Chủ tịch VTCA tham dự và phát biểu tại Hội nghị trực tuyến “Giới thiệu Cổng Dịch vụ công Quốc gia và các lợi ích dành cho doanh nghiệp”
Để tăng cường sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp trong việc sử dụng Cổng Dịch vụ công Quốc gia, sáng 19/5, Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến “Giới thiệu Cổng Dịch vụ công Quốc gia và các lợi ích dành cho doanh nghiệp”. Upload file:, , ,
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách hành chính của Thủ tướng Chính phủ và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đồng chủ trì hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, để kịp thời ứng phó với đại dịch COVID-19, Chính phủ đã thực hiện chuyển đổi mạnh phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công như: Tăng cường việc gửi - nhận văn bản điện tử qua Trục liên thông văn bản quốc gia; chuyển dần từ báo cáo giấy sang báo cáo điện tử thông qua Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, báo cáo của các bộ, ngành, địa phương; hệ thống thông tin một cửa điện tử, cổng dịch vụ công cấp bộ cấp tỉnh phát huy hiệu quả.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, lần đầu tiên ghi nhận giá trị pháp lý của thủ tục trực tuyến, kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử, công nhận hồ sơ ký số của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm bớt các loại hồ sơ giấy cũng như các quy trình giao dịch trực tiếp với cơ quan nhà nước, thúc đẩy giao dịch điện tử, góp phần xây dựng nền kinh tế số.
Được khai trương ngày 9/12/2019, từ 8 nhóm dịch vụ công được cung cấp tại thời điểm khai trương, đến nay trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp, cung cấp 406 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 235 dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp.
Qua tài khoản Cổng Dịch vụ công Quốc gia, các doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục tại tất cả các Bộ, ngành, địa phương và thực hiện thanh toán trực tuyến các nghĩa vụ tài chính liên quan. Cùng việc thúc đẩy thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử, ưu điểm rất lớn của việc nộp hồ sơ hoặc thực hiện các thủ tục hành chính thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia là tạo thêm kênh giám sát việc thực hiện, bảo đảm tính minh bạch. Quá trình giải quyết được thông tin tới các doanh nghiệp, đồng thời, Văn phòng Chính phủ cũng đồng hành đôn đốc, theo dõi và chấn chỉnh kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong việc giải quyết.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch VTCA đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành trong việc đưa ra các yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính. Thực tế, khối doanh nghiệp được hưởng lợi từ sự chỉ đạo và giám sát sát sao của lãnh đạo đối với cán bộ thực thi chính sách tới khâu cuối cùng. Với ngành thuế 100% các DN có thể khai, nộp thuế điện tử; với ngành BHXH cũng sẽ có bước tiến về cải cách thủ tục hành chính ví dụ như hiện tượng xếp hàng tại khu vực 1 cửa giảm đi đáng kể vì rất nhiều DN thực hiện thủ tục BHXH trực tuyến. Trước đây một số ngành như thuế, BHXH, Hải quan cũng đã áp dụng thủ tục hành chính điện tử nhưng với sự ra đời của Cổng Dịch vụ công Quốc gia, người dân và DN hy vọng rất nhiều về sự minh bạch, rõ ràng trong xử lý các thủ tục hành chính công. Vấn đề chi phí vẫn còn là một vướng mắc cần được xử lý, cụ thể là hiện nay một chữ ký số có chi phí từ 2,4 triệu đến 2,7 triệu, ví dụ 1 DN nếu có hoạt động xuất nhập khẩu thì cần có tổng cộng 3 chữ ký số: 1 chữ ký số để làm thủ tục HC thuế, 1 chữ ký số làm thủ tục BHXH và 1 chữ ký số cho thủ tục Hải quan.