ở địa phương cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính thì đơn vị trực thuộc nộp hồ sơ khai thuế GTGT cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của đơn vị trực thuộc; nếu đơn vị trực thuộc không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu thì thực hiện khai thuế tập trung tại trụ sở chính của người nộp thuế”.

 

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 Thông tư số 28/2011/TT-BTC nêu trên thì: “Cơ sở sản xuất thủy điện thực hiện kê khai thuế giá trị gia tăng tại địa phương nơi đóng trụ sở chính và nộp thuế GTGT vào kho bạc địa phương nơi có nhà máy sản xuất thủy điện (nơi có tuabin, đập thủy điện và những cơ sở vật chất chủ yếu của nhà máy điện). Trường hợp nhà máy thủy điện nằm chung trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì thuế giá trị gia tăng do cơ sở sản xuất thủy điện nộp ngân sách các tỉnh thực hiện theo tỷ lệ tương ứng giá trị đầu tư của nhà máy (bao gồm: tuabin, đập thủy điện và các cơ sở vật chất chủ yếu của nhà máy điện) nằm trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cơ sở sản xuất thủy điện thực hiện kê khai thuế GTGT tại địa phương nơi đóng trụ sở chính đồng thời sao gửi tờ khai thuế GTGT cho cơ quan thuế địa phương nơi được hưởng nguồn thu thuế GTGT”.

 

Căn cứ các hướng dẫn trên, trường hợp Công ty cổ phần Thủy Điện Miền Trung (trụ sở đóng tại thành phố Đà Nẵng) có chi nhánh hạch toán phụ thuộc là Nhà máy thủy điện A Lưới có trụ sở tại tỉnh Thừa Thiên Huế (khác địa bàn nơi Công ty đóng trụ sở chính) thì Công ty thực hiện kê khai thuế GTGT tập trung tại trụ sở chính (thành phố Đà Nẵng) và nộp thuế GTGT phát sinh tại Nhà máy vào kho bạc địa phương nơi có Nhà máy sản xuất thủy điện (tỉnh Thừa Thiên Huế).

 

2. Kê khai, nộp thuế TNDN:

 

Theo quy định tại Khoản 7 Điều 11 Thông tư số 28/2011/TT-BTC nêu trên hướng dẫn khai thuế TNDN thì:

 

“7. Khai thuế thu nhập doanh nghiệp đối với trường hợp doanh nghiệp có cơ sở sản xuất (bao gồm cả cơ sở gia công, lắp ráp) hạch toán phụ thuộc hoạt động tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với địa bàn nơi đơn vị đóng trụ sở chính thì khi nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp tại nơi đóng trụ sở chính có trách nhiệm khai tập trung tại trụ sở chính cả phần phát sinh tại nơi đóng trụ sở chính và ở nơi có cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc.

 

Số thuế thu nhập doanh nghiệp tính nộp ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc được xác định bằng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong kỳ nhân (x) tỷ lệ chi phí của cơ sở sản xuất hạch toán phụ thuộc với tổng chi phí của doanh nghiệp...”;

 

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 Thông tư số 28/2011/TT-BTC nêu trên thì:

 

“a) Công ty thủy điện hạch toán độc lập nộp thuế thu nhập doanh nghiệp tại nơi có trụ sở chính. Công ty thủy điện hạch toán độc lập có các cơ sở sản xuất thủy điện hạch toán phụ thuộc hoạt động tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với địa bàn nơi Công ty thủy điện đóng trụ sở chính; các cơ sở sản xuất thủy điện hạch toán phụ thuộc Công ty mẹ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (gọi tắt là EVN) (bao gồm các công ty thủy điện hạch toán phụ thuộc và các nhà máy thủy điện phụ thuộc) đóng ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác với nơi có trụ sở chính của Văn phòng EVN thì số thuế thu nhập doanh nghiệp được tính nộp ở nơi có trụ sở chính và nơi có các cơ sở sản xuất thủy điện hạch toán phụ thuộc, số thuế thu nhập doanh nghiệp tính nộp ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có cơ sở sản xuất thủy điện hạch toán phụ thuộc được xác định bằng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong kỳ nhân (x) tỷ lệ chi phí của cơ sở sản xuất thủy điện hạch toán phụ thuộc với tổng chi phí của doanh nghiệp…”

 

Căn cứ các hướng dẫn trên, trường hợp Công ty cổ phần Thủy Điện Miền Trung (trụ sở đóng tại thành phố Đà Nẵng) có Chi nhánh hạch toán phụ thuộc là Nhà máy thủy điện A Lưới có trụ sở tại tỉnh Thừa Thiên Huế (khác địa bàn nơi Công ty đóng trụ sở chính) thì số thuế TNDN được tính nộp ở thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế. Số thuế TNDN tính nộp ở tỉnh Thừa Thiên Huế nơi Chi nhánh đóng trụ sở được xác định bằng số thuế TNDN phải nộp trong kỳ nhân (x) tỷ lệ chi phí của Nhà máy thủy điện A Lưới với tổng chi phí của Công ty cổ phần Thủy điện Miền Trung.

