Hỏi - Đáp(Thuế TNDN) _2013.12.13

12/13/2013 02:42:36 PM





Upload file:

Câu 1:  Hướng dẫn về thuế TNDN đối với trường hợp chuyển nhượng vốn phát sinh tại nước ngoài được hướng dẫn như thế nào?

 

Trả lời: 

 

Tại Khoản 2, Điều 2, Chương I, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 03/06/2008 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2009) quy định về đối tượng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp:

 

"2. Doanh nghiệp có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này phải nộp thuế TNDN như sau:

 

a. Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam và thu nhập chịu thuế phát sinh ngoài Việt Nam;

 

b. Doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam và thu nhập chịu thuế phát sinh ngoài Việt Nam liên quan đến hoạt động của cơ sở thường trú đó;

 

c. Doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam mà khoản thu nhập này không liên quan đến hoạt động của cơ sở thường trú;

 

d. Doanh nghiệp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam".

 

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp Công ty Quadrum Proprety Fund (là Công ty 100% vốn ở nước ngoài), không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, thực hiện chuyển nhượng Công ty Quadrum Centrepoint Limited (là Công ty 100% vốn ở nước ngoài) cho một Công ty khác ở nước ngoài; Công ty cam kết giao dịch này được thực hiện hoàn toàn ngoài lãnh thổ Việt Nam, giữa các Công ty nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam; vốn chủ sở hữu của Công ty Quadrum Centrepoint Limited ở Công ty Việt Nam không thay đổi; Công ty Quadrum Centrepoint Limited  và Công ty cổ phần đầu tư Nguyên Vũ không phát sinh thu nhập từ giao dịch này; và Giấy phép đầu tư của Công ty cổ phần đầu tư Nguyên Vũ tại Việt Nam sẽ không thay đổi thì giao dịch này không thuộc đối tượng nộp thuế TNDN đối với hoạt động chuyển nhượng vốn tại Việt Nam.

 

Trường hợp đơn vị có phát sinh các thay đổi các cam kết nêu trên và phát sinh thu nhập chịu thuế tại Việt Nam thì thuộc diện chịu thuế TNDN đối với hoạt động chuyển nhượng vốn theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thuế TNDN của Việt Nam.

 

Câu 2:

 

Ưu đãi thuế TNDN đối với doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực lập trình máy tính (sản xuất phần mềm), buôn bán máy tính... được hướng dẫn như thế nào?

 

Trả lời:

 

Về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực sản xuất sản phẩm phần mềm, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã có công văn số 777/CT-TTHT ngày 9/2/2012 trả lời Công ty cổ phần phần mềm trực tuyến FPT. Nay Tổng cục Thuế có ý kiến thêm như sau:

 

Khoản 5 Điều 19 Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ quy định:

 

"5. Doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư được hưởng ưu đãi thuế quy định tại Điều 15 và Điều 16 Nghị định này là doanh nghiệp đăng ký kinh doanh lần đầu, trừ các trường hợp sau:

 

a) Doanh nghiệp thành lập trong các trường hợp chia, tách, sáp nhập, hợp nhất theo quy định của pháp luật;

 

b) Doanh nghiệp thành lập do chuyển đổi hình thức doanh nghiệp, chuyển đổi sở hữu, trừ trường hợp giao, khoán, cho thuê doanh nghiệp Nhà nước;

 

c) Doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mới thành lập mà chủ doanh nghiệp là chủ hộ kinh doanh cá thể và không có thay đổi về ngành nghề kinh doanh trước đây;

 

d) Doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc hợp tác xã mới thành lập mà người đại diện theo pháp luật (trừ trường hợp người đại diện theo pháp luật không phải là thành viên góp vốn), thành viên hợp danh hoặc người có số vốn góp cao nhất đã tham gia hoạt động kinh doanh với vai trò là người đại diện theo pháp luật, thành viên hợp danh hoặc người có số vốn góp cao nhất trong các doanh nghiệp đang hoạt động hoặc đã giải thể nhưng chưa được 12 tháng tính từ thời điểm giải thể doanh nghiệp cũ đến thời điểm thành lập doanh nghiệp mới.".

 

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp Công ty cổ phần phần mềm trực tuyến FPT là doanh nghiệp được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu ngày 25/4/2011, ngành nghề kinh doanh: lập trình máy tính (sản xuất phần mềm); bán buôn máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phần mềm (bán buôn phần mềm); bán lẻ máy tính, thiết bị ngoại vi, phần mềm và thiết bị viễn thông trong các cửa hàng chuyên doanh (bán lẻ phần mềm), nếu Công ty cổ phần phần mềm trực tuyến FPT thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực sản xuất sản phẩm phần mềm nhưng không thuộc các trường hợp theo quy định tại điểm a, b, c, d khoản 5 Điều 19 Nghị định 124/2008/NĐ-CP nêu trên thì Công ty được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo quy định tại Điều 15, Điều 16 Nghị định 124/2008/NĐ-CP đối với thu nhập từ hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm theo điều kiện thực tế đáp ứng. Thu nhập từ các hoạt động khác như bán buôn, bán lẻ máy vi tính, thiết bị ngoại vi … không được hưởng ưu đãi thuế TNDN, Công ty phải kê khai nộp thuế TNDN theo quy định.

 

Câu 3:

 

Năm 2009, 2010, 2011, 2012, Công ty có chi tiền lương cho người lao động như sau : Tiền lương = Lương cơ bản + Phụ cấp sinh hoạt + phụ cấp thu hút + Thưởng Lễ (Tết Tây, Tết Âm Lịch, Giỗ Tổ Hùng Vương, 30/4, 1/5, 2/9) + Thưởng năm ( tuỳ theo kết quả kinh doanh mỗi năm) Lương cơ bản : có đăng ký xây dựng thang lương, bảng lương với Phòng Lao động. Tất cả các khoản lương cơ bản, các phụ cấp, thưởng nêu trên mà người lao động được hưởng, được ghi cụ thể trong hợp đồng lao động đã ký, người lao động có ký nhận trong bảng lương. Vậy, toàn bộ khoản tiền lương trên đã chi cho người lao động có được tính vào chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không?

 

Trả lời:

 

Chi phí tiền lương, tiền thưởng liên quan đến chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN được quy định tại các Thông tư của Bộ Tài chính số 130/2008, 18/2011 và 123/2012 . Theo đó, từ năm 2011 trở đi các khoảng lương, thưởng mà DN chi trả người lao động được ghi cụ thể vào một trong số các tài liệu là Hợp đồng lao động, hoặc Thoả ước lao động tập thể, hoặc Quy chế tài chính của công ty, Tổng công ty,… và thực tế DN có chi với chứng từ kế toán, có chữ ký của người nhận thì đều được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.

 

Đối với các năm 2009, 2010 thì quy định tại TT số 130/2008 chưa nêu cụ thể cho nên Bộ Tài chính, Tổng cục thuế có hướng dẫn tại các công văn gửi cục thuế các tỉnh, thành phố, trong đó có đề cập đến nội dung này.

 

Với cách làm và chứng từ cho như Bạn nêu trong thư hỏi thì trường hợp của Bạn là chấp nhận được.

 

Theo VTCA