Hỏi - Đáp (Thuế TNCN)_07.01.2013

01/07/2014 02:24:22 PM





Upload file:

Câu 1:

 

Chi phí môi giới trước (khi góp vốn) và sau khi chuyển nhượng có được trừ vào chi phí của hoạt động chuyển nhượng vốn không?

 

Trả Lời:

 

Tại điểm 2.1.1, Mục II, Phần B Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/09/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn:

 

"2.1.1. Thu nhập tính thuế: Thu nhập tính thuế từ chuyển nhượng phần vốn góp là thu nhập chịu thuế được xác định bằng giá chuyển nhượng trừ giá mua của phần vốn góp và các chi phí liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn.

 

a) Giá chuyển nhượng

 

Giá chuyển nhượng là số tiền mà cá nhân nhận được theo hợp đồng chuyển nhượng vốn.

 

Trường hợp hợp đồng chuyển nhượng không quy định giá thanh toán hoặc giá thanh toán trên hợp đồng không phù hợp với giá thị trường thì cơ quan thuế có quyền ấn định giá chuyển nhượng theo quy định của Luật Quản ly thuế và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật.

 

b) Giá mua

 

Giá mua của phần vốn góp được xác định đối với từng trường hợp như sau:

 

- Nếu là chuyển nhượng vốn góp thành lập doanh nghiệp là trị giá phần vốn tại thời điểm góp vốn. Trị giá vốn góp được xác định trên cơ sở sổ sách kế toán, hoá đơn, chứng từ.

 

Nếu là phần vốn do mua lại thì giá mua là giá trị phần vốn đó tại thời điểm mua. Giá mua được xác định căn cứ vào hợp đồng mua lại phần vốn góp.

 

c) Các chi phí liên quan được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của hoạt động chuyển nhượng vốn: là những chi phí hợp lý thực tế phát sinh liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn, có hoá đơn, chứng từ hợp lệ theo chế độ quy định. Cụ thể như sau:

 

- Chi phí để làm các thủ tục pháp lý cần thiết cho việc chuyển nhượng;

 

- Các khoản phí và lệ phí người chuyển nhượng nộp ngân sách khi làm thủ tục chuyển nhượng;

 

- Các khoản chi phí khác có liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng vốn có hoá đơn, chứng từ hợp lệ."

 

Căn cứ các hướng dẫn nêu trên, chi phí môi giới mà ông Quân đã trả khi đầu tư (lúc mua) để sở hữu vốn trước khi chuyển nhượng vốn lại cho tổ chức, cá nhân khác không liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng vốn nên không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Còn chi phí môi giới mà ông Quân đã trả khi chuyển nhượng (lúc bán) liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng vốn sẽ được xác định là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của hoạt động chuyển nhượng vốn, nếu:

 

- Có hoá đơn hợp pháp (trường hợp bên môi giới là tổ chức, cá nhân kinh doanh);

 

- Có hồ sơ khai thuế, khấu trừ, nộp thuế TNCN phù hợp với thời gian chuyển nhượng vốn (trường hợp bên môi giới là cá nhân không kinh doanh).

 

Về việc xác định giá chuyển nhượng, giá mua của phần vốn góp, đề nghị ông thực hiện theo hướng dẫn nêu trên.

 

Câu 2:

 

Nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN của cá nhân chỉ có khoản thu nhập khấu trừ 10% được hướng dẫn như thế nào?

 

Trả Lời:

 

- Tại điểm b.3, khoản 6, Điều 14 Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28/02/2011của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 và Nghị định số 1 06/2010/NĐ-CP ngày 28/10/2010 của Chính phủ, công văn số 230/TCT-TNCN ngày 17/01/2012 của Tổng cục Thuế hướng dẫn quyết toán thuế năm 2011 đã hướng dẫn nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế:

 

"Trường hợp cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công tại một nơi thì nộp hồ sơ quyết toán thuế tại cơ quan thuế trực tiếp quản lý đơn vị trả thu nhập."

 

- Tại điểm 1e, mục IV công văn số 1700/TCT-TNCN ngày 21/5/2010 của Tổng cục Thuế hướng dẫn bổ sung quyết toán thuế TNCN năm 2009 hướng dẫn:

 

"Cá nhân không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng đã bị khấu trừ thuế thì nộp hồ sơ quyết toán thuế tại cơ quan thuế nơi cá nhân đó cư trú.”

