TCDN - Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế VAT ở ngưỡng 200 triệu đồng/năm và bỏ quy định điều chỉnh theo CPI.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh vừa ký ban hành Kết luận số 1065/KL-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế VAT (sửa đổi).
Trước đó, ngày 14/11/2024, tại Phiên họp thứ 39, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế VAT (sửa đổi).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát để tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, hoàn thiện Báo cáo tiếp thu, giải trình và dự thảo Luật, bảo đảm chất lượng, lưu ý rà soát để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật; đảm bảo việc thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng, Nhà nước, Quốc hội trong công tác xây dựng luật, thực hiện nghiêm các quy định của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.
Đối với các nội dung cơ quan chủ trì thẩm tra xin ý kiến: Về mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế VAT (khoản 25 Điều 5): Thống nhất với mức ngưỡng 200 triệu đồng/năm và bỏ quy định điều chỉnh theo CPI.
Về chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế suất 5%: Đề nghị xin ý kiến các đồng chí Thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xin ý kiến đại biểu Quốc hội theo 02 phương án (Phương án 1 là 5%; Phương án 2 là 2%).
Đối với các nội dung còn có ý kiến khác nhau: Đề nghị lấy phiếu xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản để thống nhất thu hẹp các phương án còn ý kiến khác nhau (tối đa không quá 2 nội dung), đối với các nội dung còn ý kiến khác nhau cụ thể sau: Về quy định không phải nộp thuế VAT đầu ra nhưng được khấu trừ thuế VAT đầu vào (khoản 1 Điều 5); Về sản phẩm cung cấp trên nền tảng số (điểm d khoản 1 Điều 9); Về thuế suất 0% đối với nhóm hàng hóa cung cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài khác (điểm c khoản 1 Điều 9); Về việc không hoàn thuế đối với các trường hợp hàng hóa nhập khẩu để xuất khẩu (khoản 1 Điều 15).
Đối với các vấn đề mà đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội khác với nội dung Chính phủ trình, đề nghị chuẩn bị 02 phương án để lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội. Đối với các vấn đề còn 02 phương án, đề nghị cần nêu rõ ưu điểm, hạn chế của từng phương án, đảm bảo thuyết phục, khách quan để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội xem xét, quyết định. Đồng thời chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm sự thống nhất giữa các quy định trong dự thảo Luật cũng như một số điều mà đại biểu còn quan tâm nhiều như khoản 3 Điều 15, khoản 1 Điều 14… cũng như sự đồng bộ với các luật khác có liên quan trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Về quy định cho hoàn thuế VAT đối với cơ sở “chỉ” sản xuất, cung ứng dịch vụ chịu thuế VAT 5% và quy định về sản phẩm quốc phòng, an ninh, đề nghị Cơ quan soạn thảo xem lại, giải thích rõ ràng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra để hoàn thiện Báo cáo tiếp thu giải trình và dự thảo Luật. Trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ thống nhất với ý kiến của cơ quan thẩm tra một số nội dung, đề nghị Chính phủ có văn bản làm căn cứ hoàn thiện dự thảo Luật.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ trì phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan hoàn thiện Báo cáo tiếp thu giải trình và dự thảo Luật, thực hiện các bước công việc theo quy định, theo quy chế làm việc của Ủy ban Tài chính, Ngân sách và theo quy chế làm việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm chất lượng dự thảo Luật, trình Quốc hội xem xét, quyết định.