Hỏi - Đáp (2013.10.07)

10/07/2013 04:48:40 PM





Upload file:

Câu 1 :

Bộ tài Chính & Tổng cục Thuế. Trong niên độ quyết toán thuế TNCN của người lao động năm 2010, 2011 và 2012, những cá nhân có Hợp đồng lao động trên 3 tháng nhưng chưa được cấp mã số thuế cá nhân cùng năm quyết toán ( vào làm tháng 10 năm 2010 nhưng đến tháng 05 năm 2011 mới được cấp MST ). Khi thanh toán lương hàng tháng và làm quyết toán thuế TNCN hàng năm, tôi áp dụng Mục 3 điểm I Phần B thông tư 84/2008TT-BTC ngày 30/09/2009 và tại Điều 5 Thông tư 62 /2009TT-BTC ngày 27/03/2009 để tính thuế TNCN theo biểu thuế luỹ tiến từng phần có giảm trừ bản thân nhưng không giảm trừ người phụ thuộc. Ví dụ : Thu nhập người lao động trung bình là 6 triệu đồng/ tháng khi có chưa có MST với thời hạn HĐ 12 tháng thì Công ty phải tính thuế & khấu trừ thu nhập người lao động như thế nào cho đúng Luật thuế. Trong năm 2011 & 2012 những cá nhân không uỷ quyền cho công ty quyết toán thay tôi áp dụng theo công văn 187/TCT-TNCN ngày 15/01/2013 chỉ kê khai thuế TNCN khấu trừ hàng tháng. Vậy công ty tôi có phải chịu trách nhiệm đối với những cá nhân không uỷ quyền này khi quyết toán Thuế TNCN? Trân trọng cảm ơn và mong nhận được hồi âm.

 

Trả Lời:

Trước hết, chúng tôi nhận thấy DN của Bạn có thiếu sót là chưa làm tốt và sớm thủ tục để đăng ký MST cho cá nhân, tuy nhiên tháng 5/2011 mới có MST và DN dùng ngay MST này để làm thủ tục quyết toán thuế 2010 cho cá nhân thì cũng có thể chấp nhận được.

 

Việc chỉ tính giảm trừ bản thân mà không tính giảm trừ người phụ thuộc cũng là phù hợp vì người nộp thuế không khai gia cảnh với DN của bạn, quan trọng nhất là thời điểm kết thúc năm, cá nhân đó có MST rồi thì những tháng trước đó (trong phạm vi 12 tháng) việc đã tạm khấu trừ theo biểu luỹ tiến từng phần, có tính giảm trừ bản thân cũng là việc làm được chấp nhận.

 

Thủ tục uỷ quyền của cá nhân cho DN trả thu nhập thực hiện quyết toán thuế thay cho họ là nhằm bảo đảm rằng họ tự biết có nguồn thu nhập thứ 2 hoặc có thêm thu nhập từ kinh doanh hay không, đồng thời cũng là biện pháp giúp cho DN trả thu nhập không bị rắc rối sau này nếu như cá nhân đó có thiếu thuế.

 

Với các trường hợp 2011 và 2012 khi cá nhân chưa làm thủ tục uỷ quyền, DN của bạn tự ý quyết toán thuế thì có thể bị xử phạt hành chính (về thủ tục, với mức phạt nhẹ thôi).

 

Trường hợp cơ quan thuế có thông tin chứng minh rằng các cá nhân kia có các khoản thu nhập khác nữa thì lúc đó mới xét đến trách nhiệm liên đới của DN của Bạn. Chúng tôi được biết đến nay (2013) chưa có thông tin nào về việc xử lý trách nhiệm liên đới do thiếu thủ tục uỷ quyền, bạn yên tâm để có sức khoẻ làm việc tốt.