 

- Tại điểm 3.2c, khoản 3, Mục V, Công văn số 486/TCT-TNCN ngày 11/02/2011 của Tổng cục Thuế hướng dẫn quyết toán thuế TNCN năm 2010 có hướng dẫn:

 

"b. Trường hợp cá nhân không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đong lao động dưới 3 tháng đã bị khấu trừ thuế 10% thì nộp hồ sơ quyết toán thuế tại cơ quan thuế nơi cá nhân đó cư trú."

 

Căn cứ các hướng dẫn nêu trên, trường hợp của Bà thường trú tại tỉnh Hà Nam, trong năm 2011 có một nguồn thu nhập duy nhất từ việc bán hàng đa cấp tại Công ty TNHH Thiên Su trụ sở ở tỉnh Hải Dương, công ty này đã khấu trừ thuế TNCN 10% và cấp cho Bà chứng từ khấu trừ thuế thì Bà có thể nộp hồ sơ quyết toán thuế tại Chi cục Thuế huyện Thanh Liêm tỉnh Hà Nam.

 

Cục thuế tỉnh Hà Nam có trách nhiệm chỉ đạo Chi cục thuế huyện Thanh Liêm giải quyết hồ sơ quyết toán thuế của Bà Nguyễn Thị Nga.

 

Câu 3:

 

Nhân viên của Công ty là đối tượng cư trú tại Việt Nam nhưng công việc được thực hiện tại Lào thì thu nhập của cá nhân bị đánh thuế TNCN như thế nào ?

 

Trả Lời:

 

- Tại Mục I, Phần A Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế TNCN hướng dẫn:

 

“Đối với cá nhân cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.

 

………………………..

 

1. Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

 

1.1………………………..

 

1.2. Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo một trong hai trường hợp sau:

 

1.2.1. Có nơi ở đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật về cư trú:

 

a) Đối với công dân Việt Nam: nơi ở đăng ký thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký cư trú theo quy định của Luật cư trú.”

 

- Tại khoản 1, Điều 15 Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Lào quy định:

 

“1. Thể theo các quy định tại Điều 16, 18 và 19 các khoản tiền lương, tiền công và các khoản tiền thù lao tương tự khác do một đối tượng cư trú của một Nước ký kết thu được từ lao động làm công sẽ chỉ bị đánh thuế tại Nước đó, trừ khi công việc của đối tượng đó được thực hiện tại Nước ký kết kia. Nếu công việc làm công được thực hiện như vậy, số tiền công trả cho lao động đó có thể bị đánh thuế tại Nước kia.”

 

- Tại khoản 1, Điều 22 Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Lào quy định:

 

“1. Tại Việt Nam việc đánh thuế hai lần sẽ được xóa bỏ như sau:

 

Khi một đối tượng cư trú của Việt Nam nhận được thu nhập mà, theo các quy định của Hiệp định này, có thể bị đánh thuế tại Lào, Việt Nam sẽ cho phép trừ vào số thuế phải nộp trên thu nhập của đối tượng cư trú đó một khoản thuế tương đương số thuế thu nhập đã nộp tại Lào.

 

Tuy nhiên, số thuế được khấu trừ như vậy trong từng trường hợp sẽ không vượt quá phần thuế thu nhập của Việt Nam, được tính trước khi cho phép khấu trừ thuế thu nhập, phù hợp với các luật và quy định về thuế của Việt Nam”.

 

Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp nhân viên của Công ty là đối tượng cư trú tại Việt Nam nhưng công việc được thực hiện tại Lào thì thu nhập của cá nhân bị đánh thuế tại Việt Nam và có thể bị đánh thuế tại Lào. Nếu cá nhân nêu trên đã kê khai, nộp thuế tại Lào cho phần thu nhập thực hiện công việc tại Lào thì Việt Nam sẽ cho phép trừ vào số thuế phải nộp tại Việt Nam tương đương số thuế đã nộp tại Lào nhưng không vượt quá số thuế phải nộp cho phần thu nhập tại Lào tính theo Luật Việt Nam.

Theo VTCA