 

3. Kê khai, nộp thuế tài nguyên, môn bài:

 

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 20 Thông tư số 28/2011/TT-BTC nêu trên thì: “Cơ sở sản xuất thủy điện thực hiện khai, nộp thuế tài nguyên tại địa phương nơi đăng ký kê khai nộp thuế theo Tờ khai thuế tài nguyên dùng cho các cơ sở sản xuất thủy điện mẫu số 03/TĐ-TAIN ban hành kèm theo Thông tư này. Trường hợp lòng hồ thủy điện của cơ sở sản xuất thủy điện nằm chung trên địa bàn các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương thì số thuế tài nguyên của cơ sở sản xuất thủy điện được phân chia cho các địa phương nơi có chung lòng hồ thủy điện, cơ sở sản xuất thủy điện nộp hồ sơ khai thuế tài nguyên cho cơ quan thuế địa phương nơi đăng ký kê khai thuế (hoặc nơi đóng trụ sở) và sao gửi Tờ khai thuế tài nguyên cho cơ quan thuế địa phương nơi được hưởng nguồn thu thuế tài nguyên, thực hiện nộp thuế tài nguyên cho ngân sách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở diện tích lòng hồ thủy điện; kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư; số hộ dân phải di chuyển tái định cư và giá trị đền bù thiệt hại ở lòng hồ”;

 

Theo quy định tại Điều 15 Thông tư số 28/2011/TT-BTC nêu trên thì: “Trường hợp người nộp thuế có đơn vị trực thuộc ở khác địa phương cấp tỉnh nơi người nộp thuế có trụ sở chính thì đơn vị trực thuộc thực hiện nộp Tờ khai thuế môn bài của đơn vị trực thuộc cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp đơn vị trực thuộc”.

 

Căn cứ hướng dẫn trên thì Chi nhánh Công ty cổ phần Thủy Điện Miền Trung - Nhà máy thủy điện A Lưới - có trụ sở tại tỉnh Thừa Thiên Huế, thực hiện kê khai, nộp thuế tài nguyên và thuế môn bài tại địa phương nơi có nhà máy sản xuất thủy điện (tỉnh Thừa Thiên Huế).

 

Câu 2:

 

Cá nhân có hoạt động chuyển nhượng thẻ gôn có phải  kê khai nộp thuế GTGT như thế nào?

 

Trả lời:

 

1. Về thuế GTGT:

 

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 5 Thông tư số 06/2012/TT-BTC ngày 11/01/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế GTGT thì:

 

“4. Tổ chức, cá nhân không kinh doanh, không phải là người nộp thuế GTGT thì không phải kê khai, tính thuế GTGT khi bán tài sản, kể cả trường hợp bán tài sản đang sử dụng để bảo đảm tiền vay tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng.

 

Ví dụ 15: Ông A là cá nhân không kinh doanh bán 01 ô tô 4 chỗ ngồi cho ông B với giá là 600 triệu đồng thì ông A không phải kê khai, tính thuế GTGT đối với số tiền bán ô tô thu được.

 

Ví dụ 16: Ông E là cá nhân không kinh doanh thế chấp 01 ô tô 4 chỗ ngồi cho ngân hàng VC để vay tiền. Đến thời hạn phải thanh toán theo hợp đồng, Ông E không thanh toán được cho ngân hàng VC nên tài sản là ô tô thế chấp bị bán phát mại để thu hồi nợ thì khoản tiền thu được từ bán phát mại chiếc ôtô thế chấp nêu trên không phải kê khai, tính thuế GTGT”.

 

Căn cứ hướng dẫn trên, trường hợp cá nhân không có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng có phát sinh hoạt động chuyển nhượng (01) thẻ hội viên sân gôn (golf) cho tổ chức, cá nhân khác thì cá nhân thực hiện việc chuyển nhượng không phải kê khai, tính thuế GTGT khi chuyển nhượng, bán tài sản là thẻ hội viên sân gôn nêu trên.