 

Câu 2:

 Bộ Tài Chính Vào năm 2011, tôi có mua 1 căn nhà ở Tp. HCM, trước bạ sang tên tôi ngày 27/04/2011. Đến tháng 4/2013, tôi đổi sổ hồng mới, vì sổ hồng trước đã quá cũ. Sổ hồng mới của tôi được cấp ngày 20/05/2013. Đến ngày 03/07/2013, Tôi công chứng, bán căn nhà trên. Vì tôi chỉ có 1 căn nhà duy nhất, nên tôi làm cam kết và gửi lên Chi cục thuế Quận 11-Tp.HCM, nhưng chi cục Thuế nói là phải đợi thông tư hướng dẫn cụ thể Nghị Định 65/2013. Mới xem xét trường hợp của tôi. Nay tôi mong Bộ Tài Chính, xem xét trường hợp của tôi, có được miễn thuế Thu Nhập Cá Nhân hay không? Vì thực chất, quyền sở hữu tài sản của tôi là từ ngày 27/04/2011, việc tôi đổi sổ hồng mới, thì không phải là cơ sở hợp lý chứng minh quyền sở hữu tài sản của tôi. Tôi Chân Thành cảm ơn Bộ Tài Chính.

 

Trả Lời:

Ngày 15/8/2013, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 111/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 65/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thuế TNCN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNCN. Theo đó, có quy định rõ cá nhân có duy nhất 01 căn nhà ở thì được miễn thuế TNCN. Cá nhân tự khai, tự cam kết và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc này.

 

Bạn đọc vui lòng tìm đọc TT số 111/2013, cùng các mẫu biểu khai kèm theo và liên hệ với cơ quan nộp Hồ sơ địa chính để được giải quyết. Lưu ý rằng có không ít trường hợp phát sinh phức tạp không phải do lỗi của chi cục thuế bởi vì cơ quan này chỉ có quyền tính thuế khi bộ phận địa chính chuyển đầy đủ hồ sơ có đủ thông tin về thửa đất, tình trạng đất, giá đất,…

 

Câu 3:

Kính gởi Bộ Tài chính - Tổng cục thuế Tôi có câu hỏi liên quan đến thuế GTGT như sau: Thứ nhất - Tôi làm trong lĩnh vực xây dựng khi mua vật tư phục vụ thi công thì bên bán hàng xuất hóa đơn bán hàng thông thường với đơn giá là A như vậy khi về làm thủ tục quyết toán công trình thì lấy đơn giá là A hay là 'A/thuế suất'; Thứ hai: Trong quá trình thi công do điều kiện công trình ở xa phải vận chuyển vật liệu bằng xe thô sơ và gùi cõng với đơn giá theo quy định của UBND tỉnh là B (trong quyết định không ghi rõ là có VAT hay chưa) vậy khi làm hồ sơ thanh quyết toán thì lấy đơn giá nào để quyết toán 'B' hay là 'B/thuế suất'. Rất mong nhận được sự hướng dẫn của quý cấp. Trân trọng cảm ơn!

 

Trả Lời:

Bạn không nêu rõ vị trí công việc của Bạn là Ban quản lý công trình hay là nhà thầu thi công. Vì Bạn hỏi về thuế và với nội dung chúng tôi hiểu rằng Bạn là nhà thầu thi công công trình, nay phải hoàn công quyết toán với Bên A là Ban quản lý dự án.

 

Quyết toán A-B thì rất đơn giản vì ký Hợp đồng với nhau theo giá/khối lượng nào thì chốt thanh toán theo giá đó. Bạn được lập dự toán bao nhiêu không liên quan gì đến giá thực mua bán cả. Giá thực mua sẽ là chi phí của DN bạn, mua thấp thì có thể có lời và ngược lại. Nếu mua của nhà cung cấp sử dụng hoá đơn bán hàng thông thường thì giá hạch toán là giá theo hoá đơn. Nếu mua của người bán có hoá đơn GTGT thì hạch toán giá nhập kho và đưa vào công trình theo giá không có thuế (phần trị giá tiền hàng) còn tiền thuế thì hạch toán vào TK 133. Trường hợp hoá đơn đầu vào không đủ điều kiện kê khai khấu trừ thuế đầu vào thì tiền thuế không được khấu trừ đó được hạch toán kết chuyển vào chi phí (ghi có TK133, ghi nợ TK chi phí tương ứng.

 

Cổng TTĐT Bộ Tài Chính