 

2. Về thuế TNCN:

 

Về thuế TNCN đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng thể hội viên sân gôn, Tổng cục Thuế đã có công văn số 4124/TCT-TNCN ngày 16/11/2011 trả lời Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cụ thể là:

 

Trả lời công văn số 2060/CT-TTHT ngày 19/04/2011 của Cục thuế tỉnh Quảng Nam hỏi về thuế TNCN đối với chuyển nhượng thẻ hội viên sân gôn, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

 

Tại Điều 3 Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) thì chỉ quy định 10 loại thu nhập chịu thuế bao gồm: Thu nhập từ kinh doanh; Thu nhập từ tiền lương, tiền công; Thu nhập từ đầu tư vốn; Thu nhập từ chuyển nhượng vốn; Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; Thu nhập từ trúng thưởng; Thu nhập từ bản quyền; Thu nhập từ nhượng quyền thương mại; Thu nhập từ nhận thừa kế; Thu nhập từ quà tặng.

 

Vì vậy, thu nhập từ chuyển nhượng thẻ hội viên sân gôn của hội viên không được quy định cụ thể, chi tiết trong 10 khoản Thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật thuế TNCN và các văn bản hướng dẫn thi hành. Do đó, đề nghị Cục Thuế tỉnh Quảng Nam căn cứ vào hồ sơ và phát sinh thực tế của hợp đồng chuyển nhượng để xác định chính xác bản chất nguồn thu nhập phát sinh từ chuyển nhượng thẻ hội viên. Trên cơ sở đó hướng dẫn đơn vị thực hiện đúng quy định của pháp luật.

 

Câu 3:

 

Thuế suất thuế GTGT đối với quả lọc thận nhân tạo được quy định như thế nào?

 

Trả lời:

 

Tổng cục Hải quan đã có công văn số 3009/TCHQ-TXNK ngày 23/6/2011 hướng dẫn: “Bộ phận, phụ tùng của máy móc, thiết bị y tế nhập khẩu về chỉ sử dụng cho y tế (không sử dụng cho mục đích khác), ví dụ: Quả lọc thận sử dụng cho máy thận nhân tạo; Quả lọc gan sử dụng cho máy lọc gan … có thuế suất thuế GTGT là 5%”.

 

Tại điểm 3 mục II phần B Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính về thuế GTGT hướng dẫn:

 

“Các mức thuế suất thuế GTGT nêu trên đây được áp dụng thống nhất cho từng loại hàng hóa, dịch vụ ở các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công hay kinh doanh thương mại”.

 

Tại Điều 11 Thông tư số 06/2012/TT-BTC ngày 11/01/2012 của Bộ Tài chính về thuế GTGT hướng dẫn:

 

“Các mức thuế suất thuế GTGT nêu tại Điều 10, Điều 11 được áp dụng thống nhất cho từng loại hàng hóa, dịch vụ ở các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công hay kinh doanh thương mại.”Do đó quả lọc thận sử dụng cho máy thận nhân tạo được áp dụng có thuế suất thuế GTGT là 5% 

 

Câu 4:

 

Chính sách thuế GTGT đối với chiết khấu hàng hóa được hướng dẫn như thế nào?

 

Trả lời:

 

Tại điểm 1, mục I Phần B Thông tư số 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và hướng dẫn thi hành Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế GTGT hướng dẫn: “1. Giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ được xác định cụ thể như sau:

 

1.1. Đối với hàng hóa, dịch vụ do cơ sở sản xuất, kinh doanh bán ra là giá bán chưa có thuế GTGT. Đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán đã có thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng chưa có thuế GTGT.

 

Giá tính thuế đối với các loại hàng hóa, dịch vụ bao gồm cả khoản phụ thu và phí thu thêm ngoài giá hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở kinh doanh được hưởng, trừ các khoản phụ thu và phí cơ sở kinh doanh phải nộp NSNN. Trường hợp cơ sở kinh doanh áp dụng hình thức giảm giá bán, chiết khấu thương mại dành cho khách hàng (nếu có) thì giá tính thuế GTGT là giá bán đã giảm, đã chiết khấu thương mại dành cho khách hàng”.

 

Căn cứ hướng dẫn trên và theo trình bày tại văn bản ngày 14/03/2012 của Văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh của Tập đoàn Baxter Healthcare tại Việt Nam, trường hợp cơ sở kinh doanh nhập khẩu thuốc tăng giá bán thuốc (được Bộ Y tế đồng ý) thì giá tính thuế GTGT là giá bán thực tế của cơ sở kinh doanh nhập khẩu thuốc bán ra.

 

- Đối với thuốc bán cho Nhà thuốc đã tăng giá (được Bộ Y tế đồng ý) thì giá tính thuế GTGT là giá bán đã tăng của cơ sở kinh doanh nhập khẩu thuốc bán ra.

 

- Đối với thuốc bán cho Bệnh viện theo quy định về thầu (điều kiện về hợp đồng thầu thì giá không thay đổi) thì giá tính thuế GTGT là giá bán thực tế của cơ sở kinh doanh nhập khẩu thuốc bán ra.

 

Theo VTCA